Hệ thống giáo dục mầm non TP. Vinh:Nghịch lý trong và ngoài công lập

(Baonghean) - Là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục của cả tỉnh, nhưng hiện trên địa bàn Thành phố Vinh, hệ thống giáo dục mầm mon chỉ mới đáp ứng được khoảng hơn 80% nhu cầu ra lớp của trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và gần 20% nhu cầu ra lớp của trẻ trong độ tuổi nhà trẻ trên địa bàn. Điều này dẫn đến rất nhiều nghịch lý như: tình trạng thiếu và quá tải ở các trường mầm non công lập; “chạy” trường vào mùa tuyển sinh và thành phố hiện vẫn chưa thể hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi… 
Phường Lê Lợi là một trong những phường trung tâm của Thành phố Vinh, với khoảng 16.000 dân cư cư trú. Dân số đông, cộng với địa bàn trải rộng, kéo dài, vậy nhưng, từ năm 2005 đến nay, phường không có trường mầm non. Điều này gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, bởi trung bình mỗi năm, phường có khoảng 600 cháu trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo phải vào lớp. Vì không có trường nên học sinh không biết học ở đâu. Thành phố cũng đã “đặc cách” cho học sinh trong độ tuổi mẫu giáo của phường được xin  học trái tuyến sang các phường khác, nhưng vì phường, xã nào cũng quá tải nên mỗi năm chỉ có khoảng 100 cháu xin được sang học ở  các trường lân cận. Còn lại, phần thì phải ở nhà, phần thì vào học trong các nhà trẻ tư, nhóm trẻ tư thục. Trên địa bàn phường từ năm 2008 cũng đã thành lập một trường mầm non ngoài công lập là Trường Blue Sky. Tuy vậy, đây là trường được dạy theo mô hình của trường quốc tế, học phí cao hơn 20 lần so với trường mầm non công lập. Theo ông Thái Giáp Vinh - Chủ tịch UBND phường, do học phí quá cao nên năm đầu tiên toàn phường chỉ có 2 cháu theo học trường này, năm thứ hai có 3 cháu và nay chỉ xấp xỉ 10 cháu có đủ điều kiện đóng học phí. Việc không có trường mầm non dẫn đến rất nhiều hệ lụy, nhất là với những gia đình kinh tế khó khăn, không có điều kiện cho con đi học ở các trường tư thục, hoặc không có điều kiện đưa đón. Phường cũng buộc phải cho duy trì các  điểm trông trẻ là các nhóm lớp độc lập để có nơi cho các cháu học, dù đây đều là những nhóm hoạt động dưới hình thức tự phát và không đủ các điều kiện cơ bản về chăm sóc trẻ. 
Giờ học ở Trường Mầm non Sao Mai (phường Quán Bàu - TP. Vinh).
Giờ học ở Trường Mầm non Sao Mai (phường Quán Bàu - TP. Vinh).
Thành phố Vinh hiện có 51 trường mầm non, trong đó có 29 trường công lập (bao gồm một trường công lập trực thuộc tỉnh) và 23 trường ngoài công lập. Dù số trường đông, nhưng quy mô đầu tư và hệ thống cơ sở hạ tầng của các trường không đồng đều. Ở hệ thống các trường công lập, hiện thành phố đang có phường Lê Lợi và phường Hưng Phúc chưa xây dựng được trường. Số còn lại, nhiều trường vì đã xây dựng quá lâu, quy mô trường, lớp nhỏ, nên cơ sở vật chất xuống cấp, quy mô trường, lớp không đáp ứng được theo chuẩn của ngành. Thành phố còn 4 trường chưa được công nhận trường chuẩn quốc gia, dù nằm ở vị trí trung tâm, đó là Trường Mầm non Hồng Sơn, Mầm non Lê Mao, Mầm non Cửa Nam và Mầm non Nghi Đức. Riêng Trường Mầm non Cửa Nam, hiện vẫn còn phải thuê thêm địa điểm vì thiếu phòng học. 
Không có sân chơi ngoài trời, khoảng không gian hẹp này là góc chơi  của các em trường mầm non Sơn Ca.
Không có sân chơi ngoài trời, khoảng không gian hẹp này là góc chơi của các em trường mầm non Sơn Ca.
