Khi già làng, trưởng bản tham gia xóa nghèo

(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Anh Sơn ngày càng được nâng cao. Đạt được kết quả này, bên cạnh những chính sách quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, còn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản, ông Bạch Đình Dung  ở bản Cao Vều 3, xã Phúc Sơn luôn thể hiện tốt vai trò của một người có uy tín. Ông Dung cho biết: Toàn bản Cao Vều 3 có 110 hộ, trong đó có đến 53% là hộ nghèo. Thách thức lớn cho một người trưởng bản như ông là làm sao giảm được tỷ lệ hộ nghèo, đưa đời sống của người dân trong bản đi lên.

: Phát huy vai trò trưởng bản ông Bạch Đình Dung ở bản Cao Vều 3 tiên phong đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế.
Phát huy vai trò trưởng bản ông Bạch Đình Dung ở bản Cao Vều 3 tiên phong đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế.

Nghĩ và làm, sau nhiều lần cùng với cán bộ của bản đi học hỏi ở các địa phương khác, nhận thấy cây mía phù hợp với chất đất ở quê mình, ông Dung vận động một vài hộ dân trồng thử. Năm đầu tiên những ruộng mía được trồng đạt năng suất khá, cho thu nhập  50 - 60 triệu đồng/ha. Nhờ vậy mà người dân tin tưởng làm theo. Đến nay toàn bản đã có 24 hộ tham gia trồng mía với diện tích 15 ha.

Ông Lương Văn Kim một người dân trong bản chia sẻ: Từng là hộ nghèo của bản, được ông Dung vận động trồng mía, gia đình tôi đã tập trung sản xuất trên diện tích 1 ha, sau 1 năm đã có thu nhập khá. Từ cây mía và các mô hình phát triển chăn nuôi hàng hóa trong năm 2015, có 10 hộ dân trong bản đã vươn lên thoát nghèo. Mặc dù đời sống của người dân bản Cao Vều 3 còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ những con người hết lòng vì làng, vì bản như ông Dung đã làm cho đời sống người dân nơi đây ngày một cải thiện.

Dưới sự vận động của ông Bạch Đình Dung trưởng bản hiện nay toàn bản Cao Vều 3 đã có 24 hộ dân tham gia trồng mía
Dưới sự vận động của trưởng bản Bạch Đình Dung, toàn bản Cao Vều 3, xã Phúc Sơn (Anh Sơn) có 24 hộ dân tham gia trồng mía.

Ở xã Thành Sơn, là địa phương có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống thì vai trò của già làng, trưởng bản và người có uy tín lại càng quan trọng. Gần 3 năm được bầu là người có uy tín, ông Ngân Văn Chinh ở thôn 6, xã Thành Sơn đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển, đi lên của thôn. Ông Chinh cho hay: Để bà con dân bản noi theo và cùng làm việc tốt, trước hết bản thân tôi gương mẫu trong lối sống, luôn gắn bó tận tâm với công việc của làng bản.

Ông Chính thường xuyên tuyên truyền vận, động bà con thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, bảo tồn và gìn giữ những nét văn hoá của địa phương. Đối với những vụ việc phức tạp, ông Chinh còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các hộ dân để tuyên truyền và trực tiếp vận động từng đối tượng cá biệt. Nhờ vậy, cứ mỗi khi trong bản xảy ra tình trạng xích mích, tranh cãi... nhờ tiếng nói và uy tín của ông Chinh, nhiều vụ việc đã được giải quyết một cách tốt đẹp, thấu đáo.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Anh Sơn có hơn 1.800 hộ với hơn 7.800 nhân khẩu. Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện, phong trào già làng, trưởng bản, người có uy tín làm nhiều việc tốt trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Anh Sơn đã phát triển sâu rộng.

Thường xuyên gần dân, sát dân là việc làm thường xuyên của những người già làng trưởng bản, người có uy tín ở Anh Sơn.
Thường xuyên gần dân, sát dân là việc làm thường xuyên của những già làng, trưởng bản, người có uy tín ở Anh Sơn.

Ông Nguyễn Công Thế -  Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Anh Sơn cho biết: Đội ngũ già làng, trưởng bản đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình, trở thành nòng cốt trong phong trào xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Không chỉ là những tuyên truyền viên đắc lực trong việc chuyển tải hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân cư, họ còn tích cực tham gia cùng chính quyền giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp tại địa phương, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Đến nay, 100% xóm bản trong huyện đã thực hiện nếp sống mới, tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đạt 65 đến 68%. Trong năm 2016 đã có 180 già làng, trưởng bản, người có uy tín đăng ký nhiều việc làm tốt; tham gia thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới…

Huyền Trang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới