Thoát nghèo từ vốn vay chính sách ở Kỳ Sơn

(Baonghean.vn) - Thông qua việc sử dụng nguồn vốn chính sách, nhiều mô hình hay, phù hợp với từng địa bàn đang dần hiện thực mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXII.

Dẫn chúng tôi đi thăm các hộ vay vốn ưu đãi ở xã Chiêu Lưu, một xã nội địa còn nhiều khó khăn của huyện Kỳ Sơn, chị Lô Thị Hoa, chủ tịch hội nông dân xã Chiêu Lưu, chia sẻ: “Những năm trước đây đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn xã Chiêu Lưu gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế của các hộ chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở lại đây khi người dân tiếp cận được vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện, nhiều hộ nông dân trong xã đã có bước phát triển rõ rệt. Cái nghèo, cái đói không còn đeo bám người dân, thậm chí nhiều hộ còn vươn lên trở thành hộ khá hộ giàu trong phát triển kinh tế của xã”.

Phía sau những hàng xoan thẳng tắp là lán trại của ông Vi Quỳnh Thương, bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu.
Phía sau những hàng xoan thẳng tắp là lán trại của ông Vi Quỳnh Thương, bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu.

Trang trại tổng hợp của gia đình ông Vi Quỳnh Thương bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của huyện Kỳ Sơn. Ông Thương bắt đầu vào khai hoang lập trại ở vùng đất nghèo phía sau bản từ năm 2009 với chỉ vài con bò và 2 con lợn nái sinh sản. Với quyết tâm làm giàu, vào năm 2013, ông Thương vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chích sách xã hội huyện. Có vốn trong tay, ông đầu tư mua thêm giống bò về nuôi. Sau một năm, bò cái của ông đã bắt đầu sinh sản, còn bò đực trong đàn được xuất bán. Từ số tiền bán bò ông lại tiếp tục đầu tư mua Dê giống, đào thêm ao cá, khai hoang và trồng các loại cây lấy gỗ vừa có chỗ chăn thả gia súc vừa mang lại thu nhập cho gia đình.

Chăn nuôi Trâu, bò mang lại nguồng thu từ 30 đến 40 triệu đồng mỗi năm.
Chăn nuôi trâu, bò mang lại cho ông Thương ngồn thu từ 30 đến 40 triệu đồng mỗi năm.

Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", hai vợ chồng ông Thương vừa phát triển số đàn gia súc, gia cầm vừa xuất bán lấy vốn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô các chuồng trại. Đến nay ông Thương đã làm chủ một mô hình phát tiển kinh tế mang lại hiệu quả cao nhất xã, với 16 con bò, 3 con trâu, 10 con dê, 3 ao cá, gần 200 con gia cầm, 1.500 con ếch, và hơn 1ha rừng xoan chuẩn bị cho thu hoạch.

Chia sẻ về thu nhập, ông Thương cho biết: “Trừ đi các chi phí, mỗi năm gia đình cũng thu lãi từ 60 đến 80 triệu đồng- nguồn thu không nhỏ đối với những người nông dân chúng tôi. Từ thực tế làm trang trại bước đàu thành công của chúng tôi sẽ giúp cho các hộ nghèo khác có thể sử dụng nguồn vốn vay chính sách để phát triển kinh tế."

Ngoài nuôi gia súc, gia cầm, hộ gia đình Ông Vi Quỳnh Tưng bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu, còn đầu tư đào ao nuôi cá, và nuôi từ 1.500 đến 2.000 con ếch thương phẩm mỗi năm.
Ngoài nuôi gia súc, gia cầm, hộ gia đình Ông Vi Quỳnh Thương còn đầu tư đào ao nuôi cá, và nuôi từ 1.500 đến 2.000 con ếch thương phẩm mỗi năm.

Rời trang trại ông Thương, chúng tôi tiếp tục đến nhà anh Vi Văn Nang, bản Tạt Thoong, ở cùng xã Chiêu Lưu. Từng là một trong những hộ nghèo nhất bản Tát Thoong, cách đây hơn 10 năm, nhờ nguồn vốn chính sách 30 triệu đồng, anh mua được 1 cặp trâu và 2 cặp lợn giống về nuôi, từ đó anh bỏ hẳn làm nương rẫy, chỉ ở nhà chuyên tâm nấu rượu, nuôi lợn. Đến nay gia đình anh Nang đã có 10 con trâu, 30 con lợn thương phẩm. Cùng với hộ ông Thương, gia đình anh Nang, nay trở thành mô hình kinh tế tiêu biểu của bản, của xã.

Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chiêu Lưu ban hành nghị quyết đẩy phát triển kinh tế với hướng đi chủ yếu tập trung vào mũi chăn nuôi đại gia súc. Đây là giải pháp quan trọng nhất để Chiêu Lưu thực hiện mục tiêu bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 4,5 - 5%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 12 đến 14 triệu đồng/năm.

mô hình nuôi lợn thịt của hộ chị Lữ Thị La, bản Khe Nằn, một trong 8 mô hình phát tiển kinh tế hiệu quả nhất tại xã Chiêu Lưu, với mức thu nhập 80 đến 100 triệu đồng/năm
Mô hình nuôi lợn thịt của hộ chị Lữ Thị La, bản Khe Nằn, một trong 8 mô hình phát tiển kinh tế hiệu quả nhất tại xã Chiêu Lưu, với mức thu nhập 80 đến 100 triệu đồng/năm

Đồng chí Lương Thị Vượng, phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có trên 30 mô hình gia trại có hiệu quả với việc sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH. Các mô hình này mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nôi của xã. Từ thực tế hiệu quả này, Chiêu Lưu sẽ nhân rộng cách làm và kết nối với Ngân hàng CSXH huyện để có nguồn vốn chính sách phục vụ nhu cầu cho các hộ nghèo có kế hoạch vượt khó vươn lên phát triển kinh tế…”

Lữ Phú

TIN LIÊN QUAN

Tin mới