Phát hiện thêm nhiều miệng hố bí ẩn ở Siberia

Các nhà khoa học xác định thêm 4 miệng hố lớn cùng nhiều cấu trúc tương tự khác ở vùng Siberia, Nga, sau khi xem xét hình ảnh vệ tinh.
Đoàn thám hiểm xuống đáy miệng hố lớn nhất trong số ba miệng hố trên bán đảo Yamal hồi tháng 11 năm ngoái. Nó có đường kính khoảng 60 m. Ảnh: Siberian Times
Đoàn thám hiểm xuống đáy miệng hố lớn nhất trong số ba miệng hố trên bán đảo Yamal hồi tháng 11 năm ngoái. Hố có đường kính khoảng 60 m.            Ảnh: Siberian Times
"Chúng tôi hiện đã biết 7 miệng hố ở vùng băng giá này. Chúng tôi xác định được 4 vị trí chính xác, ba địa điểm khác do những người nuôi tuần lộc phát hiện. Tôi chắc chắn là còn nhiều miệng hố ở bán đảo Yamal, chúng ta cần tìm kiếm chúng", giáo sư Vasily Bogoyavlensky, thành viên của Viện Khoa học Nga, cho biết.
Theo Bogoyavlensky, có thể khoảng 20 - 30 miệng hố nữa. "Quan trọng là không khiến mọi người sợ hãi, mà phải hiểu rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng, và ta phải nghiên cứu điều này", ông nói. Lời kêu gọi điều tra nhằm nhấn mạnh đây là vấn đề nghiêm túc và hoạt động điều tra sớm có thể bảo vệ người dân sống tại khu vực.
Siberian Times cho hay, một nhóm thám hiểm từng tiếp cận đáy của một trong ba miệng hố hồi tháng 11 năm ngoái và thu thập dữ liệu nhằm giải mã cơ chế hình thành. Theo giả thiết, khí hậu ấm lên toàn cầu làm khí methane bên dưới băng bị giải phóng đột ngột, gây ra những vụ nổ lớn dưới lòng đất và tạo nên hiện tượng này.
Các nhà khoa học không thể dự đoán thời gian và địa điểm xảy ra vụ nổ tương tự, nghiên cứu chúng là việc nguy hiểm, Bogoyavlensky cho biết. Nhóm của Bogoyavlensky dự định tiến hành một cuộc thám hiểm mới, thiết lập trạm nghiên cứu tại khu vực để phát hiện những trận động đất có thể hình thành khi miệng hố mở rộng.
"Quá trình tạo nên miệng hố có thể tiếp tục xảy ra trên một phạm vi lớn ở khu vực đóng băng vĩnh cửu của Siberia", Huffington Post dẫn lời Carolyn Ruppel, một nhà địa vật lý của Mỹ, nói. Do đó, các chuyên gia cần tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu hơn, xác định những quá trình đó và cách thức chúng tiến triển theo thời gian.
Từ tháng 7/2014, các chuyên gia phát hiện ba miệng hố ở Siberia. Nguyên nhân hình thành miệng hố hiện vẫn chưa được làm rõ. Nguyên nhân ban đầu được cho là liên quan đến sự va chạm của thiên thạch, vật thể bay không xác định hoặc do một vụ nổ khí.
Theo VnExpress

Tin mới