'Gieo chữ' giữa sóng gió Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Giữa ngàn khơi nơi xa nhất của Tổ quốc Việt Nam, vẫn có những đứa trẻ bi bô học chữ. Điều đó khẳng định rằng, ở đâu có chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, ở đó có sự nghiệp trồng người.

Ngày hội “trồng người” nơi đầu sóng ngọn gió

Hòa cùng nhịp sống đất liền, sáng 5/9/2023, 4 trường Tiểu học nơi xa nhất của Tổ quốc Việt Nam: Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa, Trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây, Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn và Trường Tiểu học xã đảo Đá Tây (thuộc huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa) đồng loạt khai giảng bước vào năm học 2023-2024.

bna_Trường Tiểu học Đá Tây khang trang giữa bộn bề sóng nước, ảnh Công Qua.jpg
Trường Tiểu học Đá Tây khang trang giữa bộn bề sóng nước. Ảnh: Công Qua

Ngày khai trường của thầy trò Trường Tiểu học Đá Tây cũng vỡ òa trong niềm vui và xúc động của đông đảo cán bộ chiến sĩ và ngư dân trên đảo Đá Tây. Giữa bộn bề sóng nước đảo chìm Đá Tây A, tiếng học trò đồng thanh đọc chữ A, O dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Công Qua. Thầy Qua cho biết thêm, điểm trường Đảo Đá Tây A tuy mới, nhưng có đầy đủ cơ sở vật chất trang bị học tập. Năm học 2023-2024, thầy trò quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy và học.

Sau nghi thức khai trường, thầy giáo Nguyễn Công Qua cùng các em học sinh bắt tay vào học tập. Trên nền bảng màu xanh, thầy Qua đưa nét phấn viết chữ O, chữ A bài “Tập đọc lớp 1” trong cảm xúc vô bờ. Nhìn các em học sinh ngây thơ vẽ từng nét chữ, ký ức ngày đầu tiên đến trường của tuổi ấu thơ ùa về trong tim thầy giáo trẻ: “Ngày khai giảng, em luôn có cảm giác tự hào và xúc động. Tất cả với em bây giờ là dạy học. Đó là niềm đam mê, là khát vọng của em”, thầy Qua chia sẻ.

bna_Thầy giáo Nguyễn Công Qua trong giờ dạy học ngay sau khai giảng, ảnh Nguyễn Ninh.jpg
Thầy giáo Nguyễn Công Qua trong giờ dạy học ngay sau khai giảng. Anh: Nguyễn Ninh

Anh Lê Xuân Việt - cư dân đảo Đá Tây A cho hay: “Tôi có hai con, cháu lớn năm nay 11 tuổi, còn cháu thứ hai 8 tuổi, tất cả đều là học sinh của thầy Qua. Thầy rất trách nhiệm trong dạy dỗ, chăm sóc bọn trẻ. Nhờ đó, vợ chồng tôi yên tâm tham gia các hoạt động sản xuất, huấn luyện trên đảo”.

Cũng thời gian này tại đảo Trường Sa Lớn, ngày hội khai trường của thầy trò Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa diễn ra đầy rộn ràng. Ông Trần Quang Phú, thay mặt lãnh đạo UBND thị trấn Trường Sa đánh hồi trống khai trường báo hiệu năm học mới bắt đầu. Thượng tá Phạm Thế Nhương - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa lớn cùng ban chỉ huy đảo đã dự lễ khai giảng và giành nhiều phần quà như sách, vở, cặp, bút gửi tặng các em học sinh.

bna_Lễ khai giảng năm học 2023-2024 ở Thị trấn Trường Sa, ảnh Ban chỉ huy đảo Trường Sa cung cấp.jpg
Lễ khai giảng năm học 2023-2024 ở Thị trấn Trường Sa. Ảnh: Ban chỉ huy đảo Trường Sa cung cấp.

Trong khi đó, lễ khai giảng của Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn cũng diễn ra trang trọng, ấm áp với sự có mặt của đông đủ cán bộ chiến sĩ đảo, phụ huynh học sinh, giáo viên cùng bà con ngư dân. Các em học sinh được tặng sách vở, hoa tươi ngay sau khi tiếng trống trường vang lên giữa bộn bề sóng nước. Trung tá Trần Danh Hoàng - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn cho biết, cán bộ chiến sĩ đảo Sinh Tồn luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi đến việc dạy, học của học sinh xã đảo.

Chị Lữ Kim Cúc - một trong nhiều hộ gia đình có con học tại Trường Tiểu học Sinh Tồn không giấu được niềm tự hào vui sướng: “Năm nay con tui vào lớp 3. Giữa hải đảo xa xôi, con tui vẫn được đến trường học chữ, tui thực sự cảm thấy yên tâm vào chính sách của Đảng và nhà nước. Đảo Trường Sa là quê hương thứ hai của gia đình tui. Ở đây ấm áp tình người lắm. Bộ đội coi nhân dân trên đảo như người thân trong một gia đình và luôn dành cho bà con chúng tui sự quan tâm về vật chất và tinh thần”, chị Cúc giãi bày.

Niềm tự hào suốt đời

Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa những ngày đầu tháng 9 nắng vàng như rót mật. Niềm vui cứ đong đầy trong trái tim thầy giáo trẻ Cao Văn Truyền khi ngày khai trường rút dần khoảng cách. “Cả đêm trước ngày khai trường em thấp thỏm không ngủ được. Cái cảm giác hạnh phúc chen lẫn tự hào, niềm vui cứ chộn rộn trong lòng”, thầy Truyền tâm sự.

