Đường đến đài vinh quang trên đôi bi-tít

(Baonghean) - Ngày khai trường đầu tiên của mình khá tức cười.

Lớp 1B của mình đứng ngay trước mặt thầy hiệu trưởng nên bài diễn văn khai giảng mình chăm chú nghe không thiếu 1 chữ. Trong đó thầy trích lại lời Bác Hồ thế này: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Mình nghe mà khoái chí, học thuộc lòng để chiều về ba hoa với mẹ:

- Bác Hồ bảo mẹ phải mua dép bi-tít cho con đi học!

- Bác Hồ nói thế bao giờ?

- Bác Hồ chẳng dặn học sinh phải đưa đất nước đi đến đài vinh quang là gì? Hôm nọ con nghe bố hát bài “Đường đến vinh quang” có câu “Chặng đường nào rải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”. Eo ơi, đi đến đài vinh quang mà đi chân đất thì đau chân lắm!

Mẹ mình phì cười, chở mình đi mua 1 đôi dép bi-tít xịn. Mình hí hửng lắm, vì đài vinh quang chưa thấy đâu chứ có đôi bi-tít này mà xếp để chơi “trồng nụ trồng hoa” thì quá tuyệt!

Tất nhiên những mùa khai giảng sau, mẹ mình không “ngây thơ” thế nữa. Mình cũng dần hiểu ra rằng đi dép bi-tít không đủ để đưa đất nước đến đài vinh quang, vì cái Hà cũng đi dép bi-tít mà học dở ẹc đấy thôi!

Mùa khai giảng khác, mình nhớ thêm được 1 câu thầy hiệu trưởng trích từ lá thư Bác Hồ gửi học sinh cả nước nhân ngày khai trường độc lập: “(...) chúng ta phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều”. Mình nghĩ ngợi: Rất nhiều là bao nhiêu hoa điểm 10? Có lẽ không gì ám ảnh học sinh tiểu học hơn việc gắn hoa điểm 10 vào mỗi buổi sinh hoạt cuối tuần. Đứa nào cũng háo hức nhìn theo bàn tay cô giáo gắn những bông hoa đỏ chót phía sau tên mình, tự hào thấy hàng hoa chạy dài mãi. Mình vẫn thường báo cáo tình hình bảng hoa với ông ngoại, hãnh diện: “Cháu có nhiều hoa điểm 10 hơn huân, huy chương của ông rồi đấy nhé!”. Những lúc ấy, tự nhiên thấy mình như chiến sĩ nhỏ trên mặt trận Tổ quốc.

Bây giờ thì mình không còn được nghe thầy hiệu trưởng đọc thư Bác mỗi mùa tựu trường nữa. Đưa bé Bim đi khai giảng, mình đứng vẩn vơ nơi sân trường cũ, tưởng như nghe thấy tiếng trống trường năm nào. Không ai mua dép bi-tít, không ai gắn hoa điểm 10 cho mình, mà sao lời Bác dặn vẫn cứ văng vẳng bên tai. Giật mình tự hỏi: Mình đã làm được gì trong số “rất nhiều” điều mà nước nhà trông mong chờ đợi ấy? Lời Bác dặn dò học sinh từ 68 năm về trước, đến thời mình và đến tận bây giờ vẫn chưa hề cũ, có nghĩa là Việt Nam vẫn chưa “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”. Có nghĩa là những gì mình làm vẫn còn chưa đủ? Mình chợt vỡ ra: Lê-nin nói “Học, học nữa, học mãi” là đúng lắm. Học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Tổ quốc là nghĩa vụ trọn đời, tức đã là công dân Việt Nam thì trọn đời là công dân Việt Nam, cũng như việc rời khỏi ghế nhà trường không có nghĩa là kết thúc đời học sinh. Mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi lúc, mọi nơi, ai ai cũng phải không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân, chính là đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước.

Bác Hồ đã học như thế nào? Khó có thể định lượng được sự học của Bác bằng bao nhiêu đôi dép bi-tít hay bao nhiêu hoa điểm 10. Với đôi dép cao su cũ mòn, Bác đã đưa dân tộc ta chiến thắng xe tăng và máy bay đế quốc. Vậy thì trong thời đại mới, với dép bi-tít, xe máy, ô-tô, Việt Nam phải làm gì để đuổi kịp bạn bè năm châu đang phát triển trên đà tên lửa? “Chính là nhờ vào một phần lớn ở công học tập của các em”!

Hải Triều

Tin mới