Miệng hố bí ẩn ở Siberia biến thành hồ nước

Miệng hố ở vùng Siberia của Nga, được cho là hình thành do các vụ nổ khí, dường như đang biến thành một hồ nước và có độ sâu lên đến 50 m.
 Miệng hố bí ẩn ở Siberia bị ngập nước. Ảnh: RT
Miệng hố bí ẩn ở Siberia bị ngập nước. Ảnh: RT
Miệng hố khổng lồ được phát hiện năm ngoái ở bán đảo Yamal, phía bắc Nga, cách mỏ khí ga Bovanenkovo không xa. Kể từ đó cho đến nay, miệng hố đang dần bị nước lấp đầy và dường như biến thành một hồ nước lớn. Qua mùa đông và mùa xuân, mực nước ở đây đã dâng lên 10 m và các nhà khoa học dự đoán quá trình đó sẽ tiếp tục diễn ra.
Đến đầu tháng 7, hai phần ba miệng hố đã chứa đầy nước mưa và tuyết tan. Theo kết quả kiểm tra ở phần đáy bằng các cảm biến đặc biệt, các chuyên gia cho biết cấu trúc này rất khó dự đoán và sự sụt lún có thể xảy ra.
"Tôi rất bất ngờ với kích thước trên, nó thực sự rất lớn. Và âm thanh của băng tan chảy cũng khiến tôi ngạc nhiên," truyền hình địa phương dẫn lời phóng viên người Nhật Asahi Shimbun Terukhiko Nouse, người tham gia chuyến thám hiểm khoa học tại đây.
RT cho biết, từ đầu năm nay, các nhà khoa học và người dân địa phương đã phát hiện 20 miệng hố nhỏ xung quanh khu vực này ở Yamal. Nhiều giả thiết đã được đưa ra để giải thích cho nguồn gốc của chúng, trong đó bao gồm suy đoán liên quan đến vật thể bay không xác định (UFO), người ngoài hành hành tinh hay biến đổi khí hậu.
Theo một số chuyên gia, các miệng hố có thể hình thành sau quá trình hoạt động địa chất có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu. Nơi đây vốn là khu vực giàu khí đốt tự nhiên, bị bao phủ dưới biển từ 10.000 năm trước. Quá trình ấm lên toàn cầu khiến băng tan chảy, giải phóng khí, khiến "hỗn hợp" nước, muối và khí phát nổ dưới lòng đất.
Theo VnExpress

Tin mới