“Thầy có thấy vinh dự khi được dạy học ở nơi xa nhất của Tổ quốc?”, tôi hỏi. “Nói thật với anh, được dạy học ở Trường Sa với em là một khát vọng. Em nghĩ rằng đến Trường Sa đã là một vinh dự, được "gieo chữ" nơi xa nhất của Tổ quốc là một vinh dự lớn lao. Cái cảm giác được cống hiến, được xả thân nó tự hào vô cùng. Tình yêu Tổ quốc quên đi nhọc nhằn, khó khăn”, thầy Truyền chia sẻ qua điện thoại từ đảo Trường Sa lớn.

bna_Học sinh Trường Sa, ảnh Mai Thắng.JPG
Học sinh Trường Sa. Ảnh: Mai Thắng

Thầy Truyền chia sẻ thêm, thầy được lựa chọn ra thị trấn Trường Sa dạy học từ tháng 5/2023. Thời gian ở đảo là 5 năm. Đêm đầu tiên ngả lưng trên chiếc giường giữa khí hậu nắng nóng, thầy không sao chợp mắt. Bao câu hỏi đặt ra trong đầu về chuyện dạy học, về thời gian trên đảo, đặc biệt nỗi nhớ đất liền cứ hiện hữu trong đầu. “Nhưng em đã trấn tĩnh được. Cứ nghĩ đến những đứa trẻ và lớp học bên bờ sóng, em cảm giác đời có ý nghĩa. Thực sự những ngày ở Trường Sa, em thấy mình có sự “thức tỉnh”. Hai tiếng Trường Sa, hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng trong tim em”, thầy Truyền nói.

Năm học 2023-2024, quần đảo Trường Sa có thêm một ngôi trường mới giữa ngàn trùng sóng nước. Đó là Trường Tiểu học xã đảo Đá Tây đóng trên đảo Đá Tây A. Đây là ngôi trường được khánh thành giữa năm 2023 và đưa vào sử dụng từ ngày khai trường.

Cũng khát vọng được đem kiến thức của mình gieo chữ cho học sinh nơi đầu sóng ngọn gió, gần 5 năm trước, thầy giáo Nguyễn Công Qua viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học. Ngôi trường đầu tiên mà ở đó thầy Qua được thỏa niềm mong ước "gieo chữ" cho lũ trẻ là Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn. Sau 4 năm “chở đò” bên bờ sóng, thầy Qua được điều sang đảo Đá Tây A tiếp tục dạy học cho 11 học sinh ở đây.

Từ bờ sóng Đảo Đá Tây A, thầy Qua chia sẻ qua sóng điện thoại trong niềm tự hào hãnh diện: “Dạy học ở Trường Sa có thiếu thốn về vật chất nhưng luôn đầy ắp tình yêu thương. Bước vào năm thứ 5 dạy học ở Trường Sa, em luôn có quan điểm rằng, được cống hiến cho Trường Sa là một vinh dự lớn lao".

Bốn ngôi trường hiện diện trên bốn đảo khẳng định rằng, ở đâu có chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, ở đó có sự nghiệp trồng người, ở đâu có người Việt, chữ quốc ngữ Việt hiện diện ở đó.

Càng gắn bó với đảo, càng thấy đời mình ý nghĩa. Các em học sinh ở nơi xa nhất của Tổ quốc không chỉ học chữ quốc ngữ và kiến thức mà được học tình yêu biển đảo của Tổ quốc, có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước. Sự nghiệp giáo dục ở Trường Sa không tách rời điều đó”

Thầy giáo Nguyễn Công Qua - Giáo viên Trường Tiểu học xã đảo Đá Tây

Trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây những ngày này vui như hội mới. Dưới âu tàu hàng chục ghe cá của ngư dân vào “ăn hàng” nạp dầu, sửa chữa. Trên sân cảng hàng trăm cán bộ chiến sĩ tăng cường huấn luyện điều lệnh đội ngũ, phòng thủ bảo vệ đảo. Trong khi đó, thầy trò Trường Tiểu học Song Tử Tây miệt mài với nhiệm vụ dạy - học của năm học mới.

Với khát vọng đem sức trẻ cống hiến cho Trường Sa, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú tình nguyện ra đảo Song Tử Tây dạy học từ tháng 5 năm 2018 sau 2 lần viết đơn tình nguyện. “Được ra Trường Sa dạy học với tôi là thỏa lòng khát vọng. Biển đảo là máu thịt của Tổ quốc. Tôi hy vọng những kiến thức dạy cho các em học sinh, sẽ là một phần nhỏ bé trong sự nghiệp giáo dục cho thế hệ trẻ tại đảo.

Điều kiện giáo dục ở đảo gặp nhiều khó khăn như không có mạng internet, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, một giáo viên phải dạy 5 trình độ sư phạm, tức là dạy từ lớp 1 đến lớp 5, học xoay vòng, nhưng chất lượng giáo dục luôn bảo đảm theo quy trình giáo dục. Tôi nghĩ rằng, "gieo chữ" nơi đầu sóng ngọn gió là một tự hào suốt đời của tôi" - thầy Phú nói.

bna_Những đứa trẻ nơi đảo Sinh Tồn, ảnh Mai Thắng.JPG
Những đứa trẻ trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Mai Thắng

Quần đảo Trường Sa những ngày tháng 9 nắng vàng như “rót mật”. Cái nắng ở “quần đảo bão tố” luôn khắc nghiệt và gió rát mặt quanh năm. Những đứa trẻ bi bô đánh vần, những thầy giáo trẻ lặng thầm gieo chữ khẳng định rằng, ở đâu có chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, ở đó có sự nghiệp trồng người.

Sự nghiệp “gieo chữ, trồng người” ở Trường Sa là tất yếu khách quan của một đất nước có chủ quyền. Điều đó cũng khẳng định rằng, Đảng, nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Đó là chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo không tách rời trong thời kỳ mới”

Thầy giáo Bành Hữu Tình - Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa

Tin mới