Bữa cơm ấm tình thầy trò...

(Baonghean) - Mỗi khi nhắc đến học sinh người Mông, tôi thường nghĩ đến cảnh ba bốn em nhỏ quây tròn bên nồi cơm và bát nước suối pha muối làm canh đặt giữa nền đất trong túp lều tranh, mỗi em một chiếc thìa xúc cơm ăn ngon lành. Những gương mặt ngây thơ, lem luốc, những đôi mắt cay xè vì khói bếp ám ảnh tôi mãi.
Nhưng lần này, khi đặt chân đến Trường THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn), đứng dưới gốc cây xà cừ cổ thụ, ngắm nhìn cảnh trường lớp khang trang, tôi mừng vui đến lạ. Đặc biệt, khi tận mắt chứng kiến bữa cơm trưa của học sinh nội trú, tôi mới thực sự quên hẳn bát “canh muối” ám ảnh ngày nào.
Sau một hồi trống báo hiệu giờ ăn, học sinh từ dãy nhà nội trú kéo nhau vào phòng ăn. Khuôn mặt ai nấy đều háo hức. Một nồi cơm to, một đĩa cá và bát canh đã được bày ra bàn sạch sẽ. Các em ngồi theo bàn ngay ngắn. Những bát cơm ấm tình thầy trò, bè bạn thật giản dị mà ấm cúng. Bữa cơm ấy tưởng chừng rất đỗi bình thường với học sinh miền xuôi nhưng là cả niềm vui sướng đối với các em nhỏ nơi núi rừng heo hút này. 
Bữa cơm bán trú của học sinh Trường THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn).
Bữa cơm bán trú của học sinh Trường THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn).
Thấy có khách lạ, các em tỏ ra rụt rè, bẽn lẽn. Em Lầu Y Lý, học sinh lớp 8 cho biết: “Trước đây, đi học về em mới nhóm bếp nấu cơm. Cuối tuần, mấy bạn chia nhau về nhà lấy củi, lấy gạo mang đến trường. Nhà xa trường lắm, phải đi bộ mất cả buổi. Nay đi học về là có cơm ăn, ai cũng thích”. Có bếp ăn nội trú, từ nay các em chỉ việc chăm lo học con chữ, không lo cái bụng đói, lo về nhà mang củi, lấy rau.
Thầy Lô Khăm Phu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thực hiện Nghị định 85 của Chính phủ về việc hỗ trợ cơm bán trú cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, trường đã xây dựng bếp ăn, bố trí người phụ trách nhà bếp để lo cơm nước cho học sinh. Trường THCS Nậm Càn có 124 em thuộc diện được ăn một bữa cơm trưa tại trường với mức là 17 nghìn đồng/ người. Chúng tôi cố gắng tăng gia sản xuất chủ động được nguồn thực phẩm nên tổ chức được cho các em ăn 2 bữa cơm/ngày, còn bữa sáng chủ yếu là mì tôm hoặc bánh ngọt”.
Hàng tuần, ngoài giờ học trên lớp, thầy trò tranh thủ cuốc đất trồng rau. Nhiều câu chuyện, nhiều hoàn cảnh được các em học sinh chia sẻ. Qua đó giáo viên nắm bắt được tình hình của học sinh kịp thời. Mùa nào thức ấy, vườn rau của trường lúc nào cũng sẵn để nấu ăn. Lúc thì chuối xanh nấu canh, lúc su hào, bầu, bí, rau muống, rau khoai… cung cấp đủ cho nhà bếp.
Ngoài nguồn rau sạch tự sản xuất, nhà trường còn nuôi thêm lợn thịt. Nhờ đó, số tiền hỗ trợ 1 bữa ăn được chia đều thành 3 bữa. Những bữa cơm được bố trí hợp lý vừa có thịt, có rau là nguồn năng lượng để tiếp sức cho các em đến trường. Nhờ có bữa ăn bán trú, tình trạng học sinh nghỉ học giảm rõ rệt, chất lượng dạy và học được nâng lên; các em được làm quen với cách ăn uống hợp vệ sinh… 
Thời gian tới, nhà trường sẽ khởi công xây dựng thêm khu nội trú, tạo điều kiện chỗ ở cho 60 học sinh hiện đang ở các lều, lán xung quanh trường. Đây thực sự là một bước chuyển lớn trong công tác giáo dục nơi miền đất biên viễn này.
N.L

Tin mới