Gặp mặt đại biểu trẻ em người Đan Lai và trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi

(Baonghean.vn) - Từ ngày 03 - 04/10/2020, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức chương trình Gặp mặt trẻ em tộc người Đan Lai và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vùng dân tộc thiểu số, miền núi lần thứ I năm 2020.

Tham dự chương trình, về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH; Bùi Ngọc Chương - Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội; Lương Hồng Quang - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Văn phòng Chủ tịch nước; Lê Văn Vũ - Vụ trưởng Vụ 3 Ban Thi đua khen thưởng Trung ương; Hoàng Văn Tiến - Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Các đại biểu tham dự chương trình gặp mặt. Ảnh: Thành Cường
Các đại biểu tham dự chương trình gặp mặt. Ảnh: Thành Cường

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh - Giám đốc Sở LĐ,TB&XH; đại diện lãnh đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tỉnh Nghệ An, lãnh đạo huyện Con Cuông, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cùng các phòng, ban liên quan.

Toàn cảnh chương trình gặp mặt. Ảnh: Thành Cường
Toàn cảnh chương trình gặp mặt. Ảnh: Thành Cường

Đặc biệt, tham dự chương trình còn có nghệ sỹ ưu tú  Xuân Bắc - Phó Giám đốc phụ trách Nhà Hát kịch Việt Nam, Đại sứ thiện chí Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cùng 30 trẻ em người Đan Lai xã Môn Sơn, huyện Con Cuông.

Chương trình Gặp mặt trẻ em tộc người Đan Lai và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vùng dân tộc thiểu số, miền núi lần đầu tiên được tổ chức nhằm mục đích tạo cơ hội cho trẻ em các dân tộc được gặp gỡ và giao lưu với nhau. Chương trình  có sự tham gia của 96 trẻ em có độ tuổi từ 10 đến 15 thuộc 9 tỉnh miền núi gồm: Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.

Trong đó, đặc biệt có 30 trẻ em tộc người Đan Lai đến từ xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Các em là học sinh có nhiều hoàn cảnh đặt biệt khó khăn (hộ gia đình nghèo, bố mẹ ly hôn, không có công việc ổn định,…). Và cũng là học sinh tiêu biểu đại diện cho hàng ngàn trẻ em dân tộc thiểu số miền núi của 9 tỉnh đã có nhiều cố gắng để vượt qua khó khăn, phấn đấu rèn luyện trong học tập và đạt nhiều thành tích trong những năm học qua.

Đại biểu trẻ em người Đan Lai và trẻ em người dân tộc thiểu số giao lưu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu trẻ em người Đan Lai và trẻ em người dân tộc thiểu số giao lưu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Thành Cường

Chương trình là một trong các hoạt động hỗ trợ trẻ em tộc người Đan Lai, giúp cho trẻ em Đan Lai được thực hiện đầy đủ Quyền và Luật Trẻ em. Thông qua đó góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, các bậc cha mẹ, của toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.

NSƯT Xuân Bắc giao lưu với trẻ em người Đan Lai. Ảnh: Thành Cường
NSƯT Xuân Bắc giao lưu với trẻ em người Đan Lai. Ảnh: Thành Cường

Nội dung chương trình bao gồm các hoạt động: tham quan, vui chơi, đốt lửa trại giao lưu với đại sứ thiện chí Quỹ BTTEVN – NSƯT Xuân Bắc, đồng thời cũng là cơ hội để các cháu học sinh được gặp mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và địa phương liên quan đến trẻ em; một số đơn vị tài trợ để báo cáo thành tích học tập, rèn luyện trong những năm qua. Thông qua chương trình, các em được tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp, được bày tỏ tình cảm, tâm tư nguyện vọng, nói về những ước mơ của mình trước các vị đại biểu…

Đồng chí Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH phát biểu tại chương trình gặp mặt. Ảnh: Thành Cường
Đồng chí Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH phát biểu tại chương trình gặp mặt. Ảnh: Thành Cường

Phát biểu tại chương trình gặp mặt, đồng chí Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH nhấn mạnh: Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, các mục tiêu vì trẻ em đã đạt được những kết quả nhất định. Dù vậy, trẻ em người dân tộc thiểu số vẫn là nhóm người nghèo nhất và dễ bị tổn thương. Nghèo đói vẫn khiến một số trẻ em bỏ học, sống lang thang hoặc tham gia vào các hành vi có nguy cơ như làm mại dâm trẻ em để kiếm sống, vẫn còn một bộ phận trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam tiếp tục sống trong điều kiện chưa được hưởng quyền và chưa hòa nhập với xã hội, như chăm sóc y tế có chất lượng, giáo dục... vẫn chưa tiếp cận được một cách bình đẳng với mọi trẻ em. Trẻ em Việt Nam rất cần thêm sự bảo trợ không chỉ gia đình, xã hội mà cần cả nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức hoạt động vì quyền của trẻ em.

Đồng chí Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH và đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao quà. Ảnh: Thành Cường
Đồng chí Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH và đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trao quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Ảnh: Thành Cường

Cũng nhân dịp này, lãnh đạo Bộ LĐ,TB&XH đã biểu dương thành tích học tập của các em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn vùng miền núi, dân tộc thiểu số, đồng thời tạo điều kiện cho các em giao lưu, học hỏi, động viên khuyến khích các em học sinh cố gắng học tập tốt, rèn luyện nhân cách để trở thành con ngoan, trò giỏi, trở thành người hữu ích cho xã hội, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

Đây cũng là dịp để khẳng định hiệu quả của các chương trình trợ giúp trẻ em thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tới cuộc sống và học tập của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; qua đó vận động các nguồn lực xã hội đóng góp hỗ trợ cho trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt trẻ em tộc người Đan Lai.

Theo số liệu điều tra năm 2019, Việt Nam hiện có 54 dân tộc, dân tộc Kinh chiếm 86,2% và 53 dân tộc thiểu số còn lại chỉ chiếm 13,8% dân số cả nước. Các dân tộc thiểu số đông nhất là Tày, Thái , Mường, Khmer, Hoa, Nùng, Mông, Dao, Ê đê, Gia Rai,  Ba Na, Chăm, Sán Dìu,... Đa số các dân tộc này sống ở miền núi và vùng sâu, vùng xa ở miền Bắc, Tây Nguyên, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Cuối cùng là các dân tộc Brâu, Ơ đu và Rơ Măm chỉ có trên 300 người.

Tộc người Đan Lai có dân số khoảng hơn 3.000 người, sống chủ yếu ở  các bản Cò Phạt, Khe Khặng,  Khe Púng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An.

Tin mới