'Xóa' yếu, giảm 'trắng' chi bộ thôn bản vùng đặc thù

(Baonghean) - Từ thực trạng chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị vùng đặc thù và nguy cơ tái “trắng” chi bộ, ngày 10/8/2016, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2012-2020” với nhiều giải pháp đồng bộ.

Mục tiêu trọng tâm của Đề án số 01-ĐA/TU do Tỉnh ủy Nghệ An ban hành (từ đây gọi là Đề án 01) là tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới, từng bước giảm số lượng xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên tại chỗ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân, chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề khó khăn, vướng mắc xảy ra từ cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Quốc Khánh - Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Để đưa Đề án 01 đi vào cuộc sống có hiệu quả, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập ban chỉ đạo đề án, ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện và tổ chức quán triệt các nội dung của đề án, giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị; tổ chức hội nghị cấp tỉnh quán triệt các nội dung của đề án. Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các đơn vị. Đến nay, nhiều địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, vận dụng linh hoạt với thực tiễn địa phương trên nền tảng các đề án đã và đang thực hiện trước đây.

Chọn nơi yếu để tập trung chỉ đạo

Tại huyện Tân Kỳ, với đặc thù của một địa phương vừa có đồng bào theo đạo công giáo (chiếm 0,38%), vừa có đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 21,07% dân số toàn huyện). Ban Thường vụ Huyện ủy luôn xác định việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc vận động 37 ngành, đơn vị, cơ quan đăng ký giúp đỡ các xã theo phương thức “yếu đâu bù đó”, huyện ban hành nhiều quyết định, đề án, kế hoạch xây dựng các mô hình điểm với cách làm cụ thể.

Tân Hương là xã vùng giáo đặc biệt khó khăn được huyện chọn làm một trong những đơn vị điểm để tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Bên cạnh việc điều động cán bộ huyện tăng cường về làm chủ tịch xã này, Huyện ủy Tân Kỳ còn chỉ đạo Đảng ủy xã kiện toàn lại 100% đội ngũ đoàn thể, điều chuyển 12 cán bộ, đảng viên về sinh hoạt tại 6 chi bộ yếu và thiếu đảng viên nhằm tăng thêm hạt nhân lãnh đạo và nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các chi bộ. Việc cử cán bộ về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ khối nông thôn đã tạo nên chuyển biến mạnh mẽ, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở Tân Hương.

ông Trần Văn Thu- Bí thư chi bộ xóm 7 xã Tân Hương hướng dẫn người dân ươm keo giống
ông Trần Văn Thu- Bí thư chi bộ xóm 7 xã Tân Hương hướng dẫn người dân ươm keo giống

Tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên ngày càng tăng lên (cựu chiến binh đạt 97,13% tăng 2%, đoàn thanh niên 64,5% tăng 15%); kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân đầu người  năm 2015 đạt 15 triệu đồng/người, tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2013. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 2%/năm.

Một số vấn đề bức xúc, nổi cộm tại cơ sở như: về điện, ô nhiễm môi trường, đất đai, chính sách xảy ra tại thôn, xóm được tập trung xử lý, tạo niềm tin trong nhân dân. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên, vai trò hạt nhân chính trị của chi bộ đảng và ý thức trách nhiệm của đảng viên được nâng cao. Sau khi được chọn làm điểm, Tân Hương kết nạp được 9 đảng viên mới trong đó có 3 đảng viên vùng giáo. Hiện nay xã này chỉ còn 2/12 xóm có giáo dân có nguy cơ tái “trắng” chi bộ là xóm 11 và xóm 12.

Ông Phan Văn Giáp - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Kỳ cho hay: Trên cơ sở kế hoạch thực hiện Đề án 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy và Kết luận số 84-KL/HU của BCH Đảng bộ huyện Tân Kỳ, huyện tiếp tục thực hiện xây dựng hệ thống chính trị cơ sở với phương châm “vững mạnh toàn diện, bền vững thực chất”. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có yếu kém, xóa bền vững những chi bộ có nguy cơ tái “trắng”.

