Trẻ ngỗ nghịch là do tâm lý cô độc

Phần nhiều sự bướng bỉnh của trẻ đến từ các phản ứng tâm lý, trong đó chủ yếu là cảm giác cô độc.

Rất nhiều phụ huynh luôn cảm thấy đau đầu và bất lực trước hành vi ngỗ nghịch của trẻ, tìm đủ mọi cách để đối phó, thậm chí là trừng phạt trẻ. Thực tế, phần nhiều sự bướng bỉnh của trẻ đến từ các phản ứng tâm lý, trong đó cảm giác cô độc là nền tảng khiến trẻ dùng hành động ngỗ nghịch như một sự phản kháng.

1. Trước hết, bạn cần hiểu đúng hai đặc điểm trưởng thành của trẻ:

Tính quần thể:

Trẻ con phải được trưởng thành và phát triển trong một tập thể lớn, chứ không riêng chỉ ở bên cạnh cha mẹ hay các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, người lớn không thể nào thay thế được tác dụng của những người bạn cùng trang lứa với trẻ. Tình bạn là “dinh dưỡng” không thể thiếu trong quá trình lớn lên của trẻ.

Tính thực tiễn:

Thông qua sinh hoạt tập thể, trẻ có thể hiểu biết hơn so với lý thuyết được nghe dạy. Nhà tâm lý học nhi đồng M.Claudius Kelantan (Philippines) cho biết: “Một đứa trẻ mà năng lực xã hội quá kém thì tồn tại khiếm khuyết lớn hơn nhiều so với việc trẻ không vào được đại học”.

Nhiều ông bố, bà mẹ sẽ phản bác lại rằng: Dù được tiếp xúc với tập thể nhưng trẻ vẫn ngỗ nghịch và không có lòng cảm thông với người khác, thường bắt nạt bạn bè, động vật hay phá phách đồ vật.

Kỳ thực, vấn đề tồn tại đằng sau hành vi ngỗ nghịch của trẻ phải suy xét trước tiên ở sự liên kết không đầy đủ giữa cha mẹ và con cái. Trong môi trường tập thể nhỏ nhưng gần gũi nhất chính là gia đình, trẻ thiếu cảm giác an toàn thì tất yếu sinh ra phản ứng ngỗ nghịch từ đây. Tâm trạng của những đứa trẻ không gắn kết thân mật với người mẹ thường bất an, mất đi khả năng xây dựng các mối quan hệ và tinh thần luôn không ổn định. Ngoài ra, sự bận rộn và kiệm lời của người lớn trong cuộc sống hiện đại cũng khiến trẻ khép kín và không có cách nào bộc lộ nội tâm thật sự.

Nuôi dưỡng năng lực xã hội tích cực cho trẻ không chỉ để phát triển trí lực và sự khỏe mạnh mà còn là trang bị cần thiết cho cuộc sống sinh tồn của trẻ về sau. Kelantan nói: “Một người quản lý thành công chỉ cần 15% từ kiến thức chuyên môn, trong khi năng lực xã hội cần đến 85%”. Khi trẻ có những mối quan hệ xã hội tốt, hòa hợp với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh, tự thân trẻ sẽ cảm thấy mình được chấp nhận, được yêu thích, trẻ trở nên vui vẻ, tự tin và cởi mở hơn.

ly-do-bo-me-khong-ngo-khien-con-ngo-nghich

Ảnh minh họa

2. Vậy thì làm sao để ứng phó với một đứa trẻ ngỗ nghịch xuất phát từ tâm lý cô độc?

“Bơ đi” một cách chừng mực và đúng lúc:

Nếu như những lời khuyên từ tốn chưa phát huy hiệu quả khi trẻ có hành động ngỗ nghịch, bạn có thể tạm thời “bơ đi”, không chú ý đến trẻ nữa. Động thái này có thể khiến trẻ cảm thấy không bị soi mói và chỉ trích, trẻ có thể tự điều chỉnh tâm trạng của mình lại.

Dẫn dắt trẻ có những hành vi tốt đẹp:

Xét từ quan điểm điều trị hành vi, nếu trẻ có hành động không tốt ở một khía cạnh nào đó, bạn cần phải nghĩ phương pháp giúp trẻ có hành động tích cực ở khía cạnh khác. Khi trẻ thấy mình làm tốt việc này và được khích lệ, khen ngợi, tâm lý trẻ sẽ tự “củng cố” những hành vi này mạnh mẽ hơn. Trẻ bắt đầu biết so sánh “kết quả” và “hậu quả” giữa những chuyện mình làm tốt và không tốt, từ đó dần dần giảm bớt tính ngỗ nghịch ở các mặt tiêu cực trước đó.

Giúp trẻ “trút bớt” năng lượng thừa:

Ít vận động có thể đem đến sự tù túng về mặt tinh thần. Vì vậy, bạn cần lên kế hoạch cho trẻ rèn luyện thân thể thường xuyên, vừa đảm bảo sức khỏe dẻo dai, hạn chế bệnh tật, vừa giúp trẻ có cơ hội giải phóng những áp lực tâm lý. Ngoài ra, thói quen đọc sách, chơi nhạc cụ, vẽ tranh… tuy không phải vận động ra mồ hôi nhưng lại giúp trẻ định thần và cảm thấy thư giãn.

Nếu có điều kiện, hãy cho trẻ nuôi thú cưng:

Thú cưng cũng là người bạn nhỏ cần thiết với những đứa trẻ. Tự tay vuốt ve, chơi đùa, cho ăn là quá trình nuôi dưỡng trái tim yêu thương của trẻ. Những đứa trẻ sống hòa bình với các con vật trong nhà thường rất dễ bảo, ôn hòa và ít có thái độ kích động.

Giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ xã hội:

Khi trẻ ngỗ nghịch từ cảm giác cô độc, trong lòng trẻ sự ngỗ nghịch này là một cách để được thỏa mãn, nhằm gây chú ý và phát tiết sự u uất của mình với bất cứ ai mà trẻ nghĩ là hành động của mình được bắt gặp. Vì vậy, dù bận rộn thế nào, bạn cũng nên dành thời gian đưa trẻ ra ngoài, gặp gỡ và vui chơi cùng bạn bè trang lứa, thậm chí là trẻ cũng cần có những người bạn nhỏ tuổi hơn và lớn tuổi hơn để làm phong phú cuộc sống của mình.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới