Gỡ khó cho thực trạng nông sản sạch 'bí' đầu ra

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp VietGAP, GlobalGAP tạo ra sản phẩm đảm bảo cả về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm là xu hướng tất yếu và được Nghệ An tập trung thực hiện những năm qua. Tuy nhiên, trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chưa phân biệt với sản phẩm “đại trà”

Đầu tư xây dựng nhà màng sản xuất ứng dụng công nghệ cao từ năm 2017, sau thời gian dài tập trung sản xuất các loại dưa lưới, dưa vàng, năm 2022, anh Hồ Quốc Hoàng ở xóm Văn Đông, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu chuyển toàn bộ diện tích sang trồng nho Nhật Bản không hạt. Nếu cây nho chứng tỏ được hiệu quả, tiêu thụ ổn định và giá trị cao, anh Hoàng sẽ đầu tư mở rộng thêm diện tích.

“Tiêu thụ dưa lưới, dưa vàng hiện rất khó khăn. Nguồn cung đã bão hoà vì người trồng dưa quá nhiều, kể cả sản xuất trong nhà màng và sản xuất truyền thống ở ngoài”, anh Hoàng cho biết.

bna_ dưa VG. Ảnh- Phú Hương.jpg
Dưa lưới sản xuất trong nhà lưới của gia đình anh Hồ Quốc Hoàng. Ảnh: Phú Hương

Bất cập lớn nhất là chưa có sự phân biệt rõ ràng về dưa được sản xuất trong nhà màng với dưa trồng ngoài đồng bãi, thậm chí nhiều trường hợp xen lẫn tại chính các cửa hàng thực phẩm sạch, rất khó phân biệt. Chi phí sản xuất cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn nhưng giá bán không khác nhau nên mặc dù năng suất cao hơn nhưng hiệu quả không tăng nhiều. Mỗi năm thu hoạch khoảng 3 tấn dưa, anh Hoàng chủ yếu bán cho các mối khách quen trên địa bàn huyện hoặc gửi vào Vinh, chứ không cố gắng đưa vào hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch. Theo anh, đưa sản phẩm vào hệ thống này vừa đòi hỏi thủ tục rườm rà, vừa bị giảm thu nhập do phải trừ các khoản chiết khấu, khấu hao.

Tuy nhiên, chính vì không có mối tiêu thụ nhất định, lâu dài nên giá bán phập phù. Lúc cao nhất có thể lên tới 40.000 đồng/kg tại vườn nhưng nhiều thời điểm chỉ còn 15.000 đồng/kg, trong khi để có thể hoà vốn, phải bán được với giá 20.000 đồng/kg.

bna_chợ.jpg
Đưa nông sản Nghệ An tham gia các kỳ hội chợ. Ảnh tư liệu: Quang An

Là “vựa rau” của tỉnh, diện tích rau trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu hiện có 640 ha, tuy nhiên trong đó chỉ có 30 ha sản xuất theo quy trình VietGAP, huyện cũng đang bước đầu xây dựng một số diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ, chủ yếu trên cây dứa và rau màu. Theo bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, việc phát triển diện tích sản xuất rau VietGAP rất được huyện quan tâm nhưng còn quá ít so với diện tích rau toàn huyện; khâu tiêu thụ còn khó khăn.

“Thực tế, hầu như chưa có sự khác biệt về giá, chỉ một số diện tích như tại vùng rau của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Minh đã có ký kết hợp đồng tiêu thụ rau và dưa Kim hoàng hậu, giá bán cao hơn, tiêu thụ ổn định hơn. Để làm được điều này, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm ở đây cũng cao hơn nhờ chất đất phù hợp, quá trình sản xuất bà con còn bổ sung thêm phân cá, phân hữu cơ chứ không chỉ hoàn toàn sử dụng phân vô cơ”, bà Vũ Thị Bích Hằng chia sẻ.

Huyện Quỳnh Lưu có cơ chế hỗ trợ 30 triệu đồng/mô hình chi phí làm thủ tục công nhận sản phẩm VietGAP. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích sản xuất VietGAP vẫn còn rất khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

bna_ ảnh bí. Ảnh- Phú Hương.jpg
Huyện Quỳnh Lưu hiện có trên 30 ha rau VietGAP. Ảnh: Phú Hương

Đến nay, trên địa bàn huyện Yên Thành đã xây dựng được 8 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 1 mô hình chế biến theo tiêu chuẩn HACCP. Toàn huyện đã có 21 nhà lưới với diện tích hơn 30.000 m2. Các quy trình sản xuất an toàn được thực hiện trên nhiều đối tượng cây trồng như tiêu chuẩn GlobalGAP ở trang trại cam Thiên Sơn (xã Đồng Thành); tiêu chuẩn VietGAP ở trang trại cam Minh Thành, Đồng Thành, nấm, rau, dưa lưới tại các xã Bảo Thành, Tân Thành, Sơn Thành...

Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện, những năm tới, Yên Thành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, quy trình quản lý tổng hợp sức khỏe cây trồng IPHM... Đồng thời, nhân rộng và phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, chế biến, sơ chế thực phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y.

“Bất cập hiện nay là các sản phẩm VietGAP vẫn chưa thực sự có giá trị vượt trội so với sản phẩm sản xuất đại trà, dẫn đến tâm lý chán nản của người sản xuất. Vì vậy, cùng các giải pháp sản xuất, chúng tôi rất chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhất là với bưởi, cam, dưa lưới. Đặc biệt, ngoài trực tiếp qua các thương lái, chúng tôi còn hướng dẫn nông dân chào bán trên các sàn thương mại điện tử; tập huấn cho nông dân về phương thức quảng bá, phân phối sản phẩm trên môi trường số”, ông Nguyễn Văn Dương chia sẻ.

bna_ cam YT. Ảnh- Phú Hương.jpg
Sản phẩm cam VietGAP tại xã Đồng Thành, Yên Thành. Ảnh: Phú Hương

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 123 ha sản xuất nông nghiệp đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trên 279 ha đủ tiêu chuẩn VietGAP; 26 ha đủ tiêu chuẩn GlobalGAP và 45 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, với phong phú sản phẩm lúa, rau, cam, bưởi, dứa, chè. Việc áp dụng các quy trình VietGAP đã giảm thiểu các mối nguy về an toàn thực phẩm, giảm nguy cơ do thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe con người, môi trường… Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn sạch, an toàn được chú trọng nhưng việc duy trì gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hà – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản cho biết: “Thị trường tiêu thụ là nhân tố ảnh hưởng lớn, quyết định đến thành bại trong sản xuất, nhưng tiêu thụ sản phẩm VietGAP vẫn còn nhiều bất cập. Việc tiêu thụ khó khăn khiến diện tích sản xuất theo hình thức tiên tiến này khó được nhân rộng”. Sản phẩm VietGAP có chi phí sản xuất cao hơn, nhưng giá cả lại hầu như chưa có sự phân biệt với sản phẩm sản xuất theo phương thức đại trà, truyền thống, phổ biến tình trạng “được mùa mất giá”, bị thương lái ép giá; nhiều người sản xuất chưa “mặn mà” đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, phân phối lớn vì những đòi hỏi khắt khe về thủ tục, chứng chỉ; người tiêu dùng cũng chưa thật sự yên tâm, tin tưởng".

bna_ ktra sp. Ảnh- Phú Hương.jpg
Lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản trao đổi tình hình tiêu thụ sản phẩm VietGAP, OCOP với các chủ cơ sở. Ảnh: Phú Hương

Những năm qua, Nghệ An đã tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trong đó ưu tiên chú trọng các sản phẩm VietGAP, sản phẩm OCOP và đem lại những hiệu quả ban đầu khá khả quan. Như kết nối với các địa phương trong cả nước, các doanh nghiệp, tập đoàn thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm, quảng bá thương hiệu, hỗ trợ bao bì nhãn mác, tem truy xuất, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm. Từ đó, từng bước nâng cao thương hiệu sản phẩm, giúp sản phẩm có nguồn tiêu thụ ổn định, giá trị cao và đặc biệt là có sự phân biệt giữa sản phẩm sản xuất đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm với sản phẩm sản xuất đại trà, truyền thống.

Những năm tới, tỉnh tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ, xây dựng các mô hình điểm chuỗi cung cấp nông sản an toàn, nâng cao tỷ lệ sản lượng sản phẩm được kiểm soát. Theo đó, ngoài các giải pháp hỗ trợ chuyển giao quy trình sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, còn tập trung thu hút cá nhân, tổ chức xây dựng điểm thu mua, sơ chế, bảo quản, đóng gói sản phẩm; kết nối liên kết giữa hộ sản xuất VietGAP với doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ thực phẩm chuỗi; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cũng như các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ và giá trị cao cho sản phẩm.

Tin mới