Tự hào với trường nghề

(Baonghean) - Những cựu sinh viên trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc mà chúng tôi từng gặp có nhiều thành công trong sự nghiệp của mình. Có những người thợ lành nghề họ đã phấn đấu vươn lên thành người quản lý… Khi nói về bản thân và về ngôi trường từng theo học, họ tự hào, kiêu hãnh “tôi lớn lên từ trường nghề”.

Một môi trường học tập, lao động tốt, cộng thêm sự cố gắng của bản thân sẽ đem đến sự tiến bộ. Đó là điều tất yếu của chặng đường đã qua của anh Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Trung tâm thiết bị đào tạo, Công ty điện tử chuyên dụng Hanel. Năm 2000, Nguyễn Đình Hải thi trượt đại học, anh đã thi và vào học Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc. Anh suy nghĩ: “Cứ học tạm một năm, năm sau thi lại đại học”. Nhập học khoa điện tử rồi, suy nghĩ đó của Hải nhanh chóng bay biến. Thầy cô nhiệt tình giảng dạy, cơ sở vật chất nhà trường tốt, Hải đã thấy được một tương lai phía trước. Thế rồi, anh quyết định trau nghề, học thật giỏi. 2 năm học ở trường, tốt nghiệp loại xuất sắc, Nguyễn Đình Hải được giữ lại làm giảng viên phụ trách thực hành ở Trường Trung cấp nghề.

Kết quả đào tạo từ 2010-2014:  Đào tạo hệ cao đẳng nghề và trung cấp nghề: 5257 học sinh. Đã tốt nghiệp 3621 học sinh, trong đó 80% có việc làm. Đào tạo hệ ngắn hạn: 550 học sinh. Đào tạo tiếng Hàn quốc cho xuất khẩu lao động: 3978 lao động. Đào tạo liên kết đại học tại chức, thạc sỹ: 340 học viên.  Đã có 1.200 học sinh của trường đi lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản... Đào tạo nâng cao tay nghề cho 45 lao động công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa, công ty TNHH Mía đường, xí nghiệp toa xe Vinh 66 học viên. Thành lập mới phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng, khoa kỹ thuật điện lạnh, khoa kinh tế. Đặc biệt, giai đoạn 2010 – 2014 trường có 8 học sinh được công nhận học sinh giỏi nghề Quốc gia, trong đó có 3 học sinh đạt giải Nhất, Nhì và giải Ba; 1 học sinh đạt Huy chương Bạc Asean và được dự thi tay nghề thế giới năm 2015 tại Brazil.
Cựu sinh viên ngành Điện Lê Lương Nguyên (giữa) hiện là Giám đốc Công ty TNHH Strangplus Elevator Việt Hàn. Ảnh: Mỹ Hà

Anh Nguyễn Đình Hải kể: Ở trường giảng dạy được 2 năm thì tôi xin ra ngoài làm bởi vì cảm thấy mình không phù hợp với môi trường sư phạm. Nhờ những kiến thức, kỹ năng thiết thực đã được học và làm ở trường, tôi được nhận về Công ty cổ phần điện tử Hanel và không khó khăn để hòa nhập vào môi trường mới. Những kiến thức mà nhà trường giảng dạy đã bám sát với thực tế công việc, yêu cầu của doanh nghiệp, khiến tôi chủ động, tự tin, tạo nên nền tảng để phấn đấu. Sau 1 năm, tôi được đề cử ở vị trí cao hơn là Phó Giám đốc trung tâm thiết bị đào tạo của công ty và từ năm 2007 là Giám đốc trung tâm cho đến nay… Riêng lương “cứng” của bản thân hiện 13 triệu đồng/tháng.

Theo Nguyễn Đình Hải để có những thành công bước đầu ngoài những nỗ lực vươn lên không mệt mỏi của bản thân thì Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc đã giúp cho anh một bệ phóng tốt. Trường không những có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại tân tiến mà đội ngũ giáo viên trình độ cao, tâm huyết, phương thức giảng dạy cũng khác. Hải chia sẻ: “Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc cung cấp những kiến thức rất “khác biệt” so với các trường nghề tương tự khác trong cả nước. Kiến thức truyền đạt là những công nghệ mới, tiên tiến nhất, có tính đi tắt đón đầu, chứ không phải là chạy theo công nghệ… Có những kỹ thuật, kỹ năng, kiến thức mà tôi được học từ 15 năm trước bây giờ vẫn còn có thể áp dụng, vận dụng tốt trong công việc”.

Cũng có được những thành công tương tự như Nguyễn Đình Hải nhưng “cơ duyên” của Nguyễn Quốc Bảo lại khác. Năm 2002, chàng trai ở xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn phải “chật vật” thi vào Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc (bởi lúc này trường đã có thương hiệu nên số học sinh thi vào rất đông, 10 người chọn 1 người). Năm 2004, tốt nghiệp ra trường loại giỏi, Bảo ngay lập tức được Công ty Moldpia của Hàn Quốc chuyên sản xuất khuôn mẫu đón về làm việc theo chương trình hợp tác đào tạo - việc làm với trường nghề. Từ vị trí công nhân và có lợi thế giỏi tiếng Hàn, Bảo nhanh chóng trở thành tổ trưởng, rồi quản đốc, trợ lý giám đốc và phụ trách điều hành chi nhánh công ty tại Việt Nam với hơn 200 công nhân.

