Hướng 'mở' của bản người Thái bên dòng sông Con

(Baonghean.vn) - Nằm bên tả ngạn sông Con, bản Bộng, xã Thành Sơn (Anh Sơn) từng được xem là nơi cách trở, gian nan và thiếu thốn đủ bề. Cuộc sống đang dần đổi thay, đồng bào Thái nơi đây đang nỗ lực giữ gìn nét đẹp văn hóa cổ truyền và làm ăn sản xuất.

“Người bản đã siêng lắm rồi”

Thật sự, chỉ mới nghĩ đến chuyện đi xã Thành Sơn (Anh Sơn), chúng tôi đã không khỏi ái ngại. Bởi đầu năm dương lịch cũng là thời điểm cuối Đông, những cơn mưa dầm dề sẽ khiến con đường vốn “nát như tương” thêm lầy lội và trơn trượt. Suy đoán được ý nghĩ ấy, chị bạn là cán bộ Hội LHPN xã nói: “Chưa được như Quốc lộ 7A nhưng đường về Thành Sơn không còn khó như trước. Anh cứ đi rồi sẽ biết”.

Ảnh: Công Kiên

Đường về bản Bộng, xã Thành Sơn (Anh Sơn) đang được thi công. Ảnh: Công Kiên

Tuyến đường vào vùng nguyên liệu mía Thành - Bình - Thọ của huyện Anh Sơn đang được thi công, đoạn qua xã Thành Sơn vẫn còn khá bề bộn. Nhưng nền đường đã được rải đá, lượng bùn đất đã giảm đáng kể, thuận tiện hơn nhiều đối với người và phương tiện lưu thông.

Rẽ theo chiếc cầu treo qua sông Con, chúng tôi nhanh chóng đặt chân đến bản Bộng, nơi một thời từng gợi ấn tượng xa xôi, cách trở. Nhiều tuyến đường đã được đổ bê tông, những nếp nhà sàn rộng rãi, khang trang làm nên điểm nhấn của không gian bản, làng. Bãi sông phía trước ngút ngàn sắc xanh rau màu, những quả đồi bao quanh mướt mát nào keo, nào mét...

Ảnh:
Cầu treo bắc qua  dòng sông Con, sang bản Bộng, xã Thành Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang Dũng

Vị “thủ lĩnh” bản Bộng, ông Vi Văn Dương cho biết: “Thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, bản, bản Bộng giờ đây được gọi theo tên mới là thôn Hùng Thành. Thôn hiện có 241 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu, cơ bản là đồng bào dân tộc Thái, nguồn thu nhập chính là từ vườn rừng và chăn nuôi. Tôi bây giờ là trưởng thôn nhưng bà con vẫn quen gọi là trưởng bản”.

Chúng tôi tìm đến nhà Nghệ nhân dân gian Lô Thị Hương, người được xem là một trong những phụ nữ dân tộc Thái hát làn điệu khắp hay nhất ở Nghệ An. “Mấy năm nay bản Bộng đổi thay nhiều lắm, bà con người Thái đã no ấm, không còn phải lo chạy vạy kiếm cái ăn, cái mặc như trước.

Vì nhà nào cũng có vườn đồi, nuôi nhiều trâu, bò, lợn, gà nên lúc nào cũng có thu nhập. Đường về bản đang được rải nhựa, tết Nguyên đán năm nay sẽ có đường mới, không còn cảnh bùn lầy, chắc chắn sẽ vui hơn rất nhiều” - bà Hương nói.

Ảnh: Công Kiên

Một góc bản Bộng, xã Thành Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Công Kiên

Cũng theo nghệ nhân Lô Thị Hương, trước đây bà con bản Bộng thường quan niệm chỉ làm “vừa đủ”. Nghĩa là trồng lúa, làm rẫy và chăn nuôi lợn, gà chỉ cần đủ dùng cho nhu cầu lương thực, thực phẩm của gia đình; nuôi trâu, bò chỉ cần đủ nhu cầu cày, kéo. Cho nên, khi không may mùa màng thất bát, gia súc, gia cầm dịch bệnh nhiều hộ lâm cảnh trắng tay, thiếu đói vì không có nguồn thu nhập dự phòng.