Thống kê cũng cho thấy, hiện với khoảng 30.000 trẻ trong độ tuổi phổ cập, để đáp ứng đủ yêu cầu đảm bảo trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể ra lớp, thành phố đang cần đến hàng trăm phòng học. Nhưng do điều kiện vật chất không đảm bảo, nên thành phố chỉ dám đặt mục tiêu 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được đến lớp. Việc xây dựng thêm trường, thêm lớp trong hệ thống mầm non công lập gần như gặp bế tắc, vì thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí xây dựng, trong khi nguồn ngân sách địa phương chi cho giáo dục hàng năm chỉ đủ để sửa chữa nhỏ và xây dựng thêm một số phòng học mới. Bên cạnh đó, hệ thống trường mầm non công lập cũng có những bất cập khác, ví như Trường Mầm non Hưng Lộc, Trường Mầm non Nghi Phú quy mô đã vượt quá quy định, cần tách trường, nhưng vì vướng cơ chế nên không thực hiện được. Thành phố đang còn thiếu khoảng 50 giáo viên, vậy nên, theo quy định trung bình phải 1,8 giáo viên/lớp, thì nay các trường đều đang sử dụng giáo viên với tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, khó để đảm bảo các điều kiện về giảng dạy. 
Thiếu trường mầm non, nên quá tải là điều dễ hiểu ở các trường mầm non công lập. Trường Mầm non Trường Thi năm nay chỉ tiêu tuyển sinh 565 cháu, trong khi có tới 712 trẻ trên địa bàn có nhu cầu ra lớp (tăng 78 cháu so với năm học trước). Mặc dù năm học này nhà trường được UBND thành phố đầu tư xây dựng thêm 5 phòng học mới, nhưng áp lực tuyển sinh vẫn rất lớn và  tình trạng  lớp 4 và lớp 5 tuổi mỗi lớp có  khoảng 40 cháu là phổ biến (vượt quy định của ngành  5 - 10 cháu). Trong khi đó, giáo viên đứng lớp của trường chỉ có 25 người, với tỷ lệ 1,5 cô/lớp. Ở Trường Mầm non Sao Mai, mặc dù nằm cách xa trung tâm thành phố, nhưng nhu cầu trẻ mẫu giáo, mầm non đến lớp cũng rất cao. Năm học này, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 85 cháu (sinh năm 2012, 2011), nhưng số hồ sơ dự tuyển lên tới 155 bộ. Ở phường Quang Trung, tuy có 4 trường, nhưng để đảm bảo việc tiếp nhận trẻ được tốt, các trường không tránh được phải chấp nhận việc tăng sỹ số học sinh/lớp, bởi nhu cầu trẻ ra lớp rất đông. Cụ thể như Trường Mầm non Quang Trung 1, lớp 2 tuổi: 32 trẻ/lớp, lớp 3 tuổi 48 trẻ/lớp; lớp 4,5 tuổi  từ 38 – 40 trẻ/lớp. Còn Trường Mầm non Hoa Hồng, bình quân trên 38 trẻ/lớp. Ở phường Hưng Bình, dù không còn tình trạng phải xếp hàng từ ba, bốn giờ đêm như vài năm trước, nhưng áp lực tuyển sinh của Trường Mầm non Hưng Bình vẫn còn rất cao. Bởi lẽ, phường có đến hơn 140 hồ sơ xin học ở lớp mẫu giáo, nhà trẻ (tăng 20 hồ sơ so với năm học trước), trong khi nhà trường chỉ được phép tuyển 50 cháu theo kế hoạch. Để đảm bảo công bằng cho các gia đình, nhà trường đành chấp nhận tuyển sinh theo hình thức bốc thăm, có sự giám sát của chính quyền địa phương. 
