Cái lo nhất cho học sinh bán trú bây giờ là thiên tai

(Baonghean) - Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương.

Các lực lượng trên địa bàn huyện Tương Dương tham gia giúp đỡ Trường THCS Yên Tĩnh thu dọn lại trường lớp (ảnh: Phạm Oanh)
Các lực lượng trên địa bàn huyện Tương Dương tham gia giúp đỡ Trường THCS Yên Tĩnh thu dọn lại trường lớp (ảnh: Phạm Oanh)

- Xin chào thầy giáo Nguyễn Văn Hùng. Được biết, Trường THCS Yên Tĩnh có lượng học sinh bán trú khá nhiều, xin được trao đổi với ông về vấn đề này. Trước hết, theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, thì học sinh bán trú là học sinh đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trường tiểu học và trung học cơ sở công lập khác ở vùng này, được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt cho phép ở lại trường để học tập trong tuần do không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; kèm theo đó là những quy định về chính sách hỗ trợ. Thực tế ở Trường THCS Yên Tĩnh thì như thế nào, thưa ông?

- Học sinh bán trú nếu chỉ nhìn một cách đơn giản là các em ở những bản xa trên 5km, các em nhiều khi phải ở trong những lán do cha mẹ dựng cho hoặc ở nhờ nhà người quen gần trường. Ngày nay, nhiều trường đã được Nhà nước xây nhà bán trú, tạo điều kiện về mặt chính sách thiết thực như hỗ trợ kinh phí nơi ăn, chốn ở cho các em. Những điều này cũng đã được quy định tại Nghị định 185 của Chính phủ. Trường THCS Yên Tĩnh có 104 học sinh bán trú, chúng tôi cũng đang thực hiện theo nghị định này, đảm bảo tốt cho các em yên tâm ở lại học tập... Nhìn ở một góc độ khác nhân văn hơn, thì các em học sinh bán trú là đối tượng thiệt thòi nhất. Học sinh bán trú không chỉ phải đi học xa nhà, mà còn đối mặt với những khó khăn khác về tinh thần cũng như điều kiện ăn học. Nếu như chúng ta không quản lý chặt chẽ việc học và ăn ở của các em, đó là những nguy cơ về an ninh, thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ cũng là một thiệt thòi. Đơn cử, nếu như rạng sáng 14/9 vừa qua, nếu tất cả học sinh trường chúng tôi không ăn ở tập trung tại nhà bán trú được xây dựng trong trường, thì rất khó có thể đảm bảo được sự an toàn tính mạng do mưa lũ...

Đến thời điểm này, toàn bộ bàn ghế, sách vở của Trường THCS Tương Dương hầu như đã không thể sử dụng (ảnh: Phạm Oanh)
Đến thời điểm này, toàn bộ bàn ghế, sách vở của Trường THCS Tương Dương hầu như đã không thể sử dụng (ảnh: Phạm Oanh)

- Có hơn một trăm học sinh bán trú, nhưng Trường THCS Yên Tĩnh vẫn không được công nhận là trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Đương nhiên là do quy định! Nhưng theo chúng tôi hiểu, điều đó không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy học...

- Cụ thể là thế này, ngành Giáo dục đã có quy định một trường THCS phải có trên 50% học sinh bán trú mới được công nhận là trường PTDTBT. Riêng trường chúng tôi, chỉ thiếu một vài em nữa là đảm bảo được tỷ lệ này. Theo tôi biết, thì có nhiều trường có học sinh bán trú nhưng chưa được công nhận là trường PTDTBT. Thế nhưng, các em vẫn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nơi ăn, chốn ở. Các quyền lợi khác cho học sinh bán trú vẫn được đảm bảo. Hoặc nhà trường đó sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các em được ăn ở tập trung để đảm bảo an toàn.

Nếu có thiệt thòi thì chỉ điều này, những trường chưa được công nhận là trường PTDTBT không được hỗ trợ kinh phí thuê người nấu ăn. Công tác quản sinh cũng do nhà trường tự cắt cử. Để có người nấu ăn, phụ huynh có con em ở trong nhà bán trú của trường phải góp tiền thuê người nấu. Như trường hợp trường chúng tôi, phải thuê 2 người nấu ăn, mỗi tháng mất 5 triệu đồng. Số tiền này được chia đều theo đầu học sinh. Nếu tính ra với lượng học sinh tương đối lớn, số tiền này khi chia bình quân tưởng như không nhiều. Thế nhưng, nhiều cha mẹ học sinh vùng cao lo cái ăn còn khó, nên việc đóng thêm một khoản phí cho con ăn học cũng là gánh nặng.

- Như thế, cho thấy trong thực tiễn, ngoài những chính sách của Chính phủ, để cuộc sống học tập của học sinh bán trú được tốt hơn thì việc ngành Giáo dục và chính quyền địa phương có những động thái, giải pháp thiết thực, kịp thời là rất quan trọng...

- Đây cũng là điều tôi luôn suy nghĩ. Chính quyền ở các địa phương có học sinh bán trú cần có sự phối hợp với các đơn vị trường học để đảm bảo an toàn cho con em. Như đã nói, điều đáng lo nhất với học sinh bán trú là mặt an ninh. Nhất là ở những nơi các em phải ở trọ, hoặc ở lán tạm. Học sinh bậc THCS đều đang tuổi ăn, tuổi lớn và cũng đã bắt đầu phải đối mặt với những va chạm xã hội nên khó tránh xảy ra xung đột. Sự phối hợp của chính quyền địa phương với đơn vị trường học sẽ là chỗ dựa tinh thần tốt cho các em phải ăn học xa nhà. Đối với những vùng thường xuyên đối mặt với nguy cơ thiên tai như lũ ống, lũ quét thì sự “có trách nhiệm” của chính quyền địa phương lại càng cần thiết. Các em chưa có nhiều kinh nghiệm đối mặt với thiên tai, nếu được sự giúp đỡ kịp thời, nếu có gắn trách nhiệm với chính quyền địa phương nữa thì càng tốt. Những mối nguy mà tôi kể ra đây, nguy cơ cao nhất vẫn là học sinh bán trú phải ở trọ và địa bàn thường hứng chịu thiên tai...

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

H.V (Thực hiện) 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới