Những người trẻ làm sáng miền rẻo cao

(Baonghean) - Khi hoa ban, hoa đào bung nở  trên các sườn đồi, khói bếp nhà nhà hòa quyện cùng sương núi, đồng bào Mông ở Kỳ Sơn rộn vui chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán, chúng tôi đã có chuyến hành trình gặp gỡ, trò chuyện thú vị với các đảng viên trẻ tiêu biểu người Mông - những nhân tố được ví như “hạt giống đỏ” ở  các bản làng vùng cao.

Ở xã biên giới Na Ngoi (Kỳ Sơn) nhiều người nhắc đến đảng viên trẻ Xồng Bá Dênh như một tấm gương trong lao động sản xuất và tham gia công tác xã hội. Xuất phát điểm là Bí thư Chi đoàn bản Buộc Mú 1, qua quá trình phấn đấu, trưởng thành, chàng trai người Mông sinh năm 1985 vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thanh niên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn xã Na Ngoi.

Với sự năng động, sáng tạo và tâm huyết của mình, trên cương vị Bí thư đoàn xã, Xồng Bá Dênh đã phát động triển khai thí điểm phong trào mô hình trồng gừng tập thể trong chi đoàn các thôn bản; tiền thu hoạch từ gừng sẽ dùng để phục vụ các hoạt động đoàn và phong trào thanh niên ngay tại cơ sở. Mới đầu chỉ có 3 chi đoàn hưởng ứng, đến nay trong xã đã có 13/19 chi đoàn thôn bản có mô hình kinh tế tập thể.

Bí thư Đoàn xã Na Ngoi - Xồng Bá Dênh (áo xanh) giới thiệu mô hình kinh tế tập thể của thanh niên địa phương.
Bí thư Đoàn xã Na Ngoi - Xồng Bá Dênh (áo xanh) giới thiệu mô hình kinh tế tập thể của thanh niên địa phương. Ảnh Hoài Thu

Điển hình như Chi đoàn bản Xiềng Xí với mô hình trồng lúa đông xuân, Chi đoàn bản Pù Quặc với mô hình trồng cây xoan đỏ. Phong trào hộ gia đình thanh niên làm kinh tế giỏi cũng được nhân rộng với nhiều loại hình (trồng rừng, chè, chăn nuôi trâu bò, gà đen), bản thân Xồng Bá Dênh cũng là một “triệu phú trẻ” ở xã biên giới Na Ngoi với 1,3 ha gừng, cỏ voi và đàn trâu 15 con. 

Dẫn chúng tôi tới khu vực nuôi trâu, trồng gừng nằm sâu ở triền núi mờ sương trong cái lạnh 8 - 90C, Xồng Bá Dênh vui vẻ nói: “Mình là thủ lĩnh đoàn xã lại là đảng viên, muốn khuyến khích, vận động thanh niên trong bản, trong xã phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thì bản thân phải làm kinh tế cho giỏi đã. Mình làm giỏi thì người ta ưng con mắt, từ đó mới ưng cái bụng, mới tin, mới nghe”. Được biết, mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng gừng mỗi năm đem lại cho gia đình Xồng Bá Dênh tổng thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồn

Bí thư đoàn xã Na Ngoi Xồng Bá Dênh chăm sóc đàn trâu
Bí thư đoàn xã Na Ngoi Xồng Bá Dênh chăm sóc đàn trâu. Ảnh: Khánh Ly

Không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của thanh niên, Bí thư Đoàn xã Xồng Bá Dênh còn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Mỗi năm Đoàn xã Na Ngoi giới thiệu 8 -10 đoàn viên ưu tú đi học đối tượng đảng, trong đó số được xem xét để kết nạp đảng khoảng 4 - 5 người. Nhận xét về đảng viên trẻ Xồng Bá Dênh, ông Mùa Bá Cu - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Na Ngoi cho biết: Đó là một thanh niên gương mẫu, năng động, chịu khó, sinh ra trong một gia đình người Mông một lòng theo Đảng (Xồng Bá Dênh có bố là đảng viên, nguyên Chủ tịch MTTQ xã, em trai Xồng Nỏ Và, sinh năm 1987 hiện là Bí thư Chi bộ bản Buộc Mú 1 và em trai Xồng Bá May, đảng viên, hiện là Bí thư Chi đoàn bản Buộc Mú 1)...

Ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) có nữ đảng viên trẻ Mùa Y Khù, sinh năm 1986, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản, là một gương phụ nữ Mông “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ở Mùa Y Khù toát lên vẻ nhanh nhẹn, tháo vát.  Chồng Mùa Y Khù cũng là đảng viên, đi bộ đội xa nhà thường xuyên, nhưng Mùa Y Khù vẫn làm tròn vai dâu hiền, vợ đảm và làm tốt vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản.