Nhằm giảm bớt gánh nặng cho hệ thống trường công, thời gian gần đây trên địa bàn TP. Vinh, hệ thống trường mầm non ngoài công lập cũng phát triển khá nhanh với 23 trường. Tuy nhiên, hiệu quả chưa phát huy được như mong muốn. Bởi lẽ, những trường ra đời sớm, đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, lại thường  là quy mô nhỏ, diện tích khuôn viên hẹp, thiếu các phòng chức năng, hoặc thiếu không gian vui chơi cho trẻ và đều được phát triển từ các nhóm trẻ lên. Trường Mầm non Hoa Thuỷ Tiên (Phường Hà Huy Tập) là một ví dụ. Là một trong những trường tư thục đầu tiên của thành phố, ra đời cách đây hơn 10 năm, nên cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế. Trường chỉ có khuôn viên chừng 600 m2; được xây thành 3 tầng, chia thành 4 lớp học. “Để đáp ứng theo tiêu chí trường mầm non ngoài công lập mới, nhà trường đã sửa sang lại phòng bếp, ốp lát tường tất cả các phòng học, phòng chức năng, âm nhạc. Tuy nhiên, bởi trường thuê lại ngôi nhà sát mặt đường, nên không có sân chơi ngoài trời; diện tích làm sân chơi cho trẻ chỉ tận dụng một khoảng không gian nhỏ ở dưới tầng một” – Cô Ngô Thị Cẩm Tâm – Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Thuỷ Tiên cho biết. Đây cũng là tình trạng chung của những trường mầm non khác như: Trường Mầm non Sơn Ca, Đường Bộ, Mây Ngọc, Hướng Dương…
Riêng những trường mầm non ngoài công lập ra sau (theo tiêu chuẩn quy định của Quyết định 41/2008/Bộ GD&ĐT) thì đa phần đã được đầu tư với  quy mô lớn và cơ sở vật chất đảm bảo như Trường Mầm non Sunrise, Hưng Phúc, Tuổi Thơ. Tuy vậy, ở những trường này, việc thu hút trẻ còn gặp nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh vẫn e ngại về chất lượng giáo viên, chất lượng chăm sóc trẻ, cũng như vấn đề học phí… Thành phố, hiện cũng đang có khoảng 65 nhóm trẻ độc lập. Đây đa phần là các lớp hoạt động theo tự phát, đội ngũ người trông trẻ không có chuyên  môn, các lớp học thường có cơ sở vật chất rất nghèo nàn, thiếu thốn, diện tích phòng học hẹp, sân vườn không có, phòng vệ sinh chưa sạch sẽ, chưa đúng tiêu chuẩn, chưa đảm bảo an toàn. Cá biệt, tại một số nhóm lớp độc lập có trẻ em 5 tuổi, nhưng chưa được hưởng các điều kiện học tập, chăm sóc, giáo dục theo đề án phổ cập trẻ em 5 tuổi. Ngay cả những nhóm trẻ đã được cấp phép vẫn không tuân thủ các quy định của pháp luật như: không có biển tên nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo, địa chỉ, số điện thoại, số quyết định… Chất lượng giáo viên chưa cao, chủ yếu là giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, có nơi giáo viên chưa đạt chuẩn. Một số chủ trường, chủ nhóm chưa có chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm mầm non hoặc quản lý theo quy định. Cũng bởi vì những hạn chế trên, nên thực tế là trường ngoài công lập chiếm 23/51 trường mầm non trên toàn thành phố, nhưng  năm học 2014 – 2015 này, các trường này chỉ thu hút được khoảng 4.000 trẻ/18.000 trẻ ra lớp trên địa bàn và phát triển chưa vững chắc, chủ yếu chỉ thu hút nhóm trẻ dưới 4 tuổi.  
Theo bà Lê Thị Phương, Phó phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố, nguyên nhân quá tải của các trường mầm non công lập là do nhu cầu ra lớp của trẻ rất lớn, nhưng số trẻ trong diện phổ cập quá đông, nên đành ưu tiên phòng học cho nhóm trẻ 5 tuổi. Bên cạnh đó, dù trường tư đã phát triển khá nhiều, nhưng do thu học phí cao, chất lượng đa phần thấp hơn các trường công lập, nên tâm lý đại bộ phận người dân vẫn chuộng trường công lập hơn trường ngoài công lập… Điều này cũng chính là một khó khăn cho ngành Giáo dục thành phố, bởi trong điều kiện hiện nay, việc mở rộng quy mô trường, lớp cho hệ thống trường mầm non công lập gần như là không thể. Nhưng làm sao để thu hút được trẻ ở hệ thống trường tư thục lại là một điều không dễ dàng khi còn quá nhiều bất cập… Cũng chính vì cái vòng luẩn quẩn này, nên thành phố dù “mang tiếng” là có đến 51 trường mầm non, nhưng hiện vẫn chưa  biết đến bao giờ mới phổ cập được giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, trong khi theo đề án đến cuối năm 2015 phải hoàn thành. Còn với học sinh nhóm dưới 4 tuổi, tình trạng chạy chọt, xếp hàng, bốc thăm chắc chắn sẽ còn kéo dài, khi mà thành phố chưa giải được bài toán thiếu phòng học, thiếu giáo viên và thiếu những cơ chế ưu tiên cho hệ thống trường mầm non ngoài công lập để tháo gỡ khó khăn về vấn đề học phí và chất lượng chăm sóc trẻ…
(Còn nữa)
Bài, ảnh: Đinh Nguyệt - Mỹ Hà

Tin mới