Làm tốt công tác cán bộ

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “cán bộ nào, phong trào ấy”, huyện Yên Thành xác định vấn đề cốt lõi trong củng cố hệ thống chính trị chính là công tác cán bộ. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Thành - đồng chí Nguyễn Viết Hưng: Muốn có cán bộ tốt thì phải phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn từ cơ sở. Trước hết cần phải quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ tại chỗ “lấy sức ta để giải phóng cho ta”. 

Thực tế trong thời gian qua, huyện Yên Thành chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ từ cấp cơ sở. Nhờ đó, chất lượng cán bộ cấp xã ở Yên Thành có nhiều chuyển biến tốt. Tính chung toàn huyện, trong tổng số 413 cán bộ chuyên trách cấp xã thì có 192 người có trình độ đại học, cao đẳng; 132 cán bộ trung cấp. Về chính trị có 49 người có trình độ cử nhân, cao cấp; 273 người có trình độ trung cấp.

Riêng cấp ủy cấp xã, nhiệm kỳ 2015 – 2020 có 585 cấp ủy viên, trong đó có 362 người có trình độ đại học, chiếm gần 62%. Về công chức, 458 người thì có 236 đại học, cao đẳng và 220 trung cấp; 2 cử nhân chính trị và 137 trung cấp chính trị. Gắn đào tạo, Yên Thành cũng chú trọng tăng cường cán bộ có năng lực, ý thức trách nhiệm cao từ huyện về nắm giữ vị trí chủ chốt ở một số địa phương có phong trào yếu hoặc thiếu cán bộ có năng lực. Sau Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, huyện đã luân chuyển 2 cán bộ huyện về làm lãnh đạo ở 2 xã vùng giáo. 

Đối với xã Công Thành - nơi có 46% dân số theo đạo thiên chúa, trong đó có 7 xóm giáo toàn tòng, theo Bí thư Đảng ủy xã - đồng chí Nguyễn Văn Thuận: Ở địa bàn nào, chức sắc, chức việc có nhận thức tốt, biết hài hòa giữa công việc của Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ với công việc của địa phương thì hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở thuận lợi và ngược lại. Bởi vậy, vấn đề đặt ra cho cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị ở các địa bàn này phải nỗ lực trau dồi về trình độ mọi mặt, kỹ năng công tác, kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục; giữ mối quan hệ tốt với chức sắc, chức việc giáo hội đồng hành vì mục tiêu chung: “Tốt đời, đẹp đạo”.  

Trưởng bản Huồi Chao xã Nậm Càn ( Kỳ Sơn) trao đổi với cán bộ huyện ủy và phóng viên
Trưởng bản Huồi Chao xã Nậm Càn ( Kỳ Sơn) trao đổi với cán bộ huyện ủy và phóng viên

Đồng chí Hoàng Văn Bộ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu - một trong 3 đơn vị Tỉnh ủy chọn làm điểm để triển khai Đề án 01 (cùng với các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên) cũng cho rằng: Hiện nay điều quan trọng nhất trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở là việc phát triển đảng viên tại chỗ để các xóm đều có đảng viên và thành lập chi bộ độc lập, đảm bảo vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cấp này. Gắn với đó là việc kiện toàn ban chỉ huy xóm và các chi hội, chi đoàn; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, tạo phong trào để thu hút đoàn viên, hội viên tham gia, qua đó phát hiện nhân tố bồi dưỡng cho Đảng.

Từ thực tiễn cơ sở, đồng chí Nguyễn Danh Hạnh - Bí thư Chi bộ xóm 12, xã Bảo Thành (huyện Yên Thành) nêu vấn đề: Muốn củng cố chất lượng  hệ thống chính trị cơ sở vùng đặc thù không chỉ nằm ở việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, cán bộ mà còn phải đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phong cách làm việc của cán bộ và xử lý tốt mối quan hệ với nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên nằm trong hệ thống chính trị cơ sở cần phải tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân thông qua những hành động “nói đi đôi với làm”; phải thật sự sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, trọng dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bởi đây là những con người, là tổ chức gần dân nhất...

