Sáng truyền thống hiếu học

(Baonghean) - Ngôi trường mang tên nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu hơn nửa thập kỷ qua luôn là điểm sáng của ngành giáo dục nước nhà. Dưới sự dìu dắt tận tụy của các thầy cô giáo, lớp lớp học sinh đã trưởng thành, đi lên và có nhiều đóng góp nổi bật cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trường THPT chuyên Phan Bội Châu thành lập đúng vào giai đoạn giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc và Nghệ An đang nằm trong vùng trọng điểm đánh phá của Không quân, Hải quân Mỹ. Những ngày đầu, trường vẻn vẹn chỉ có 2 lớp chuyên Toán được tuyển chọn từ cuộc thi học sinh giỏi Toán cấp huyện. Trường khi ấy cũng chưa có tên, chưa có địa điểm, thầy và trò  khi thì phải học ghép với Trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng, có khi lại phải ngược lên Đô Lương sơ tán để tránh bom đạn của Mỹ. Giữa “bom rơi, đạn nổ”, vượt lên những vất vả, hiểm nguy học sinh nhà trường vẫn vững vàng, gặt hái được nhiều kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi miền Bắc và các cuộc tuyển chọn vào các trường đại học, đi học nước ngoài. 
Niềm vui của thầy và trò trường Phan trong ngày đón học sinh Nguyễn Ngọc Khánh - Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế trở về.
Niềm vui của thầy và trò trường Phan trong ngày đón học sinh Nguyễn Ngọc Khánh - Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế trở về.
Công cuộc xây dựng trường học chỉ bắt đầu từ sau năm 1974 và địa điểm đặt chân đầu tiên của trường chính là nền đất vuông vắn được UBND xã Diễn Thành nhường lại trên khuôn viên trường cấp I xã. Trường học đơn sơ, tài sản lớn lao nhất là một dãy nhà tranh tre, nứa mét nhưng học sinh của trường luôn tự hào bởi sau bao nhiều ngày chờ đợi, di chuyển họ đã có một ngôi trường đúng nghĩa, có nhà thiết bị thí nghiệm, có khuôn viên, có đủ phòng học cho các lớp chuyên Văn, chuyên Toán…Trường đi vào hoạt động cũng là ngôi trường chuyên đầu tiên của miền Bắc và là trường chuyên đầu tiên của cả nước. Những năm sau đó, dẫu vẫn còn những bữa cơm không đủ no, nước sinh hoạt không đủ dùng, ánh sáng không đủ học nhưng trường đã bắt đầu gặt hái được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Và dường như càng vất vả, càng  thiếu thốn thì tinh thần, nghị lực của thầy và trò trường Phan lại nhân lên gấp bội và càng thử thách lại càng tôi luyện ý chí, tình thầy trò, bạn bè keo sơn gắn bó. Hình ảnh của học trò trường Phan ngày đó cũng phần nào biểu trưng cho truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ. Dường như chưa năm nào, trường lại không có học sinh giỏi đạt giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. Năm 1983, dù chưa có lớp chuyên Lý nhưng học sinh Đinh Văn Dũng đã được chọn dự thi Vật lý quốc tế lần đầu tiên ở Cộng hòa liên bang Đức. Năm 2000, học sinh Đào Anh Đức, đã đạt cú đúp 2 Huy chương Đồng ở cuộc thi Olympic Vật lý châu Á và quốc tế. Năm 2003, học sinh Đào Thanh Hải đã đạt Huy chương Bạc Olympic Hóa học quốc tế. 
Tiếp nối truyền thống của cha anh đi trước, thế hệ sau không ngừng phấn đấu và đem về nhiều thành tích cho nhà trường. Chỉ tính trong gần hơn 20 năm trở lại đây, trường có 28 lượt học sinh dự thi học sinh giỏi quốc tế và khu vực ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, trong đó có 5 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 7 Huy chương Đồng, 4 Bằng khen tại các kỳ thi Olympic học sinh giỏi quốc tế và châu Á. Trong đó nhiều em giành từ 2 đến 3 huy chương như em Nguyễn Tất Nghĩa, Cao Ngọc Thái, Nguyễn Cảnh Hào, Nguyễn Huy Hoàng. Đây còn  là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng nên rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học nổi tiếng như: Võ Thị Hảo, Nguyễn Đăng Điệp, Giáng Hương, Hồng Thái, Trần Kim Hoa, Như Bình, Đinh Thu Hiền, Lê Hồ Quang, Lê Thị Thu Thủy, Đường Hải Yến, Dương Nữ Khánh Thương, Phan Thúy Thảo, Dương Nữ Cẩm Tâm… 
Đặc biệt, trong năm học 2014 – 2015 vừa qua học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã làm nên nhiều kỳ tích. Trong đó, đầu tiên phải kể đến chính là tấm Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế mà cậu học trò Hoàng Anh Tài vừa xuất sắc giành được ở ChiangMai (Thái Lan)  vào tháng 7. Tấm huy chương là kết quả của sau hơn 18 năm chờ đợi và đánh dấu sự trở lại của môn Toán, một trong những môn học đã từng ghi được dấu ấn của nhiều thế hệ học sinh của trường như Phan Huy Tú, Trương Bá Tú, Nguyễn Cảnh Hào, Hồ Ngọc Kỳ… Hay câu chuyện của Nguyễn Ngọc Khánh, chủ nhân của hai tấm huy chương ở Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và gần đây nhất là chiếc Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế  cũng là hình ảnh minh chứng cho sự nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ của học sinh trường. Cũng trong năm nay, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã có 82 học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 1 giải Nhất, 31 giải Nhì, 32 giải Ba và 18 giải Khuyến khích,  đứng thứ 3 cả nước và có hơn 40 học sinh đạt điểm cao tại kỳ thi THPT quốc gia. Thành tích này thêm một lần nữa làm rạng danh mái trường mang tên nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu, bồi đắp thêm truyền thống hiếu học của quê hương xứ Nghệ. 
Hơn nửa thập kỷ đã đi qua, Đảng và Nhà nước cũng đã có rất nhiều danh hiệu cao quý dành tặng cho những đóng góp của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Vậy nhưng, với các thầy giáo, cô giáo không có món quà nào đáng trân trọng hơn chính là thành công và sự trưởng thành vượt bậc của lớp lớp học sinh. Từ mái trường này, dưới sự tận tụy, dìu dắt  của các thầy, cô giáo hàng nghìn học sinh đã vươn cao, vươn xa, đóng góp tích cực vào nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước. Tiêu biểu như Phó Giáo sư, Tiến sỹ  Thái Bá Cần, hiện là giảng viên cao cấp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh; Vũ Quốc Phóng, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học hiện đang công tác tại Trường Đại học Ohio (Mỹ); Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam… và hàng ngàn học sinh sau này đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, doanh nhân uy tín, thành đạt của đất nước. Nhìn rộng ra cũng thấy, ít có một ngôi trường nào trên mảnh đất hình chữ S này lại có nhiều thành tích như Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, dù ở đó phần lớn giáo viên và học sinh của trường đều lớn lên từ những vùng quê nghèo khó. 
Thầy Đậu Văn Mùi, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ chân thành rằng: Sự tin tưởng lẫn nhau, sự “chung sức, chung trí tuệ, chung tấm lòng” của các thế hệ tập thể giáo viên và cả học sinh trong những năm qua là sức mạnh để trường vượt khó vươn lên và trở thành một trong những trường chuyên dẫn đầu cả nước. 
Bài, ảnh: Mỹ Hà

Tin mới