Nay thì khác, người bản đã “siêng” lắm rồi, biết cách chăm sóc ruộng lúa, nuôi nhiều gia súc, gia cầm, cái tay không mấy khi ngơi nghỉ. Đồi rừng trước kia cây dại phủ kín, nay các hộ thi nhau trồng keo, chu kỳ 4 - 5 năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chị em phụ nữ triển khai nhân rộng mô hình vườn rau sạch, vừa chủ động nguồn thực phẩm, vừa có thêm thu nhập hàng ngày.

Nhờ đó, nhiều gia đình đã làm được nhà đẹp khang trang, mua sắm tiện nghi phục vụ đời sống sinh hoạt, cho con trẻ học hành đến nơi đến chốn. Đồng thời, đóng góp kinh phí cùng Nhà nước làm đường thôn, bản, các công trình văn hóa, làm đổi thay, khởi sắc bộ mặt của bản xa...

Hướng tới điểm đến lý tưởng

Chúng tôi men theo con đường xuống mép sông Con, xưa kia là bến đò nối đôi bờ tả - hữu. Cây gạo cổ thụ nghiêng mình in bóng xuống dòng sông, xung quanh là nền đất vừa được san ủi bằng phẳng. Các bậc cao niên bản Bộng cho hay, vị trí này thời xưa có ngôi miếu có tên gọi miếu bản Bung (khả năng là cách gọi chệch âm của bản Bộng).

Ảnh: Công Kiên

 Những ngôi nhà sàn khang trang ở bản Bộng sẽ là điểm homestay để đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Ảnh: Công Kiên

Hàng năm, vào giữa tháng 5 và tháng 10 âm lịch, sau mùa lúa, các dòng họ người Thái ở bản Bộng thay nhau làm lễ tế, tạ ơn các vị thần núi, thần sông đã phù hộ ruộng đồng, nương rẫy tốt tươi. Tế lễ xong, bà con dân bản vui hội bên chum rượu cần, cùng nắm tay nhau mở rộng vòng xòe, múa điệu lăm vông quyến rũ.

Qua bao năm chiến tranh ác liệt, miếu bản Bung không được chăm sóc thường xuyên dẫn đến hoang tàn, rồi đổ sập, chỉ còn trong ký ức người già. Mới đây, UBND xã đã vận động bà con bản Bộng và kêu gọi công đức phục dựng ngôi miếu. Kinh phí cơ bản đã được huy động đủ, mặt bằng đã san lấp, sắp tới miếu bản Bung sẽ được phục dựng và tổ chức các nghi lễ năm xưa, góp phần làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú.

Ảnh: Công Kiên

Vị trí phục dựng miếu bản Bung. Ảnh: Công Kiên

Theo ông Đào Anh Tân - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, xã đang xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng ở bản Bộng, dựa trên đời sống và bản sắc văn hóa của đồng bào Thái nơi đây. Bởi bà con bản Bộng vẫn giữ được không gian văn hóa và phong tục, tập quán cũng như nét đẹp văn hóa cổ truyền. Trong đó, phải kể đến văn hóa cồng chiêng, văn hóa ẩm thực và nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Gần đây, nhiều gia đình có điều kiện làm nhà sàn khang trang, có thể làm điểm homestay để đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Miếu bản Bung, và tiến tới nữa là đền Cửa Sông được phục dựng sẽ tạo thêm điểm nhấn để du khách trải nghiệm đời sống văn hóa khi đặt chân đến bản Thái nơi hạ nguồn dòng sông Con.

Ảnh tư liệu: Thái Hiền
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con người Thái ở bản Bộng. Ảnh tư liệu: Thái Hiền

Còn nữa, trước kia giữa bản có một hồ sen khá lớn, nhiều năm nay được dùng canh tác lúa nước. Sắp tới, xã sẽ vận động bà con chuyển sang trồng sen, tạo cảnh quan hấp dẫn để thu hút du khách. Nghĩa là không gian núi rừng xanh tươi, bãi sông thơ mộng, bản, làng trù phú, hồ sen ngát hương chắc chắn là điểm đến lý tưởng...

“Vấn đề quan trọng nhất là đường giao thông cơ bản đã được giải quyết, nguồn thu nhập và mức sống của bà con người Thái ở bản Bộng cũng đang dần được nâng lên. Nếu thực hiện thành công đề án phát triển du lịch cộng đồng vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa thúc đẩy đời sống mọi mặt, diện mạo bản, làng sẽ thêm phần khởi sắc”.

Ông Đào Anh Tân - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn

Tin mới