Thư viện công cộng và văn hóa đọc

(Baonghean) - Nghệ An hiện nay có 480 đơn vị hành chính cấp xã; trước năm 1986, tất cả các xã đều có thư viện; sau năm 1986, hệ thống thư viện xã thay đổi theo sự phân cấp quản lý mới là hệ thống thư viện công cộng không trực thuộc Thư viện tỉnh mà trực thuộc UBND các cấp.
Từ năm 1993, thực hiện chương trình luân chuyển sách thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, Thư viện tỉnh Nghệ An bắt đầu xây dựng lại một số các thư viện xã. Mặc dù với rất nhiều nỗ lực để phát triển, thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại chỉ có 123 xã có tủ sách/thư viện với số vốn tài liệu từ 500-2000 bản; 200 tủ sách xóm: 150 – 500 bản sách; 5 tủ sách dòng họ: 500 - 2.000 bản sách. 
Bạn đọc tham quan và đọc sách tại sự kiện Ngày sách Việt Nam diễn ra ở Thư viện tỉnh.
Bạn đọc tham quan và đọc sách tại sự kiện Ngày sách Việt Nam diễn ra ở Thư viện tỉnh.
Sở dĩ con số thấp như vậy do nhận thức của các cấp lãnh đạo địa phương và đội ngũ cán bộ quản lí văn hóa ở cơ sở về vị trí, vai trò của thư viện còn rất thấp. Việc đánh giá chưa đúng vai trò của tài liệu, sách báo, thiếu quan tâm đầu tư cho các thư viện công cộng ở địa phương đã kéo dài trong nhiều năm nay, vì vậy hoạt động của số thư viện cấp huyện, xã thiếu tính ổn định, không vững chắc. Một số thư viện huyện hoạt động có hiệu quả như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nam Đàn. Tình trạng chung là thiếu vốn tài liệu, không có cán bộ, cơ sở vật chất yếu kém. Hầu hết những người nông dân ít có cơ hội tiếp cận với thông tin mới, khả năng tiếp nhận những ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông qua sách báo yếu. Đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa có thói quen đọc sách và mức sống quá thấp.
Nếu có sách thì tình trạng sách “chết” sẽ xảy ra khi chưa có một đội ngũ cán bộ năng nổ, làm việc thụ động, không thực hiện phương châm “sách đi tìm người”. Hầu hết kinh phí đầu tư cho thư viện huyện, xã ở nông thôn rất thấp, hầu như là không có so với nhu cầu thực tế và không ổn định. Các phòng đọc sách của xã, thôn, xóm hầu hết đều do thư viện tỉnh đưa về hoặc quyên góp. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác, như một số địa phương chạy theo thành tích, nhất là trong tình hình các làng, xã đang xây dựng nông thôn mới hiện nay chỉ thành lập tủ sách/thư viện để hoàn thiện thiết chế văn hóa, thành lập rồi thì bỏ đó, không có chính sách phát triển.
Để phát triển văn hóa đọc trong nhân dân thì sự tác động mạnh mẽ  của hệ thống thư viện công cộng tại địa phương  là vô cùng quan trọng bởi vai trò nội tại của nó như:  Các hoạt động của thư viện là hoạt động phi lợi nhuận; cung cấp sách, báo, các dịch vụ phục vụ bà con miễn phí; thu hút người đọc thật sâu rộng thuộc mọi trình độ, lứa tuổi, thành phần xã hội; nâng cao dần từng bước trình độ dân trí; là một tiêu chí không thể thiếu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa – xã hội và là một thể chế văn hóa đã tồn tại và được thử thách hàng ngàn năm trong tiến trình phát triển của nhân loại hầu như không bao giờ lụi tàn cho nên tác động rất mạnh đến quá trình phát triển văn hóa đọc trong xã hội. Nếu đầu tư vào thư viện công cộng sẽ phát huy được vai trò của sách báo – là vũ khí trên mặt trận văn hóa; thư viện công cộng là trung tâm luân chuyển sách báo mang tính tập thể và xã hội hợp lí nhất, tiết kiệm nhất, kinh tế nhất trong điều kiện hiện nay; góp phần thực hiện quyền con người, quyền tự do trí tuệ, tự do tiếp cận thông tin, xóa bỏ bất bình đẳng trong hưởng thụ tri thức giữa các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, từ nhận thức đến thay đổi để phát huy vai trò thư viện công cộng trong việc phát triển văn hóa đọc là một nỗ lực lớn và từ sự thay đổi thái độ mới ra được hành động cụ thể nhằm góp phần vào sự nghiệp phát triển nông thôn. 
Nguyễn Thị Tú Oanh
Giám đốc Thư viện Nghệ An
TIN LIÊN QUAN

Tin mới