Rộng cửa trường nghề

(Baonghean) - Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Nghệ An có gần 1.400 thí sinh bị trượt tốt nghiệp. Với những đối tượng này thì học nghề được xem là giải pháp tối ưu nhất. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp các em nhận thức được hiệu quả của việc học nghề và khuyến khích các em theo học những ngành nghề phù hợp với nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa và hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư và giải quyết việc làm giúp học viên có nhiều cơ hội hơn sau khi ra trường.

Trong số những thí sinh trượt tốt nghiệp tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, đáng tiếc nhất là trường hợp của một học sinh Trường THPT 1/5 Nghĩa Đàn, bởi 3 môn khối C của em được 24 điểm, nhưng em lại bị điểm liệt môn Toán. Sau khi có kết quả, trường cũng đã động viên em làm đơn phúc khảo. 
Kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, toàn tỉnh có 1.392 thí sinh bị trượt tốt nghiệp. Trong số này, có khoảng 10 em rơi vào trường hợp “oái ăm” như thí sinh nói trên đã lỡ cơ hội vào đại học chỉ vì bị điểm liệt. Sau kỳ thi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhận được gần 1.700 đơn phúc khảo của các thí sinh yêu cầu phúc khảo lại các bài thi, trong đó nhiều nhất là môn Toán. Tiếp đó là môn Ngữ văn, môn tiếng Anh, môn Địa lý và phần đa trong số này là phúc khảo để đủ điểm công nhận tốt nghiệp. Về phía các nhà trường, thời gian qua, sau khi có kết quả thi cũng đã tạo mọi điều kiện để các thí sinh đến làm đơn đăng ký phúc khảo và tất cả các trường đều chủ động, trực tiếp xuống Sở Giáo dục - Đào tạo để nộp đơn cho thí sinh. Khó khăn hiện nay là ở các huyện vùng núi cao, bởi đây là những địa phương đặc thù, điều kiện đi lại không thuận lợi nên việc thông tin cho các em cũng rất khó khăn. Ở Trường THPT Tương Dương 1, năm nay tỷ lệ đậu tốt nghiệp của nhà trường chỉ đạt 59,93%; Có đến 101 em bị trượt tốt nghiệp, nhưng đến thời điểm này chỉ có 15 em làm hồ sơ phúc khảo. Thầy Bùi Công Thiện, Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 1 chia sẻ: Học sinh của trường hầu hết đều ở các xã vùng sâu, vùng xa. Thi xong là các em về nhà, cũng không xuống trường để xem kết quả. Từ sau khi có kết quả thi, nhà trường đều cử giáo viên túc trực tại trường để nhận hồ sơ phúc khảo cho thí sinh nhưng số thí sinh đến làm đơn rất ít. Nhiều em thi xong vào miền Nam tìm việc làm. 
Học sinh đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng nghề số 4 (Bộ Quốc phòng).
Học sinh đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng nghề số 4 (Bộ Quốc phòng).
Trượt tốt nghiệp là điều không một học sinh nào mong muốn sau 12 năm đèn sách và điều này sẽ tạo nên những phản ứng khác nhau đối với từng học sinh, trong đó có cả tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, trượt tốt nghiệp không nghĩa là mọi cánh cửa đã khép lại mà còn có nhiều con đường lựa chọn khác như thi lại vào năm sau, đăng ký học nghề, xin đi làm... Điều quan trọng là gia đình và nhà trường cần phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh để có định hướng thích hợp, tránh việc các em bi quan hoặc có những biểu hiện chán nản.
Em Đặng Văn Hán, học sinh Trường THPT Tân Kỳ 3 nhận được tin trượt tốt nghiệp cách đây nửa tháng, Hán rất buồn. Sau khi suy nghĩ kỹ, Hán quyết định tìm một trường nghề để vừa có nghề, lại vừa có cơ hội thi lại tốt nghiệp vào năm sau. Hán đăng ký vào học nghề Công nghệ ô tại Trường Cao đẳng nghề Quốc phòng 4. 
Để tạo điều kiện cho học viên, tất cả những thí sinh đến nhập học đều được Trường Cao đẳng nghề Quốc phòng 4 hỗ trợ 300.000 đồng tiền đi lại và tổ chức nhiều bàn tư vấn giúp học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp. Trung tá Nguyễn Đình Đồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này nhà trường có hàng nghìn chỉ tiêu hệ trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THCS và những học sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT, vì vậy dù chưa được tốt nghiệp các em vẫn có thể đăng ký học tại trường. Trong thời gian học, ngoài việc được hỗ trợ đào tạo theo quy định. Đặc biệt, chương trình mới sẽ kết hợp vừa dạy nghề, vừa dạy văn hóa. Do đó, sau khi học xong các em ngoài có bằng trung cấp nghề lại có nhiều cơ hội để tiếp tục học lên và có thể học liên thông cao đẳng, đại học. Vài năm trở lại đây, nhà trường cũng đã mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, do đó trong quá trình học sinh không phải lo lắng về kinh phí vì từ năm thứ 2 học sinh đã được nhà trường trực tiếp gửi đến các doanh nghiệp để được vừa thực tập, vừa làm. Quá trình làm việc các em được trả lương và có nhiều cơ hội được nhận vào làm ngay sau khi tốt nghiệp...
Nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề khác trên địa bàn tỉnh cũng đã mở rộng cánh cửa đối với học sinh chưa có bằng THPT với nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ. Với 64 cơ sở dạy nghề trong toàn tỉnh, năm học tới tỉnh sẽ dành gần 13.000 chỉ tiêu cho các trường trung cấp nghề, trong đó đối tượng chính là học sinh chưa tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo đã được quy hoạch và phát triển tương đối hợp lý với yêu cầu thị trường lao động và dịch chuyển cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Ngoài các ngành nghề truyền thống, hiện các trường đã mở nhiều các nghề trong lĩnh vực công nghệ mới, các nghề trong lĩnh vực dịch vụ như: Công nghệ ô tô; kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp; cơ điện tử; điện tử công nghiệp; may và thiết kế thời trang; hướng dẫn viên du lịch; quản trị khách sạn; quản trị nhà hàng; nghiệp vụ lễ tân; gia công và thiết kế sản phẩm mộc... Các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề đều đã chọn đầu tư nghề trọng điểm, trường nghề chất lượng cao, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy thường xuyên cập nhật, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề. Hoạt động gắn kết giữa các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã được đẩy mạnh và trên 90% học viên tốt nghiệp trường nghề đã có việc làm. Các hình thức đào tạo nghề được tổ chức linh hoạt, đa dạng như: đào tạo chính quy tại cơ sở dạy nghề, đào tạo lưu động tại các xã, thôn, bản, đào tạo tại các doanh nghiệp... đã ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho người học.
Học nghề là giải pháp thiết thực nhất hiện nay, đặc biệt là sau khi cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức được thành lập vào năm 2015. Khi đó, thị trường lao động Việt Nam sẽ mở rộng hơn nhưng yêu cầu về lao động có tay nghề cũng cao hơn và nếu không được đào tạo bài bản, không nâng cao năng suất và kỹ năng thì lao động Việt Nam sẽ bị cạnh tranh ngay trên sân nhà. Điều cần làm ngay là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để giúp học sinh nhận thức được hiệu quả của việc học nghề và khuyến khích các em theo học những ngành nghề phù hợp với nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa và hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư và giải quyết việc làm giúp học viên có nhiều cơ hội hơn sau khi ra trường.
 Mỹ Hà

Tin mới