Góp ý giải pháp hạn chế tiêu cực trong đấu giá đất

(Baonghean) - Hoạt động đấu giá nói chung, đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, tiêu cực. Tình trạng phổ biến là nạn “cò đất”; không ít trường hợp việc đấu giá đất chỉ là “diễn”, còn phần đấu giá đã được thỏa thuận trước khi diễn ra phiên đấu giá chính thức.
Quy định nhiều...
Kể từ Luật Đất đai năm 1993, Quyền sử dụng đất (QSDĐ) chính thức được xem là tài sản của tổ chức, cá nhân, được định giá, giao dịch trên thị trường và thực sự đã trở thành nguồn lực kinh tế rất quan trọng, nhất là các địa phương còn quỹ đất lớn. 
Tại Nghệ An, ngay từ rất sớm, các cấp chính quyền tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác khai thác quỹ đất, nhất là Đấu giá quyền sử dụng đất ở. Đặc biệt, kể từ sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực, việc đấu giá quyền sử dụng đất ở đã được thực hiện một cách khá bài bản, chặt chẽ.
Theo số liệu của Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh hiện có 19 tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, tính đến cuối năm 2016 đã thực hiện được 2.382 cuộc bán đấu giá, thu được số tiền chênh lệch so với giá khởi điểm ban đầu là 250 tỷ đồng. Nhìn chung, các tổ chức bán đấu giá tài sản đã thực hiện việc đấu giá tài sản cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Quang cảnh một phiên đấu giá đất ở xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu.
Quang cảnh một phiên đấu giá đất ở xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu.
Tại Văn bản số 4883/UBND-NC ngày 02/11/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường quản lý hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh cũng đã nêu “...thực tế hoạt động đấu giá QSDĐ vẫn còn bộc lộ một số tồn tại như: một số địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện quy định về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản..., chưa thực hiện tốt quy định về việc thông báo công khai lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, vai trò giám sát của UBND cấp huyện chưa nghiêm túc, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định; một số trường hợp niêm yết thông báo việc đấu giá tài sản chưa đầy đủ thông tin, còn tình trạng để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra; có nơi còn có hiện tượng “cò đấu giá”, quân xanh lộng hành, thông đồng, dìm giá hoặc nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất an ninh, trật tự địa phương, thất thoát nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá...”.
Để hạn chế, khắc phục tình trạng này, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã đưa ra nhiều quy định như nghiêm cấm đấu giá viên lợi dụng danh nghĩa trục lợi, thông đồng với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, dìm giá làm sai lệch hồ sơ đấu giá...
Nhưng đáng kể nhất là các quy định mới như: Điều 56: “...người có tài sản thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản..”;
Điều 57: “... Đối với bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản...”. 
Nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện Luật Đấu giá tài sản 2016, ngày 02/3/2018, UBND tỉnh nghệ An đã có Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó đã quy định nhiều nội dung nhằm giảm thiểu tiêu cực trong đấu giá như: Quy định bước giá không thấp hơn 5% giá khởi điểm (Điều 11); quy định tiền đặt trước với đấu giá đất ở cho hộ gia đình cá nhân là 20% giá khởi điểm, với đấu giá đất để thực hiện dự án đầu tư tiền đặt trước từ 5% đến 20% (Điều 14);...
Đặc biệt tại Văn bản số 4883/UBND-NC ngày 02/11/2018, để khắc phục những bất cập, tiêu cực trong đấu giá QSDĐ, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Tư pháp phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đấu giá tài sản; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các hoạt động đấu giá QSDĐ. Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phải chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để hướng dẫn và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất; giao Công an tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự tại các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất. UBND các huyện, thành phố, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền quản lý của mình...
...nhưng vẫn sơ hở
Với các quy định cụ thể nêu trên, phần nào hạn chế được những bất cập, tiêu cực trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất mới vẫn còn nhiều điểm hở, dễ bị lợi dụng.
Bên ngoài khu vực đấu giá, thường có nhiều nhóm người tụ tập với dấu hiệu thông đồng, dìm giá. Ảnh tư liệu
Bên ngoài khu vực đấu giá, thường có nhiều nhóm người tụ tập với dấu hiệu thông đồng, dìm giá. Ảnh tư liệu
Đó là việc công khai thông tin tổ chức đấu giá, các lô đất đấu giá: Các quy định hiện nay yêu cầu phải đăng thông tin lên trang điện tử chuyên ngành, tuy nhiên đến nay đã hơn 2 năm, trang thông tin điện tử này vẫn chưa được Bộ Tư pháp xây dựng xong, mặt khác việc tìm kiếm thông tin đấu giá cụ thể trên một trang thông tin điện tử chung cho toàn quốc đối với đa số người dân là khá khó khăn.
Việc đăng thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương như đã phân tích, với lượng báo chí đồ sộ như hiện nay, tổ chức đấu giá rất dễ dàng “qua mặt” người tham gia đấu giá. Việc niêm yết tại trụ sở UBND xã nơi có tài sản đấu giá cũng rất khó khăn cho những người dân ở các địa bàn khác tìm hiểu thông tin.
Việc giám sát tổ chức đấu giá, theo quy định thì UBND cấp có thẩm quyền sẽ thành lập Tổ giám sát tổ chức đấu giá, tuy nhiên đây là một vấn đề mới, phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực, trách nhiệm và con người. Việc tổ chức đấu giá ngay tại trụ sở của cơ quan đấu giá hoặc địa điểm do cơ quan tổ chức đấu giá ấn định rất khó giám sát, thiếu phương tiện thiết bị phục vụ việc giám sát, khó khăn cho người có thẩm quyền kiểm tra trách nhiệm của Tổ giám sát, phát hiện tiêu cực. 
Quang cảnh một buổi đấu giá đất tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu
Quang cảnh một buổi đấu giá đất tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu
Việc đăng ký đấu giá: theo quy định hiện nay, cá nhân tổ chức tham gia đấu giá nộp hồ sơ và tiền đặt trước cho tổ chức bán đấu giá tài sản, tổ chức bán đấu giá tài sản bán hồ sơ đấu giá, tiếp nhận hồ sơ đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu gia tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 2 ngày. Mặc dù đã có quy định, tuy nhiên sẽ rất khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc giám sát việc trực tiếp nhận hồ sơ của Tổ chức bán đấu giá tài sản và thực tế đã xảy ra tiêu cực, cần phải có giải pháp cho vấn đề này.

Thêm giải pháp hạn chế tiêu cực, tăng thu ngân sách
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, giảm thiểu được tiêu cực, tăng thu ngân sách, chúng tôi đề xuất bổ sung Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 02/3/2018 của UBND tỉnh nghệ An về đấu giá quyền sử dụng đất một số quy định sau:
Một là, bổ sung thêm quy định bắt buộc công khai miễn phí thông tin đấu giá trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An để cơ quan chức năng có thể giám sát trực tuyến, loại trừ việc bưng bít thông tin.
Hai là, cho phép người dân đăng ký, nộp hồ sơ tham gia đấu giá ngay tại trụ sở “Một cửa” của UBND cấp huyện. Đơn vị này có trách nhiệm chuyển lại hồ sơ, tiền trả trước cho Tổ chức bán đấu giá. 
Ba là, mỗi một địa phương cấp huyện nên bố trí một địa điểm đấu giá chung, có đầy đủ trang thiết bị camera giám sát trực tuyến (nếu có thể thì phát trực tuyến trên trang điện tử của tỉnh) để dễ dàng phát hiện tiêu cực khi đấu giá, xác định các đối tượng “cò đất” để có biện pháp xử lý phù hợp.

Tin mới