Làm quản lý ở công ty cũ từ 2009 - 2014, Bảo được một công ty Hàn Quốc khác chuyên sản xuất bồn rửa Inox, bếp ga công nghiệp có xưởng sản xuất tại Hưng Yên “mời” sang làm quản lý. Là người cầu tiến, không tự hài lòng, Bảo luôn muốn vượt lên các thử thách; ở công ty mới, doanh thu gấp 3 lần công ty cũ với 800 - 900 tỷ đồng/năm, “lương cứng” cho quản lý lên đến 25 triệu đồng/tháng… Nguyễn Quốc Bảo tâm tình: “Tôi quan niệm không phải thấy người khác ăn khoai cũng lấy mai ra đào, nên học nghề để đi làm, để kiếm sống. Xuất phát điểm thấp thì mình phải nỗ lực để vươn lên, xác định rõ đâu là lợi thế để phát huy, đâu là nhược điểm để khắc phục và rèn luyện, củng cố thêm”.

Thành công trong lao động, Bảo chưa bao giờ quên ơn cái nôi rèn dũa nên mình. Anh cho rằng: “Không thầy đố mày làm nên”. Tôi luôn tự hào mình là sinh viên những khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc. Trường đã đào tạo rất cơ bản, với tỷ lệ 70% thực hành, 30% còn lại là lý thuyết. Thực hành nhiều đã giúp cho sinh viên giỏi kỹ năng, không phải bỡ ngỡ khi bắt tay vào việc mà đáp ứng được ngay yêu cầu của doanh nghiệp… Song trường không phải cho chúng ta tất cả, mình phải nỗ lực, rèn luyện, tích lũy tay nghề, vươn lên. Bây giờ, đã làm quản lý ở công ty mới, khi tuyển công nhân, chắc chắn em sẽ ưu tiên tuyển học sinh tốt nghiệp ra từ trường mình đã học…”.

2
Từng là sinh viên ở trường, nay anh Nguyễn Thanh Vinh đã trở thành giảng viên Khoa Điện tử.

Những học viên Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc bây giờ thành công rất nhiều. Đó là anh Hồ Văn Bình, nguyên sinh viên Khoa điện tử, nay là Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty cổ phần thương mại điện tử Bình An - Thành phố Vinh; anh Nguyễn Thanh Vinh, cựu sinh viên Khoa Điện tử viễn thông, hiện là giảng viên tại trường; anh Nguyễn Ngọc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dũng Tú Hà, chuyên sửa chữa các loại máy công trình… Những điển hình thành công này đã minh chứng cho một chân lý "Nhất nghệ tinh nhất thân vinh" (một nghề cho chín hơn chín nghề).

Anh Lê Lương Nguyên, nguyên sinh viên ngành  Điện, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, nay là Giám đốc Công ty TNHH Strangplus Elevator Việt Hàn ở Khu công nghiệp nhỏ Nghi Phú bày tỏ: “Trước đây chúng ta rất hay quan trọng phải thi đỗ vào các trường đại học, nên học sinh đua nhau thi đại học mà ít người lựa chọn học nghề. Thế nhưng, với bản thân tôi, tôi thấy mình thực sự may mắn vì đã theo học nghề đúng sở trường và thực sự yêu thích. Khi đã có được một nghề cầm tay thì chúng ta phải biết tự trau dồi, nâng cao tay nghề và tự định hướng để phát triển được nghề đó theo cách mà bạn muốn. Giờ đây khi đã là một quản lý doanh nghiệp, tiêu chí tuyển dụng của tôi không dựa vào bằng cấp mà đánh giá trên năng lực thực tế và hiệu quả công việc mà họ mang lại”.

Kết quả đào tạo từ 2010-2014:  Đào tạo hệ cao đẳng nghề và trung cấp nghề: 5257 học sinh. Đã tốt nghiệp 3621 học sinh, trong đó 80% có việc làm. Đào tạo hệ ngắn hạn: 550 học sinh. Đào tạo tiếng Hàn quốc cho xuất khẩu lao động: 3978 lao động. Đào tạo liên kết đại học tại chức, thạc sỹ: 340 học viên.  Đã có 1.200 học sinh của trường đi lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản... Đào tạo nâng cao tay nghề cho 45 lao động công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa, công ty TNHH Mía đường, xí nghiệp toa xe Vinh 66 học viên. Thành lập mới phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng, khoa kỹ thuật điện lạnh, khoa kinh tế. Đặc biệt, giai đoạn 2010 - 2014 trường có 8 học sinh được công nhận học sinh giỏi nghề Quốc gia, trong đó có 3 học sinh đạt giải Nhất, Nhì và giải Ba; 1 học sinh đạt Huy chương Bạc Asean và được dự thi tay nghề thế giới năm 2015 tại Brazil.


Thanh Sơn

Tin mới