Những người trẻ không chịu nghèo ở huyện rẻo cao

(Baonghean) - Huyện vùng biên rẻo cao Kỳ Sơn đang có những bước thay đổi toàn diện trong tư duy sản xuất, trong đó sự táo báo của những người trẻ trong làm ăn đang tạo ra sức lan tỏa lớn.

Siêng năng, chịu khó và ham học hỏi là những nhận xét của Bí thư Đoàn xã Phà Đánh Lương Văn Tạc dành cho đoàn viên Lương Văn May ở bản Piêng Hòm. Sinh năm 1985, tuy hoàn cảnh kinh tế gia đình không mấy khá giả nhưng Lương Văn May chịu khó học tập, tốt nghiệp cấp 3 xong May thi đậu một trường trung cấp và theo học ngành Điện. Học xong May trở về bản Piêng Hòm, xã Phà Đánh với quyết tâm lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. 

Mô hình chăn nuôi dê, bò, gà của đoàn viên Lương Văn May ở bản Bà, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) cho thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Hoài Thu
Mô hình chăn nuôi dê, bò, gà của đoàn viên Lương Văn May ở bản Bà, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) cho thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Hoài Thu

Lương Văn May vừa làm công nhân ở Nhà máy Thủy điện Nậm Cắn, vừa gom góp vốn liếng đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Nói về ý tưởng kinh doanh của mình, Lương Văn May cho hay: “Tham gia sinh hoạt Đoàn, được Huyện đoàn và các anh chị đoàn viên trong xã hỗ trợ, giúp đỡ nên em mạnh dạn đầu tư nuôi dê, bò và gà đen địa phương. Nay đàn dê đã có 25 con, bò 9 con, hơn 100 con gà, vịt, ngan. Em cũng đầu tư trồng ngô, chuối, sắn và cây xoan trên 1ha rẫy. Mỗi năm gia trại đem lại nguồn thu khoảng 100 triệu đồng”. Gia trại chăn nuôi của Lương Văn May là 1 trong 3 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên Kỳ Sơn vừa được Tỉnh đoàn hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng, lãi suất 0,1% để đầu tư phát triển...

Cũng được đánh giá là mô hình kinh tế hiệu quả và có tiềm năng phát triển và được Tỉnh đoàn hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng như Lương Văn May, tại bản Bà của xã Hữu Kiệm, đoàn viên Lộc Văn May lại chú trọng đầu tư chăn nuôi lợn, bò và mở cửa hàng kinh doanh buôn bán nhỏ.

Hiện đàn lợn của Lộc Văn May có 40 con, 6 con bò. Khi được hỏi sẽ làm gì với 50 triệu đồng được hỗ trợ vay thêm, Lộc Văn May cho biết, sẽ đầu tư để mua thêm con giống và sửa sang hệ thống chuồng trại, nâng mức thu nhập vượt 100 triệu đồng/năm so với hiện tại.

Toàn huyện Kỳ Sơn có 50 mô hình kinh tế có hiệu quả do thanh niên làm chủ, thu nhập từ 50 - 300 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như mô hình trồng gừng và chè tuyết Shan của tập thể BCH Đoàn xã Na Ngoi được tuyên dương mô hình dân vận khéo cấp tỉnh năm 2015; mô hình chăn nuôi trâu, bò của Mùa Bá Là, Mùa Bá Lầu (bản Lữ Thành), Vừ Bá Cu, Vừ Pà Xồng (bản Huồi Giảng 3), đều ở xã Tây Sơn.

Trong đó mỗi hộ nuôi từ 10 - 35 con trâu, bò cho thu nhập mỗi năm từ 30 - 100 triệu đồng. Mô hình trồng rừng kết hợp nuôi dê của Lầu Bá Bớ ở xã Nậm Càn cho thu nhập mỗi năm từ 15 - 20 triệu đồng. Mô hình nuôi trâu của Moong Văn Tư ở xã Bảo Thắng cho thu nhập 50 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi lợn, dê và bán hàng tạp hóa của Vi Văn Hải ở xã Chiêu Lưu cho thu nhập 96 triệu đồng/năm. Mô hình trồng chè của Xồng Bá Rê (xã Na Ngoi) cho thu nhập 75 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi 24 con bò của Lỳ Bá Cồ (xã Huồi Tụ) cho thu nhập 80 triệu đồng/năm…

Có thể nói, phát triển kinh tế là một trong những phong trào lớn mang lại nhiều hiệu quả của đoàn viên thanh niên huyện Kỳ Sơn trong nhiều năm qua, góp phần tích cực giúp tuổi trẻ huyện nhà lập thân lập nghiệp, xây dựng quê hương.

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN

Tin mới