Hồ Thị Ngọc Hoài: Hồn cố hương trong từng câu chữ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Một sáng Sài Gòn hanh nắng, chị Hoài gọi tôi, chúng tôi về lại góc quán cà phê cũ, chị mang theo cuốn tiểu thuyết “Dòng biên viễn” (NXB Tổng Hợp TP.HCM - Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM - 2022). Cuốn tiểu thuyết lịch sử lần này đánh dấu sự trở lại mới mẻ và đầy đặn cảm xúc lẫn sự khai phá sâu nội tại của chị.

Bút lực dồi dào trong “Dòng biên viễn”

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài.

Nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài.

“Dòng biên viễn” kể lại câu chuyện Ông Chưởng - Nguyễn Hữu Cảnh, danh tướng thời Chúa Nguyễn Phúc Chu. Nhiều tác phẩm đã được các nhà văn khác viết, hầu hết đều tập trung vào tài chinh chiến thao lược của vị danh tướng này theo dòng chảy lịch sử đã ghi lại. Danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh là vị tướng được xem như người mở mang bờ cõi nước Việt: “Lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”. Còn với “Dòng biên viễn” của Hồ Thị Ngọc Hoài lại chọn một lát cắt, một đoạn đời vào lúc Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh nam chinh lần hai đi Nam Vang, Chân Lạp trấn yên dẹp loạn. Sau cuộc bình định giặc gây hấn, ông đóng quân ở Cù lao Sao (nay là An Giang) thì ngã bệnh. Ông cho quân rút về Cù lao Phố (nay là Đồng Nai). Trên đường về, ông mất ở Rạch Gầm (nay là Tiền Giang). Chỉ một quãng đời cuối nhưng Hồ Thị Ngọc Hoài đã khéo léo lồng vào đó một nỗi niềm trung liệt của vị danh tướng. Chỉ khi cạn cùng với cuộc đời, người ta mới bắt đầu soi chiếu cả quãng dài mình đã đi qua, từ đó triết lý nhân sinh của tiền nhân được hậu thế thấu cảm và trọng phục.

Hồ Thị Ngọc Hoài cố tình chọn quãng đời ngắn nhưng là quãng đời đầy sự trăn trở, hoài niệm bao quát cả cuộc đời của nhân vật. Từ đó khai thác câu chuyện theo lăng kính phủ rộng giữa hai miền thời gian xưa - nay. Nếu thời gian trong tiểu thuyết qua kỹ thuật dựng truyện được nới rộng theo chiều dọc thì không gian dù chỉ quẩn quanh trên thuyền nhưng lại được cơi nới theo chiều ngang, thông qua cách viết trần thuật nhân vật.

Có thể thấy sự tinh tế và điêu luyện của nữ nhà văn trong “Dòng biên viễn” một cách rõ rệt qua tuyến nhân vật rất ít, nhưng đầy đặn đời sống trong tiểu thuyết. Mỗi một nhân vật trong tiểu thuyết đều hiện lên rõ mồn một như Ông Chưởng - Nguyễn Hữu Cảnh, Quý Thơm, Anh Tún; hay các nhân vật dàn bao nhưng cũng tượng đủ hình hài cốt cách như Thiếu phụ Cù lao Sao, Vị Phó Tướng, hai người lính hầu… Tất cả những nhân vật đó được dẫn dắt bởi ký ức trải dài tháng năm chinh chiến của vị tướng tài và được vun đắp từ mạch nguồn của chi tiết, tình huống, lời thoại cho đến thông điệp bao trùm tác phẩm, làm nên một tiểu thuyết đau đáu nỗi nước vận nhà nhưng đong đầy cảm xúc thế thời của tiền nhân mở cõi. Câu chuyện xưa nhưng tin chắc vẫn còn đó một bài học cho đến tận hôm nay.

Bằng giọng văn khơi gợi, nhẹ nhàng và tinh cất, với lối hóa thân như nhập hồn cùng nhân vật, song song đó là cách dùng chữ chuẩn xác của một người am tường ngôn ngữ lịch sử, Hồ Thị Ngọc Hoài đem đến một tiểu thuyết trọn vẹn tư tưởng văn học và thấm nhuần thông điệp nhân sinh. Đó là triết lý dụng binh cốt ở việc trọng người tài, trị binh cốt ở lòng thấu tình đạt lý. Nhưng trên hết, bước đường chinh chiến ông đi qua, những trận đánh chiến thắng không làm ông thỏa chí bằng việc an dân mỗi nơi ông đến. Tài thao lược cộng với đức hiếu sinh đã làm nên một thiên anh hùng ca tráng lệ để người đời sau mãi vinh thăng vị Thống suất Chưởng cơ này. Có thể nói, với cách khắc họa nhân vật trong “Dòng biên viễn”, bút lực Hồ Thị Ngọc Hoài dường như được nâng lên một bậc.

