Hàn Quốc gỡ lệnh cấm: Cơ hội vàng cho lao động Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Dịp này, 3 địa phương của Nghệ An là Nghi Lộc, Cửa Lò, Hưng Nguyên từng bị cấm đưa lao động sang Hàn Quốc vừa nhận được công văn đồng ý tuyển dụng phía bạn. Đây là những tín hiệu vui cho lao động Nghệ An trước một thị trường đầy tiềm năng như Hàn Quốc.

Cơ hội của lao động Nghệ An

Trung tâm Lao động ngoài nước vừa có Công văn số 1064/ TTLĐNN-TCLĐ về việc phối hợp tổ chức tuyển chọn người lao động theo Chương trình EPS đợt 1 năm 2024. Theo đó, Nghệ An là 1 trong 4 tỉnh có các địa phương từng bị cấm nay được gỡ lệnh, được phép tham gia tuyển chọn đợt này.

pho-chu-tich-uy-ban-phuong-nghi-hai-tuyen-truyen-tu-van-ve-thi-truong-moi-o-han-quoc-theo-chuong-trinh-eps-6454.jpg
Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Hải Lê Ngọc Minh trao đổi với lao động địa phương về cơ hội tiếp cận chương trình EPS. Ảnh: Thanh Nga

Hàn Quốc sẽ tuyển chọn 15.300 người ở 4 ngành nghề. Trong đó, có 11.200 chỉ tiêu ngành sản xuất chế tạo, gần 900 người ngành nông nghiệp, 200 chỉ tiêu xây dựng và hơn 3.000 vị trí ngành ngư nghiệp. Đây được xem là cơ hội tốt cho lao động ở thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc, Hưng Nguyên khi nhiều năm liên tục họ không có cơ hội được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.

bna-tac-gia-va-lao-dong-4574.jpg
Phóng viên trao đổi với lao động đang học tiếng Hàn Quốc để thi tuyển theo chương trình EPS.

Nhận được thông tin này, huyện Hưng Nguyên đã gửi công văn xuống các xã có đông lao động trong độ tuổi và có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Ông Nguyễn Xuân Hiệp - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hưng Nguyên cho biết: Hiện chúng tôi có 18.000 - 20.000 lao động đang làm việc tại các thị trường châu Âu, châu Á, trong đó có tới 1.000 - 1.200 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo diện du học sinh hoặc E7. Trong năm 2023 nhiều lao động ở Hàn Quốc hết hạn đã trở về địa phương, nhờ thế mà những lao động đang ở nhà có cơ hội được tiếp cận với chương trình này. Ông Hiệp cũng cho biết, hiện có 1.000 lao động của huyện đang đăng ký học tiếng Hàn và định hướng ở Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để kịp làm hồ sơ cho đợt thi tuyển đầu tiên.

Xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên hiện có 500 lao động đang tham gia làm việc ở ngoài nước, trong đó có 60 lao động làm việc tại Hàn Quốc. Ông Nguyễn Văn Quế - cán bộ chính sách xã cho biết: “Đợt này xã có 80 người đang theo học các lớp tiếng Hàn để kịp thi tuyển. Đây là những lao động có tay nghề và đã từng được đào tạo ở nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn, thậm chí có nhiều lao động đã từng làm việc ở các thị trường như Đài Loan, Trung Đông. Địa phương sẽ tạo điều kiện hết mức, tìm các nguồn vốn vay và liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để giúp người lao động có được hành trang tốt nhất”.

Thị xã Cửa Lò từng là địa phương có đông lao động làm việc và cư trú tại Hàn Quốc. Theo thống kê, tại thời điểm tháng 3/2023 có tới 212 lao động của thị xã đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, đến cuối năm, số lao động này đã trở về nước gần hết. Ông Nguyễn Thanh Minh - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Thị xã Cửa Lò cho biết: Bằng nhiều biện pháp trong đó có tuyên truyền, sự phối hợp của phía bạn, đến nay nhiều lao động cư trú bất hợp pháp quê ở thị xã Cửa Lò đã về nước, tạo cơ hội tiếp cận thị trường thu nhập cao này cho lao động ở nhà. Theo khảo sát, hiện thị xã Cửa Lò có gần 2.000 lao động đang có mong muốn được sang Hàn Quốc làm việc.