Đồng tình với quan điểm này, đồng chí Hoàng Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên cho biết: Huyện thường xuyên chăm lo bồi dưỡng phát triển đội ngũ đảng viên, cán bộ cốt cán làm nòng cốt giúp đỡ quần chúng nhân dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đến nay, toàn huyện có 120 đảng viên là người có đạo trải đều trên 16/23 xã, thị trấn có đồng bào tôn giáo. Kinh nghiệm cho thấy những  xóm nào, xã nào có cán bộ cốt cán, đảng viên vững vàng, sự lãnh đạo đoàn kết thống nhất, thì nơi đó chi bộ và các chi hội đoàn thể phát huy được vai trò trung tâm đoàn kết, hướng người dân vào hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, ít có vi phạm xảy ra. 

Bởi vậy, làm tốt công tác dân vận, giữ mối quan hệ tốt với đội ngũ chức sắc, chức việc; gây dựng những mô hình, nhân tố tốt để nhân rộng là một trong những giải pháp mà Đảng bộ huyện Hưng Nguyên đã và đang triển khai trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù, trong đó trọng tâm là các chi bộ vùng có đông đồng bào theo đạo. Cũng nhờ cách làm này, đến nay Hưng Nguyên chỉ còn 4 chi bộ có nguy cơ tái “trắng” là Bắc Phúc Long, Kẻ Gai, Hưng Thịnh 3 (Hưng Tây) và xóm 8 (Hưng Trung)…

Bên cạnh việc chăm lo đội ngũ cốt cán vùng giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Đề án 01 cũng đã nêu rõ: Xây dựng chính sách ưu tiên trong thu hút, tuyển dụng công chức, viên chức xã là giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, đội ngũ y, bác sỹ trạm y tế có đủ tiêu chuẩn, có hộ khẩu thường trú tại các địa phương còn xóm chưa có chi bộ và địa phương có nguy cơ tái xóm không có chi bộ để bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên mới và quy hoạch bổ sung cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Cùng với xây dựng, củng cố nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các chi bộ và  phát huy vai trò các tổ chức, đoàn thể, nhiều ý kiến cho rằng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm đầu tư phát triển kinh tế -  xã hội ở vùng đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số, tập trung vào khai thác thế mạnh của mỗi địa phương; huy động tổng hợp các nguồn lực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Từ đó nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân, đảm bảo cuộc sống ấm no, ổn định, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở Yên Thành
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở Yên Thành

Trong Đề án 01 Tỉnh ủy cũng đã giao trách nhiệm cho Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo ban hành bộ tiêu chí, cơ chế và nguồn lực xây dựng nông thôn mới đối với các xóm vùng giáo, vùng khó khăn của tỉnh. Trước mắt tập trung tại 168 xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên… Tuy nhiên, để đề án thực sự “bén rễ” vào cuộc sống một cách có hiệu quả cần sự vào cuộc đồng bộ, lâu dài, vận dụng linh hoạt của các ngành các cấp, các địa phương. Trong đó chú trọng tạo nguồn kết nạp đảng viên mới, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và sức chiến đấu của các chi bộ vùng đặc thù. 

Chỉ tiêu Đề án 01 là phấn đấu đến năm 2020:

- Có trên 50% xóm chưa có đảng viên, chưa có chi bộ kết nạp được đảng viên mới; giảm 50% số xóm chưa có chi bộ và 50% số xóm có nguy cơ không còn chi bộ.

- 100% xóm được kiện toàn củng cố và thành lập được chi đoàn, chi hội thanh niên, chi hội phụ nữ, chi hội nông dân.

- Trên 90% cán bộ trưởng, phó các đoàn thể chính trị xã hội cấp xã, phường, thị trấn và 60% xóm trưởng là đảng viên.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới