Gốc vững, cây bền - muôn việc sẽ thành công

(Baonghean.vn) - “Chúng khẩu đồng từ” là những gì mọi người kỳ vọng sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 7, khóa XII. Hội nghị lần này, Bộ Chính trị và BCH Trung ương Đảng đã quyết sách những vấn đề hệ trọng của đất nước, liên quan đến sự tồn vong của Đảng, sự phát triển của đất nước, đến cuộc sống của người dân.

Bởi, những vấn đề được đưa ra tại Hội nghị đều có tầm quan trọng đặc biệt, có mối quan hệ mật thiết, có ảnh hưởng tới nhau trong giai đoạn này và nhiều năm sau. Bởi, khi có những con người tốt, khi có đội ngũ cán bộ “xoay chuyển được tình hình” muôn việc sẽ thành công.

Hội nghị Trung ương 7. Ảnh: N.Bắc (Báo Lao Động)
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 7, khóa XII. Ảnh: N.Bắc (Báo Lao Động).
Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII của Đảng diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước, tình hình quốc tế có nhiều cơ hội, nhưng cũng không kém phần thách thức.

Đó là quyết tâm làm trong sạch bộ máy, trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên; “lò” chống tham nhũng đang rừng rực, đang cao trào, đang trở thành xu thế và động lực chung để phát triển, điều này đã nhân lên niềm tin trong nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, với đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Khi đã cắt bỏ được những ung nhọt, bắt được những “con sâu mọt” hại nước, hại dân thì cơ thể của Đảng sẽ phục hồi, sẽ khỏe mạnh, sẽ là điều kiện tốt để đất nước đạt được những thành tựu mới.

Đó là vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế ngày càng được nâng cao, khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tạo động lực thúc đẩy hợp tác thương mại và cải cách kinh tế đất nước.

Đó là lần đầu sau 10 năm kinh tế - xã hội quý I/2018 đạt 7,38%. Một con số quá ấn tượng, được khẳng định bằng việc làm tốt công tác xây dựng Đảng, chống thoái hóa biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương.

Sự quyết liệt tinh gọn bộ máy, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện hành lang pháp lý đã và đang tạo sự chuyển động trong cả bộ máy; tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, cho doanh nghiệp; tạo đà thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng- an ninh, đối ngoại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: N.Bắc (Báo Lao Động)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: N.Bắc (Báo Lao Động)

Nhưng bên cạnh đó còn nhiều thách thức, còn những nguy cơ đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra. Đó là “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và tệ nạn xã hội vẫn còn có những diễn biến phức tạp”.

Rồi cơ chế kiểm soát quyền lực kém cỏi; tham nhũng quyền lực, chạy chức, chạy quyền; tham nhũng chính sách vẫn đang thách thức; những nhóm lợi ích “bắt tay” nhau thao túng mọi lĩnh vực vẫn đang “ém” mình chờ cơ hội. Những nguy cơ ấy ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ; gây hao tổn niềm tin của người dân vào Đảng, gây bất ổn trong xã hội. Những nguy cơ ấy đã và đang rất cần có tư duy mới, quyết sách mới để quét sạch nó, để giải quyết tận gốc cái gọi là “thâm căn cố đế” tồn tại bấy lâu nay.

Các Đề án đặc biệt quan trọng được Hội nghị Trung ương 7, khóa XII thảo luận: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”; “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”; “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”.

Các đề án này có mối quan hệ mật thiết với nhau, có tính lan tỏa cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện. Trong đó, cán bộ là “cái gốc”, là then chốt, có ý nghĩa quyết định đến uy tín, thanh danh của Đảng, đến sự phát triển của đất nước. “Gốc” có vững, thì cây mới bền, mới tốt tươi, nở hoa kết trái, mới cho đời quả ngọt. “Chốt” có chắc, có chặt, mới bịt được những lỗ hổng, mới ngăn chặn được những cái xấu xa, những tệ nạn, những tiêu cực nhăm nhe tấn công bất cứ lúc nào.

Vì thế, yêu cầu đặt ra là phải chăm lo cho “cái gốc”, cho cái “then chốt” ấy bằng những quyết sách; bằng những bước đột phá mang tính lịch sử tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XII.

Khi tính dân chủ, minh bạch trong công tác cán bộ được đảm bảo, khi cán bộ, đảng viên được quản lý, giám sát chặt chẽ, khi quyền lực được giám sát, khi “nhốt” được quyền lực vào trong “lồng quy chế”, khi công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không còn sự can thiệp của những “bàn tay ma”, của những “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”, khi việc đánh giá cán bộ đảm bảo toàn diện, khách quan, đa chiều, thì mới có được một đội ngũ cán bộ tốt, mới có những “cái gốc” vững bền, đảm đương được nhiệm vụ, đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới, xứng với sự tin tưởng và kỳ vọng của nhân dân.

Tin mới