"Văn phòng điện tử di động" - Bước khởi đầu cho chính phủ điện tử

Năm 2007, tỉnh ta triển khai dự án Xây dựng mô hình "Văn phòng điện tử di động" tại một số sở, ngành cấp tỉnh. Sau 3 năm thực hiện, dự án đã phát huy hiệu quả và đã nhân rộng lên 12 đơn vị. Đây được xem là bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, tiến tới xây dựng chính phủ điện tử nay mai.

Hiệu quả "văn phòng điện tử"

Thực hiện dự án xây dựng mô hình "sở, ngành điện tử", năm 2007, sở Khoa học & Công nghệ đưa vào ứng dụng phần mềm M-office phục vụ công tác quản lý, điều hành. Phần mềm M-Office được chuyển giao từ Sở KHCN Đồng Nai - đơn vị tiên phong trong cả nước ứng dụng thành công mô hình này. M-Office được ví như một "văn phòng điện tử di động", nó cho phép phân quyền cụ thể, giúp cán bộ xử lý công việc mà không phải chờ đợi ý kiến của giám đốc như trước đây. Chẳng cần phải hội họp nhiều, chỉ cần một chiếc máy tính nối mạng internet, dù đi bất cứ nơi đâu, giám đốc đều có thể xử lý công việc như đang làm việc tại cơ quan, đồng thời giám sát được toàn bộ quá trình hoạt động của mỗi cán bộ, công chức.

 Ứng dụng CNTT trong quản lý vùng nguyên liệu ở Công ty mía đường Tat & Lyle.

 Ứng dụng CNTT trong quản lý vùng nguyên liệu ở Công ty mía đường Tat & Lyle.

Để thực hiện được việc này, trước đó sở Khoa học Công nghệ đã tiến hành xây dựng quy trình công việc theo tiêu chuẩn ISO, đồng thời trang bị cho mỗi đồng chí từ trưởng, phó phòng trở lên một máy vi tính xách tay. Chị Nghiêm Thị Hương- Cán bộ văn thư phấn khởi nói: "Trước đây, mỗi lần có văn bản chỉ đạo từ ban giám đốc, chị phải phô tô, đóng phong bì chuyển đến các phòng, ban và các đơn vị trực thuộc rất tốn kém thì nay chỉ cần vài cái nhấp chuột là xong. Theo Tiến sỹ Trần Xuân Bí- Giám đốc Sở KH&CN, nhờ ứng dụng phần mềm M- Office mà công tác quản lý, xử lý công việc của sở trở nên nhanh gọn, chính xác và hiệu quả hơn. Cũng từng ấy công việc, trước đây sở phải sử dụng tới 30 cán bộ, công chức thì nay giảm xuống còn 25 người mà lại trôi chảy hơn rất nhiều.

Cần nhân rộng mô hình

Đến nay, không chỉ có Sở KH & CN ứng dụng thành công phần mềm M-Office mà đã có 12 đơn vị trên địa bàn tỉnh ta đưa vào ứng dụng, như: Sở Thông tin và Truyền thông; Tài nguyên & Môi trường; Giao thông & Vận tải, Nông nghiệp& Phát triển nông thôn, Công Thương... Có những huyện vùng cao như Tân Kỳ, Nghĩa Đàn cũng đã đưa vào áp dụng ở văn phòng UBND huyện. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, dự án "Hỗ trợ xây dựng mô hình văn phòng điện tử tại một số sở, ngành cấp tỉnh" đã góp phần nâng cao nhận thức cho CB,CC về CNTT, hình thành phong cách làm việc nhanh chóng, chuyên nghiệp, hiện đại. Hệ thống "Văn phòng điện tử" đã giảm được 20% chi phí văn phòng và 10% nhân lực hoạt động trong các đơn vị. Quá trình giải quyết công việc tại các cơ quan hành chính được đẩy nhanh, chính xác và có tính minh bạch cao nhờ được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống thông tin điện tử, góp phần đẩy nhanh cải cách hành chính, nhằm phục vụ tốt hơn cho mọi người dân.

Tuy nhiên, hiện nay việc nhân rộng mô hình "Văn phòng điện tử di động" tới các cơ quan hành chính trong tỉnh đang bị vướng mắc, cho dù phần mềm M-Office đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá khá cao và được sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Đồng Nai chuyển giao miễn phí. Nguyên nhân là do trên địa bàn tỉnh ta, một số ít đơn vị dùng các phần mềm quản lý văn phòng khác, như E-office, OSP-iDOC, nên việc thống nhất chủ trương để nhân rộng mô hình chưa có.

Thiết nghĩ, hiệu quả mô hình "Văn phòng điện tử di động" đã được khẳng định, vì vậy, tỉnh cần sớm có chủ trương và chính sách để mô hình này sớm được nhân rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần đẩy nhanh cải cách hành chính, tiến tới xây dựng chính phủ điện tử trong nay mai.

Mạnh Hùng

Tin mới