Cam kết không cư trú bất hợp pháp

1638064408423388904-3076.jpg
Lao động Nghệ An tìm hiểu cơ hội XKLĐ sang các thị trường có thu nhập cao. Ảnh tư liệu của Đình Tuyên

Đến ngày 31/3/2023, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 2.311 người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc, nhiều hình thức vận động lao động về nước theo quy định. Các địa phương trực tiếp làm việc với các gia đình có người lao động, đồng thời không xác nhận hồ sơ và các thủ tục, giấy tờ cần thiết của những lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc khi những lao động này có anh, em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại quốc gia này...

Sau một thời gian kiên trì tuyên truyền, vận động, số lao động bất hợp pháp giảm xuống rất nhiều. Đến cuối tháng 12/2023, 3 địa phương là Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TX Cửa Lò chính thức được Hàn Quốc thông báo được gỡ lệnh cấm. “Những địa phương này được ghi nhận có số lao động cư trú bất hợp pháp thấp hơn 70 người, tỷ lệ hết hạn hợp đồng trở về nước cao”, ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng An toàn lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB&XH cho biết.

Anh Võ Chí Công, ở khối Trung Thành, phường Nghi Hải, TX. Cửa Lò từng lao động ở Hàn Quốc theo diện thương mại tức là thi tuyển trực tiếp với doanh nghiệp phía bạn với thời hạn 1 năm. Công được tuyển dụng ngành xây dựng và có thu nhập khá, nhưng anh vẫn chấp hành nghiêm thời hạn hợp đồng và trở về nước sau 1 năm làm việc ở xứ sở Kim chi. Những ngày đầu năm 2024, nhận được thông tin phía Hàn Quốc tuyển dụng lao động theo chương trình EPS, Công đăng ký ngay và đang tham gia lớp học tiếng Hàn do Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức.

Công cho biết: “Hàn Quốc gỡ lệnh cấm là một sự may mắn với lao động chúng em, và để có được sự trở lại xứ Hàn lần này phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền cho lao động cư trú bất hợp pháp về nước. Thế nên để cho anh chị em mình có cơ hội được đi Hàn sau này, em cam kết sẽ về nước đúng thời hạn”.

Phó Chủ tịch phường Nghi Hải thị xã Cửa Lò - Lê Ngọc Minh cho biết: Hiện địa phương có khoảng 181 người đang cư trú tại Hàn Quốc và hầu hết là những lao động còn trong hợp đồng theo diện du học, hoặc E7 vì thế những lao động thi đỗ trong đợt tuyển dụng EPS tới đây sẽ có những cam kết đặc biệt để đảm bảo thực hiện đúng thời hạn 4 năm 10 tháng theo quy định của hợp đồng EPS.

han-quoc-170470329014827891723-275.jpg
Lao động sang Hàn Quốc theo diện EPS sẽ chịu mức phí thấp và có chế độ đãi ngộ tốt. Ảnh: baochinhphu.vn

Theo Công văn số 1064/ TTLĐNN-TCLĐ về việc phối hợp tổ chức tuyển chọn người lao động theo Chương trình EPS, lao động tham gia kỳ thi tuyển lần này phải là những người chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc. Nếu đã từng cư trú tại Hàn Quốc bao gồm cư trú hợp pháp và bất hợp pháp theo Visa E9 (lao động EPS) hoặc (và) visa E10 (thuyền viên tàu đánh cá) thì thời gian cư trú phải dưới 5 năm; lao động không bị cấm xuất cảnh tại Việt Nam; không có thân nhân đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Trường hợp người lao động đã đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS thì phải về nước đúng hạn hợp đồng. Trong trường hợp từng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách miễn phí xử phạt đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện trình diện để về nước. Trong trường hợp này người lao động phải xuất trình được các giấy tờ chứng minh...

Chương trình đưa người đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS là chương trình phi lợi nhuận được đăng ký hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An là đơn vị duy nhất được Sở Lao động- TB&XH giao thực hiện các nhiệm vụ việc làm tại Nghệ An. Đây cũng là đơn vị duy nhất được Sở Lao động- TB&XH tham gia thực hiện các nhiệm vụ liên quan Chương trình EPS bao gồm tiếp nhận hồ sơ, thu hộ các chi phí theo quy định, cụ thể: Đối với người lao động dự tuyển thi đạt qua kỳ thi, được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn thì chi phí tham gia phải nộp là 630 USD, tức gần 14.700.000 đồng và ký quỹ chống trốn 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi người lao động cư trú.

Tin mới