Chủ động nguồn giống chanh leo tại chỗ

(Baonghean) - Từ năm 2010, chanh leo được đưa về trồng ở Tri Lễ (Quế Phong) và đến nay đã chứng minh được hiêu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo; trên địa bàn xã hiện có 70 ha trồng cây chanh leo, diện tích này sẽ tiếp tục được mở rộng lên đến 500 ha. Để đáp ứng về nguồn giống, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ đã thực hiện một số thí nghiệm nhân giống.

Theo quy hoạch, diện tích trồng chanh leo của xã Tri Lễ lên đến 500 ha; mỗi năm, xã sẽ nhân rộng từ 50 - 70 ha. Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn của địa phương, đó là thiếu các cơ sở nhân giống cung ứng giống chanh leo tốt, năng suất và chất lượng cao, đáp được tiêu chuẩn phục vụ cho chế biến, phù hợp với điều kiện sinh thái, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh. Lâu nay, giống chủ yếu được nhập về từ nhiều nguồn khác nhau, giá thành cây giống cao (50.000 đồng/cây giống) nên chi phí trồng mới cho 1 ha khá cao (1 ha trồng khoảng 1.100 cây cần đầu tư 55 triệu đồng). Trước tình hình đó, Đề tài khoa học: "Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật để sản xuất giống chanh leo tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến tại Nghệ An", do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ chủ trì đã tập trung vào việc nghiên cứu, tìm các giải pháp nhân giống hiệu quả trong điều kiện sinh thái của Nghệ An để cho ra đời giống chanh leo có phẩm cấp tốt.
Giống được điều tra tuyển chọn từ năm 2012 ở 3 huyện Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Quế Phong. Trong quá trình điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất cũng như hiệu quả, chất lượng của giống, nhóm thực hiện đề tài đã lựa chọn giống Đài Nông 1 có nguồn gốc từ Đài Loan, vì phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đồi vùng núi tại các huyện Tây Bắc tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Quế Phong nói riêng. Giống này có khả năng sinh trưởng khỏe, năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn phục vụ chế biến xuất khẩu. 2 phương pháp được dùng phổ biến là giâm cành và ghép cành. Trong hai phương pháp này, phương pháp ghép phải kéo dài thời gian, phương pháp giâm yêu cầu thời gian nhanh hơn, từ 2,5 - 3 tháng có thể xuất giống.
Phương pháp kỹ thuật giâm được tiến hành rất dễ dàng, còn phương pháp ghép đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn. Phương pháp giâm tỷ lệ sống cao, tỷ lệ xuất vườn đạt đến 85%, còn phương pháp ghép tỷ lệ sống thấp. Đề tài triển khai từ năm 2013, bước đầu phục vụ giống cho người dân trồng, giảm giá thành ở mức thấp nhất, từ 50.000 đồng xuống còn 10.000 đồng/cây. Hiện tại, đề tài đã cung cấp cho người dân hơn 6.000 cây giống. Theo tính toán ban đầu, với một hecta sản xuất, sẽ giảm trừ được hơn 40 triệu đồng chi phí tiền giống. Đây có thể xem là những ưu điểm nổi trội để sản xuất giống chanh leo đại trà thay thế nguồn giống nhập nội vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các hộ trồng chanh leo từ trước tới nay.
Ươm giống chanh leo tại Công ty CP đầu tư phát triển nông nghiệp Napaga. ảnh: Trần Hải
Ươm giống chanh leo tại Công ty CP đầu tư phát triển nông nghiệp Napaga. ảnh: Trần Hải
Ông Quang Văn Xuân ở bản Yên Sơn, một trong những gia đình trồng chanh leo sớm nhất ở xã Tri Lễ. Từ năm 2010, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng 200 gốc chanh leo. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt, ông phát triển vườn chanh của mình lên 0,5ha (khoảng 800 gốc). Tuy nhiên, năm 2013, vườn chanh leo của ông mới cho thu nhập được 35 triệu đồng thì bị bệnh phì thân, chết dần. Đầu năm 2014, dự án đã cung cấp cho ông 400 gốc chanh leo để thay thế. Được phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch và hỗ trợ một phần cây giống, vườn chanh leo gia đình ông Xuân phát triển xanh tốt, với tỷ lệ cây sống gần 100%. Sau 8 tháng trồng, vườn chanh leo đã cho thu hoạch, hiệu quả rất khả quan. Ông Xuân cho biết, hiện ông đang rất cần thêm nguồn giống để thay thế những gốc chanh còn lại.
Tuy thời gian thử nghiệm chưa dài, nhưng phương pháp nhân giống chanh leo mà Đề tài "Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật sản xuất giống chanh leo tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến tại nghệ An" thực hiện đã cho thấy rõ những ưu điểm nổi trội. Những kết quả trong việc tìm ra biện pháp kỹ thuật sản xuất giống và xây dựng mô hình sản xuất chanh leo thành công, đã tạo ra bước đột phá trong nhân giống chanh leo ở tỉnh Nghệ An. Mong muốn của chính quyền địa phương và bà con nông dân Tri Lễ là mô hình tiếp tục được nhân rộng, để có thể cung cấp đủ nhu cầu về giống cho người dân, đảm bảo nguồn giống tại chỗ. Đây còn là tiền đề để phát triển cây chanh leo gắn với vùng nguyên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Theo KS Lê Văn Quý - Chủ nhiệm đề tài, quy trình ươm giống cây chanh leo bằng phương pháp giâm cành gồm một số bước rất đơn giản: Đầu tiên là chọn cành bánh tẻ lấy từ cây đã được 6 tháng trở lên, có 2 mắt, mắt trên cách mắt dưới 2cm, cắt hết lá của mắt phía dưới, còn lá của mắt phía trên cắt 2/3. Ngâm phần gốc phía dưới vào dung dịch kích thích ra rễ trong thời gian khoảng 2 phút. Sau đó chuẩn bị bầu để giâm cành, kích thước bầu 9x12cm. Phải làm cho đất tơi, xốp, khi đổ vào bầu, đảm bảo bầu phải thẳng, không bị gãy gập. Tiếp đến lấy que dui vào giữa bầu rồi dắt cành giâm vào. Lúc cắm vào bầu chú ý không cắm úp phần lá mà cắm ngửa lá về phía trên. Cắm xong dùng 2 ngón tay dặt đất chặt, nếu không dễ bị khô cây. Tưới thuốc Viben-C với tỷ lệ: 20g/1 bình 8 lít nước phun đều lên mặt lá và mặt bầu để vừa phòng trừ sâu bệnh của cây, vừa phòng trừ bệnh ở đất xâm nhiễm vào thân cây. Đặt bầu vào giàn che ánh sáng 5 - 70% ánh sáng và chăm sóc. Khi cây ra được một số cành, đoạn nhất định, tính từ đỉnh sinh trưởng đến ngọn khoảng 20cm, lá trên cùng đã ổn định chuyển sang màu xanh đậm thì đem trồng. Tùy thời tiết nóng, lạnh mà thời gian xuất vườn có thể nhanh hoặc chậm, nhưng thường thì khoảng 2,5 - 3 tháng.
Lê Hiền

Tin mới