Rộng cửa trường nghề sau kỳ thi THPT quốc gia

(Baonghean) - Thời điểm này, các trường đại học đang chuẩn bị xét tuyển nguyện vọng 1. Cùng với đó, các trường cao đẳng, dạy nghề cũng bước vào mùa tuyển sinh với rất nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên từ trước, trong và sau khi ra trường...
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Nghệ An có hơn 12.000 thí sinh (gần 34%) ở cụm thi địa phương chỉ đăng ký thi để lấy kết quả tốt nghiệp. Tỷ lệ này của Nghệ An cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước và theo nhiều giáo viên thì đây là một tín hiệu mừng, cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của phụ huynh và học sinh trong chọn trường, chọn nghề. Bên cạnh đó, hàng ngàn thí sinh khác sau khi có kết quả thi cũng đang có ý định chuyển sang học nghề, dù rằng điểm số vẫn đủ để vào một trường đại học bậc trung.
Dạy kỹ thuật chế biến nấu ăn cho học viên tại   Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An.
Dạy kỹ thuật chế biến nấu ăn cho học viên tại Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An.
Thực tế số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng nhiều, nhưng lao động có tay nghề  của Nghệ An rất thấp, chỉ đạt 46%. Ngoài ra, cơ cấu lao động của Nghệ An chưa phù hợp với sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế chung, kỹ năng trình độ tay nghề, trình độ ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong làm việc công nghiệp chưa cao, khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước và nước ngoài còn hạn chế. Hiện hơn 90% sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp nghề sau khi ra trường đều có việc làm và phần lớn đều do các công ty, doanh nghiệp đến tuyển dụng trực tiếp tại trường học.
Ông Dương Xuân Phúc, Phó phòng Thông tin - Thị trường, Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An cho biết: Hiện rất nhiều công ty đang rất “khát” lao động có tay nghề và họ có rất nhiều chính sách ưu đãi cho sinh viên mới tốt nghiệp. Ở trung tâm giới thiệu việc làm có rất nhiều đơn hàng hấp dẫn, mức lương cao và ổn định nhưng khó tìm được lao động, trung tâm phải cạnh tranh với các trường và hầu hết các em đều đã được tuyển dụng ngay khi vừa tốt nghiệp.
Với mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh lên 61% vào năm 2020, tỉnh ta đang có nhiều ưu tiên cho công tác đào tạo nghề và thực hiện nhiều chính sách ưu tiên cho sinh viên ở các trường nghề như hỗ trợ hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, vận dụng các chính sách miễn, giảm học phí. Bên cạnh đó, hàng năm nâng chỉ tiêu đào tạo cho các trường nghề. Riêng năm học 2015 - 2016 tới, tỉnh đã dành gần 12.000 chỉ tiêu cho 15 trường cao đẳng, trung cấp và trường nghề trong toàn tỉnh (tăng gần 2.000 chỉ tiêu so với năm 2014). Đến thời điểm này các trường nghề bắt đầu vào mùa tuyển sinh và hầu hết các trường đều tạo mọi điều kiện để học sinh có thể đăng ký vào học trường nghề một cách thuận lợi. 
Lễ bảo vệ tốt nghiệp của sinh viên Khoa điện tử Trường Cao đẳng nghề  kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.
Lễ bảo vệ đề tài tốt nghiệp của sinh viên Khoa điện tử Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.
Tại Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, năm nay trường có 850 chỉ tiêu cho 10 nghề, trong đó 5 nghề đã được cấp chứng chỉ nghề quốc tế và 2 nghề được cấp chứng chỉ Asean. Để vào trường, thủ tục để đăng ký học rất đơn giản, chỉ cần học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, có đủ sức khỏe, không vi phạm tệ nạn xã hội. Trường thực hiện nhiều chính sách ưu tiên đối với các học viên, ví như học sinh hộ khẩu thường trú tại Nghệ An được ngân sách tỉnh cấp 5,7 triệu đồng/năm và mức học phí 3 triệu đồng/năm. Sinh viên thuộc đối tượng chính sách: Con liệt sỹ, thương, bệnh binh, tàn tật, hộ nghèo… được miễn giảm học phí và hưởng các chế độ trợ cấp ưu đãi theo quy định của Nhà nước. Sinh viên được hưởng học bổng khi kết quả học tập và rèn luyện đạt mức quy định. Sinh viên ngoại tỉnh cũng được hỗ trợ mức học phí: 3,5 triệu đồng/năm. 
Ở Trường Trung cấp nghề tiểu thủ công nghiệp, để thu hút học viên, từ đầu hè nhà trường đã yêu cầu tất cả giáo viên về các địa phương để trực tiếp xem xét nguyện vọng  và gửi hồ sơ cho phụ huynh và học sinh. 100% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ở nhà trường được cam kết tư vấn giới thiệu  bố trí việc làm, có thu nhập ổn định.
Tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh dành 40% trong tổng số 1.800 chỉ tiêu đại học, cao đẳng để dành cho những học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương thông qua kết quả học tập THPT với 3 tổ hợp môn: Toán, Vật lý, Hoá học (Khối A); hoặc  Toán, Vật lý, Tiếng Anh (Khối A1); hoặc Ngữ Văn, Toán, tiếng Anh (Khối D1). Ngoài ra trường có 800 chỉ tiêu hệ cao đẳng nghề cho sinh viên vào học ở 17 ngành nghề, trong đó đa phần đều đã được cấp chứng chỉ nghề quốc tế, Asean và quốc gia. Tất cả các chỉ tiêu này trường không tổ chức thi tuyển mà chỉ dùng hình thức xét tuyển dựa vào học bạ THPT hoặc kết quả các môn thi để xét tốt nghiệp trong kỳ thi THPT quốc gia. Ở các địa phương, thời điểm này các trường trung cấp và dạy nghề cũng đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng các ngành nghề để nhằm thu hút một lượng lớn học sinh không đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. 
Ở Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghệ An, thầy giáo Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm 2015 - 2016, trường chỉ có 265 chỉ tiêu nhưng hiện đã có 397 bộ hồ sơ đăng ký theo học: Để thu hút học sinh năm học này nhà trường đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng mua sắm thêm trang thiết bị và cơ sở vật chất. Chúng tôi cũng đã mở rộng địa bàn tuyển sinh, yêu cầu giáo viên về từng bản để vận động học sinh đi học nghề, chuẩn bị đầy đủ nhà ở nội trú cho học sinh ở xa và không thu tiền… Các ngành nghề đào tạo cũng sát với nhu cầu sử dụng lao động ở các huyện miền núi như chăn nuôi thú y, dệt thổ cẩm, sửa chữa xe máy, điện dân dụng.
Từ 1/7 năm nay, Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng chính thức có hiệu lực. Theo ông Hoàng Sỹ Tuyến, Phó Phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH: Luật Giáo dục nghề nghiệp có nhiều nét mới nhằm tạo thuận lợi cho học sinh tham gia học nghề, ví như các em được học liên thông, người tốt nghiệp cao đẳng được công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành; miễn học phí đối với các đối tượng chính sách xã hội; có chính sách nội trú đối với người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật… Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng đang tạo ra những cơ hội mới cho các trường nghề và người học nghề, nhất là khi ASEAN trở thành cộng đồng chung vào cuối năm 2015, các nước ASEAN sẽ là một thị trường lao động. Việc công nhận các trình độ đào tạo làm cơ sở cho việc dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong khu vực cũng như với các nước trên thế giới và mở rộng thị trường việc làm cho học viên...
Đón đầu cơ hội trên, Nghệ An cũng đã xây dựng đề án giải quyết việc làm và dự kiến 5 năm tới tỉnh sẽ đầu tư gần 600 tỷ đồng (trong đó một phần lớn sẽ dành cho công tác đào tạo nghề) để tạo việc làm cho hơn 200.000 lao động, (gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước).
  Mỹ Hà

Tin mới