Người đàn bà Thung Lam

Tôi hay gọi chị là “Người đàn bà Thung Lam”. Thiệt ra dân trong làng Văn chắc cũng hay gọi thế như tôi, bởi nhắc đến cái tên Hồ Thị Ngọc Hoài, người ta nghĩ ngay đến truyện ngắn “Thung Lam” đoạt giải Nhất trên Báo Văn Nghệ năm 2007. Cô giáo trẻ xứ Nghệ ở Quỳnh Lưu thường dùng những ngày Hè rỗi rãi để trải lòng mình trên trang viết. Ngày đó chị viết ít, viết chậm, thỉnh thoảng mới xuất hiện vài truyện ngắn trên các báo. Đùng một cái, giải thưởng lớn như một ngã rẽ và bước ngoặt đối với chị. Dù chị tâm sự vẫn là Hoài bình thường của làng bản, thung vắng, phấn trắng bảng đen nhưng luôn nhận được sự quan tâm hun đúc của các anh, chị đi trước lẫn bạn văn cùng thời. Thế nhưng, Hoài vẫn là Hoài, thủng thỉnh viết, thong dong sống.

Tôi gặp Hồ Thị Ngọc Hoài lần đầu tiên vào tháng 4/2021 trong kỳ trại sáng tác ở Trung ương cục miền Nam. Chị vẫn đẹp dịu dàng và ít nói. Suốt chuyến xe từ TP.HCM đi Tây Ninh, chị chỉ cười trước những câu chuyện vui mà các bạn văn thi nhau kể. Ai đó gọi tên chị, chị lắc đầu xua tay ngay. Với chị, dường như chỉ có câu chữ mới cho mọi người thấy một Hồ Thị Ngọc Hoài đầy năng lượng sáng tạo, đẵm nỗi đời và an tấc lòng.

Bìa tiểu thuyết “Dòng biên viễn” của tác giả Hồ Thị Ngọc Hoài. Ảnh: Tống Phước Bảo

Bìa tiểu thuyết “Dòng biên viễn” của tác giả Hồ Thị Ngọc Hoài. Ảnh: Tống Phước Bảo

Có một lần chị Hoài nói với tôi, mọi thăng trầm gieo neo đời mình, chị đều suy nghĩ một cách nhẹ nhàng, xem như là thứ trải nghiệm, để hành trang viết của chị thêm dày dặn. Thế nhưng, chị lại thong thả và nhẩn nha với nghiệp viết của mình. Từ 2007 đến tận 2022 chị mới chỉ có 2 tập sách cá nhân là Tập truyện “Đi đến đó” (NXB Lao Động - 2014) và Tập thơ “Lễ hội này” (NXB Lao Động - 2014). Vỏn vẹn thế thôi rồi Hồ Thị Ngọc Hoài lắng lại giữa dòng chảy văn chương.

Nhà văn - Đại tá Nguyễn Minh Ngọc đã nhận xét về Hồ Thị Ngọc Hoài như thế này: “Văn nhân thời nào cũng vậy, mấy ai thuận buồm, xuôi gió. Có điều, đôi khi chính những trắc trở gian truân lại giống như vết thương trên thân cây dó bầu giữa đại ngàn, bởi nhờ đó mà tạo nên trầm kỳ dâng hiến cho đời”. Kỳ thực, người con xứ Nghệ này bôn ba biệt sông Lam để neo đời mình tại đất Sài thành. Thoảng khi ngồi lắng lòng giữa những câu chuyện gieo neo phận người, chị hay nhắc về ký ức xứ quê. Dòng Lam vẫn thao thiết chảy cuộn trong lòng chị, nơi có hình ảnh người cha quẩn quanh đời mình với sóng nước cơ cầu. Tiếng Nghệ vẫn dặt dìu khoan thai trong giọng nói của chị.

Có lúc ở rừng Lò Gò, những buổi sáng tinh sương đàn bướm dập dờn bên đám hoa ngoắt nghẻo, tôi xui chị chụp hình. Tôi lại níu tay chị chạy lại đứng giữa muôn vàn đóa hoa và kêu chị tung váy lên, cười đi, thả dáng đi… Hay một chiều biên giới, hoàng hôn chia hai nửa lên hai đất nước, từ phía mình nhìn về phía bạn, nơi tháp canh tầng 7, chúng tôi nói về nỗi thấm thía của ly hương, của cố xứ. Những lúc ngồi chung giữa giọt cà phê tí tách rơi trong phin, chúng tôi hay kể về ký ức và cười, rồi lại lặng nhìn dòng người hối hả ngoài kia. Hỏi chị quen dần phố xá thị thành này chưa, chị vẫn cười hiền lắc đầu. “Nhưng, chị cũng sống được rồi em”.

Thoảng khi chị cũng về xứ Nghệ. Đứng lặng giữa đất quê mà nghe lòng mình võ vàng một cuộc ruổi rong. Quãng đời này, mấy ai được chọn nơi mình sống. Dòng đời suy cho cùng cũng tựa thể một “dòng biên viễn”. Như chính câu chữ chị viết trong cuốn tiểu thuyết này: “Được thấm trải mưa nắng biên viễn chẳng hổ chí tang bổng hồ thỉ. Đi mãi rồi đâu cũng coi như quê”. Là Ông Chưởng - Nguyễn Hữu Cảnh nói hay chính là tấc lòng của người con xứ Nghệ gởi vào câu chữ. Giữ lấy hồn quê trong từng câu chữ, đó cũng chính là cách con người ta níu mình về lại bản xứ cố hương.

Tin mới