Đảng viên trẻ Mùa Y y Khùa bên các con
Đảng viên trẻ Mùa Y y Khùa bên các con. Ảnh Hoài Thu

Sơn Hà là bản người Mông duy nhất ở xã Tà Cạ (còn lại chủ yếu là người Thái và Khơ mú sinh sống). Trong bản có hơn 90 hội viên chi hội phụ nữ. Dưới sự dẫn dắt của đảng viên trẻ Mùa Y Khù, Chi hội Phụ nữ bản Sơn Hà luôn ở tốp đầu trong mọi phong trào của Hội Phụ nữ xã từ văn hóa, văn nghệ, giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng rau sạch đến việc phát triển, giữ gìn nghề thêu truyền thống. Bên cạnh đó các chị em còn phát triển nghề nuôi bò vỗ béo, hội viên nuôi ít thì 2-3 con, hộ nhiều thì lên đến 10 con...

Bên bếp lửa bập bùng trong ngôi nhà ấm cúng, Mùa Y Khù chia sẻ với chúng tôi bằng tiếng phổ thông rất sõi: Đối với phụ nữ Mông đã dần qua rồi cái thời sáng đi rẫy, tối về quanh quẩn bên bếp lửa, đôi chân quen bám đất không bước ra khỏi bản. Bây giờ  cái lưng không chỉ để gùi bắp, gùi sắn, mà còn "gùi" cả con chữ. Cái chân không chỉ quanh quẩn  trên nương, lên rẫy mà còn tham gia các phong trào, hoạt động xã hội, góp sức xây dựng bản làng, đưa chủ trương, chính sách của Đảng đến gần hơn với bà con dân bản.

Có thể nói Mùa Y Khù là một điển hình của phụ nữ Mông hiện đại. Rất bận rộn việc gia đình và công tác phụ nữ, công tác đảng, nhưng chị vẫn nỗ lực hoàn thành lớp tại chức đại học kinh tế, nuôi bò, trồng rau, chăm con khéo để chồng yên tâm công tác. Với những nỗ lực của mình, Mùa Y Khù vinh dự được Đảng ủy xã Tà Cạ tặng Giấy khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Hội Phụ nữ xã Tà Cạ, Hội LHPN huyện Kỳ Sơn tặng Giấy khen cho thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào thi đua “giỏi việc nước, đảm việc nhà”...

Chúng tôi cũng đã vượt sương mù lên xã Huồi Tụ gặp gỡ  đảng viên trẻ Hạ Bá Lỳ - cựu học sinh của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, từng giành Huy chương Bạc môn Toán học tại Hội thảo các trường DTNT toàn quốc và được Tỉnh đoàn Nghệ An tuyên dương gương mặt trẻ tiêu biểu. Lỳ vốn quê gốc ở xã Tây Sơn (Kỳ Sơn), cuộc sống khó khăn, đường đến trường xa xôi, cách trở, nhưng chàng trai người Mông vẫn mong muốn được học cái chữ và quyết tâm trên con đường học tập.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc Dân (Hà Nội) năm 2014 với tấm bằng loại khá, Lỳ về nhận việc Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ theo dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã nghèo. Huồi Tụ là xã đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi hạn chế. Toàn xã có 872 hộ với 4.261 nhân khẩu, trong đó có khoảng 586 hộ tham gia sản xuất nông nghiệp chủ yếu là phát nương làm rẫy. Được giao phụ trách mảng kinh tế, chương trình, dự án, Lỳ chịu khó gần dân, bám địa bàn để tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập quán sản xuất của bà con.

Đảng viên trẻHạ Bá Lỳ phát biểu tại Lễ tổng kếtcủa Chi bộ bảnTrung tâmxã Huồi Tụ (Kỳ Sơn).
Đảng viên trẻ Hạ Bá Lỳ phát biểu tại Lễ tổng kết của Chi bộ bản Trung tâm xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn). Ảnh: Khánh Ly

Nhận thấy lợi thế của xã Huồi Tụ là cây chè, không chỉ hợp thổ nhưỡng, khí hậu mà còn được Tổng đội TNXP 8 bao tiêu đầu ra, Lỳ  chủ động phối hợp với cán bộ tổng đội, già làng, người có uy tín vận động, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, không phun thuốc diệt cỏ lên cây chè; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, xây dựng mô hình thanh niên nuôi bò vỗ béo từ nguồn vốn thuộc chương trình 30a, 135 hỗ trợ bò giống, cây con góp phần làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao đời sống cho bà con vùng cao. Hiện nay, toàn xã Huồi Tụ có gần 500 ha chè, tổng đàn bò là 3.000 con. 

Nghị lực vượt khó, nhiệt huyết của Hạ Bá Lỳ đã được đền đáp, tháng 6/2016, Lỳ là 2 trong số 8 cán bộ thuộc dự án 600 trí thức trẻ được bổ nhiệm chính thức là phó chủ tịch UBND xã theo Luật Chính quyền địa phương. “Đó là động lực để em tiếp tục phấn đấu, trưởng thành, góp sức xây dựng bản làng...”, chàng thanh niên người Mông giàu nghị lực tâm sự.

Những đảng viên trẻ như Xồng Bá Dênh, Mùa Y Khù, Hạ Bá Lỳ... đã và đang trở thành hạt nhân nòng cốt trong đoàn kết, phát triển cộng đồng, xây dựng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cầu nối đưa chủ trương chính sách của Đảng đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới...

Khánh Ly

Tin mới