Giáo viên vùng cao Kỳ Sơn dìu nhau qua suối lũ vào trường

(Baonghean.vn) -Mưa lũ đã gây ra thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương vùng cao của huyện Kỳ Sơn. Nhiều xã như Bảo Nam, Bảo Thắng đường sá bị sạt lở, khe, suối chia cắt khiến con đường đến trường của giáo viên càng thêm vất vả.

Clip: Đào Thọ

Thường lệ, cứ sáng thứ Hai, các thầy, cô giáo ở xã Bảo Nam mới đến trường để kịp giờ chào cờ đầu tuần. Thế nhưng, 2 tuần nay, chiều Chủ nhật mọi người đã hẹn nhau tập trung tại điểm cầu treo xã Hữu Lập để cùng đi.

bna _ Bảo Th1.jpeg
Giáo viên các trường ở xã Bảo Nam tập trung trước suối chảy xiết chuẩn bị vào trường. Ảnh: Đào Thọ

Mưa lũ làm cho con đường dài hơn 10 km từ xã Hữu Kiệm vào đến xã Bảo Nam bị sạt lở, nhiều điểm tại xã Hữu Lập bị cắt đứt hoàn toàn buộc chính quyền các cấp phải mở một lối nhỏ phía bìa rừng để lưu thông. Tại cầu tràn bản Xốp Thập (xã Hữu Lập) nước tràn qua chảy xiết, đục ngầu.

bna _ Bảo Th2.jpeg
Để qua suối, nhiều cô giáo phải nhờ đến sự hỗ trợ của các đồng nghiệp nam. Ảnh: Đào Thọ

“Bình thường các thầy, cô vào trường chỉ mất khoảng 30 phút đi xe. Mấy hôm nay vừa phải đi, vừa đẩy xe qua bùn lầy. Ngại nhất là những chỗ nước suối tràn qua đẩy mạnh, mọi người phải đi dàn thành hàng ngang để dìu nhau cho an toàn. Xe máy thì phải nhờ đến sự hỗ trợ của thanh niên trai tráng trong bản khiêng qua. Phải mất đến 3 giờ đồng hồ mới vào đến trường” – cô giáo Lô Thị Huyền ở Trường Mầm non Bảo Nam cho biết.

bna _ Bảo Th3.jpeg
Các cô dìu nhau đi thành hàng ngang để vững vàng hơn trước sức đẩy của dòng nước. Ảnh: Đào Thọ

Là người luôn đi sát những giáo viên khác để hỗ trợ khi cần, thầy giáo Hoàng Văn Thưởng – giáo viên Trường PTDTBT THCS Bảo Nam sau những giờ vừa vượt suối, vừa leo dốc cũng mệt bơ phờ. Trong bộ quần áo và chiếc ủng dính đầy bùn đất, thầy Thưởng vẫn luôn động viên các đồng nghiệp cố gắng vượt qua những điểm nguy hiểm có nguy cơ sạt lở. “Đây là đoạn đường thường xuyên xảy ra sạt lở đất, bởi vậy, chúng tôi phải hỗ trợ nhau để đi chứ nếu không bị mắc kẹt lại thì rất nguy hiểm” – thầy Hoàng Văn Thưởng chia sẻ.

bna _ Bảo Th4.jpeg
Thanh niên trai tráng trong bản giúp thầy, cô giáo khiêng xe qua suối. Ảnh: Đào Thọ

Tại địa bàn xã Bảo Thắng, những điểm sạt lở dày đặc, con đường gập ghềnh ngổn ngang những hòn đá lớn, nhỏ xen lẫn bùn đất đặc quánh. Cơn mưa lớn ngày 27/9 đã làm đứt gãy hoàn toàn một đoạn đường từ xã Chiêu Lưu vào trung tâm xã Bảo Thắng. Nước ven các khe, suối vẫn dâng cao khiến người đi đường không ai dám mạo hiểm một mình vượt qua. Không chỉ vậy, đường đến các điểm bản của xã này cũng bị hư hại nghiêm trọng.

Điểm trường bản Xao Va của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Bảo Thắng được xem là nơi khó khăn nhất ở huyện Kỳ Sơn hiện nay. Ở đây có 2 lớp (lớp 1 và lớp 2) do 2 giáo viên phụ trách là thầy Xồng Bá Dê và Lầu Bá Xỷ. Để vào được điểm bản, họ phải quấn xích vào lốp xe, vừa đi vừa đẩy qua những con dốc dài.

bna _ Bảo Th5.jpeg
Con đường đến điểm trường của giáo viên xã Bảo Thắng. Ảnh: CSCC

“Chúng tôi quen rồi, cứ ai được phân công dạy ở điểm bản này thì đều phải tự chuẩn bị cho mình mỗi người 2 dây xích để quấn vào lốp mỗi khi trời mưa. Có thể mọi người sẽ ngạc nhiên, nhưng không phải giáo viên ở đây sẽ không hiểu được đâu. Chỉ có cách ấy mới đưa xe qua được những con dốc dài trơn như người ta đổ mỡ xuống ấy” – thầy giáo Lầu Bá Xỷ chia sẻ.

Không chỉ những thầy giáo có kinh nghiệm lái xe, có sức khỏe mà hiện nhiều giáo viên nữ cắm bản ở vùng cao Nghệ An cũng đang phải vượt qua những cung đường gian nan ấy để đến trường dạy học. Tại điểm bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn), nơi cách trung tâm xã 5 km đường đất thôi, nhưng nhiều giáo viên cắm bản cũng không ít lần ngã nhào trên các đoạn đường trơn trượt. Đây là điểm bản khó khăn nhất hiện nay của xã biên giới Nậm Càn.

Tại bản Nậm Khiên có 2 lớp mẫu giáo của trường mầm non. Cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga và cô Vi Thị Hồng là 2 giáo viên của điểm trường mầm non điểm bản này chia sẻ rằng, mỗi lần trời mưa xuống các cô phải vừa đi vừa đẩy xe. Chỉ 5 km nhưng nếu đi bộ phải mất 2 giờ đồng hồ mới vào đến bản. “Trời mưa các cô cũng không dám đi một mình, phải đi nhờ và hỗ trợ cùng giáo viên nam bậc tiểu học. Quen rồi, cứ mưa là xác định kiểu gì cũng quấn xích vào lốp và bám các thầy mà đi thôi” – cô Vi Thị Hồng tâm sự.

bna _ Bảo Th6.jpeg
Không ít lần các cô giáo điểm bản Nậm Khiên (xã Nậm Càn) ngã trên con đường trơn trượt để đến trường. Ảnh: Đào Thọ

Còn cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga kể rằng, cô từ huyện Anh Sơn lên đây đã được gần 10 năm, cung đường này không phải là xa lạ, nhưng với một phụ nữ như cô thì mỗi lần mưa xuống vẫn là một nỗi ám ảnh. “Không biết bao nhiêu lần ngã lên, ngã xuống, ngã rồi lại dậy đi tiếp. Vào đến điểm trường quần áo cũng dính đầy bùn, chỉ vội vàng lấy bộ quần áo dự phòng ra bận vào rồi lên lớp” – cô Nga ngậm ngùi.

Tiết trời miền biên viễn đang bước vào mùa mưa lũ, con đường đến trường của những giáo viên cắm bản cũng trở nên nhọc nhằn hơn. Nhưng đâu đó trong ánh mắt họ vẫn là tình yêu nghề, yêu trẻ, bám trường, bám bản. Tất cả đều mong muốn gieo những hạt mầm tương lai nơi đại ngàn xứ Nghệ.

Tin mới