Khó triển khai đồng bộ dạy học 2 buổi/ngày ở trường tiểu học vì thiếu giáo viên

(Baonghean.vn) - Chương trình Giáo dục phổ thông mới với bậc tiểu học được xây dựng từ 32 tiết/tuần trở lên cho các khối lớp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện còn nhiều khó khăn, nhất là với những địa phương đang thiếu giáo viên.

Tăng tiết nhưng khó tăng phụ cấp

Con đường đến trường của thầy giáo Lô Văn Kháy – giáo viên đang cắm bản tại điểm trường Xốp Kho, xã Nga My (Tương Dương) dài hơn 30 km. Trong đó, đoạn khó khăn nhất dài khoảng 7 km từ trung tâm xã vào đến điểm trường lẻ, bởi quãng đường này đang là đường đất, đá gồ ghề. Nắng lên, chỉ đi một đoạn đường ngắn, quần áo đã lấm lem bụi đường. Mưa đến, đường lầy lội, ổ voi, ổ gà, thầy cô chủ yếu phải dắt xe đi bộ. Đường xa, điều kiện dạy học khó khăn nên hàng ngày thầy Kháy ở tạm nhà công vụ ngay tại trường. Gặp những tháng trời mưa, có khi 3-4 tuần thầy mới về nhà một lần.

Đồng nghiệp của thầy Kháy là cô giáo Lương Thị Hà, nhà ở ngay trung tâm xã. Mặc dù, việc tăng cường cho điểm trường lẻ được nhà trường thay đổi theo từng năm, nhưng đây đã là năm thứ tư cô Hà xung phong vào dạy ở điểm trường Xốp Kho. Tuy điều kiện so với điểm trường chính còn nhiều vất vả, nhưng cô vẫn tình nguyện vào, vì muốn san sẻ bớt phần việc cho các đồng nghiệp khác.

Nhiều giáo viên ở Trường Tiểu học Nga My tự nguyên tăng tiết để đảm bảo dạy học 2 buổingày.JPG
Nhiều giáo viên ở Trường Tiểu học Nga My tự nguyện tăng tiết để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày. Ảnh: Mỹ Hà

Trường Tiểu học Nga My đang thực hiện mô hình trường bán trú. Tuy nhiên, hiện chỉ có học sinh lớp 3, 4, 5 học ở điểm trường chính. 5 điểm trường còn lại, nơi xa nhất cũng xấp xỉ 20 km. Tính trên toàn huyện Tương Dương, Nga My là 1 trong 2 xã có điều kiện dạy học khó khăn và cách trở nhất.

Ngoài giáo viên cắm bản, lịch dạy của các giáo viên bộ môn như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục cũng rất vất vả. Bởi lẽ, ngoài việc phải đảm nhận đủ số tiết ở các điểm trường chính thì 1 tuần ít nhất các giáo viên sẽ có 3 buổi phải vào dạy ở các điểm trường lẻ. Trong điều kiện đi lại hết sức vất vả, nhưng liên tục nhiều ngày phải đi và về trên tuyến đường dài gần 20 km là một thách thức cho các giáo viên.

Việc duy trì nhiều điểm trường lẻ, trong khi nhà trường chưa đủ giáo viên theo quy định khiến cho việc tổ chức dạy và học ở nhà trường càng khó khăn hơn. Trong khi đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới lại quy định phải dạy 2 buổi/ngày với 32 tiết tuần.

Học sinh tiểu học Trường Tiểu học Nga My.JPG
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tạo điều kiện cho học sinh được phát triển toàn diện. Ảnh: Mỹ Hà

Nói thêm về điều này, thầy giáo Kha Văn Thông – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường chúng tôi có 21 lớp nhưng chỉ có 23 giáo viên, nghĩa là cơ bản chỉ đủ 1,1 giáo viên/lớp. Trong khi đó, nếu dạy học 2 buổi/ngày phải 1,5/giáo viên/lớp và trường đang còn thiếu 5 giáo viên. Hiện tại, nhà trường vẫn duy trì để học sinh học 32 tiết/tuần (theo chương trình 2 buổi/ngày) nhưng việc dạy học hết sức khó khăn và tất cả giáo viên đều phải dạy tăng tiết, tăng buổi. Trước mắt, chúng tôi đang động viên giáo viên dạy thêm giờ, còn kinh phí để chi trả thì đang khó, vì nhà trường không được thu tiền dạy thêm tăng tiết.

Dù điều kiện còn nhiều khó khăn và vẫn đang thiếu giáo viên nhưng huyện Tương Dương là một trong ít các huyện miền núi vẫn duy trì dạy học 2 buổi/ngày, với 32 tiết/tuần dành cho học sinh tiểu học.

Hiện các trường trên địa bàn thực hiện dạy đầy đủ tất cả các môn học và hoạt động theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 4. Riêng với lớp 5, chúng tôi dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2006 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh để chủ động tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, các nhà trường bố trí thêm các hoạt động giáo dục tăng cường, như hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động đọc sách, báo, hoạt động trải nghiệm theo chủ đề của từng tháng, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

ông Thái Lương Thiện – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương

Qua trao đổi, ông Trần Văn Hùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Đàn cho biết: Ở huyện Nghĩa Đàn, nếu tính theo giáo viên định biên (1 giáo viên/1 lớp) toàn huyện đang thiếu 27 giáo viên chủ nhiệm. Trong khi đó, nếu tính đủ giáo viên dạy học 2 buổi/ngày với định biên 1,5 giáo viên/lớp, toàn huyện đang thiếu khoảng 60 giáo viên văn hóa. Chưa kể, huyện cũng đã thiếu nhiều giáo viên tiểu học, giáo viên tiếng Anh và các giáo viên bộ môn.

Giờ học của học sinh Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Nậm Càn - Kỳ Sơn.JPG
Giờ học của học sinh Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Đàn, để duy trì dạy học 2 buổi/ngày với 32 tiết/tuần, huyện đang cùng lúc thực hiện nhiều giải pháp: "Tất cả những trường thiếu giáo viên đang phải hợp đồng thêm giáo viên, thậm chí là giáo viên nghỉ hưu. Bên cạnh đó, với các môn đặc thù, chúng tôi phải bố trí giáo viên dạy liên trường. Thậm chí, ở nhiều trường, Phó Hiệu trưởng cũng phải kiêm nhiệm vai trò chủ nhiệm lớp, dạy văn hóa. Tất cả những giáo viên vượt tiết chúng tôi đang động viên dạy thêm giờ. Ngoài ra, phòng đang tham mưu với huyện để bố trí thêm ngân sách hỗ trợ chi trả lương cho những trường thiếu giáo viên".

Chưa đảm bảo theo chương trình chuẩn

Từ năm học này, việc bố trí số tiết của học sinh tiểu học ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn) có sự khác biệt giữa các khối. Theo đó, với lớp 1 và lớp 2, nhà trường đang tổ chức dạy học 25 tiết/tuần, lớp 3 là 28 tiết/tuần, lớp 4 là 30 tiết/tuần và lớp 5 là 26 tiết/tuần.

Với việc bố trí như hiện nay, thầy giáo Lâm Nguyên Ngọc – Hiệu trưởng cho biết: Trước mắt, nhà trường chỉ đáp ứng được chương trình cứng theo phân phối chương trình và không dạy được các tiết tăng thêm để bổ trợ cho học sinh. Một trong những nguyên nhân chính khiến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nậm Càn gặp nhiều khó khăn bởi nhà trường đang thiếu quá nhiều giáo viên. Trong khi đó, nếu giáo viên dạy thêm giờ lại không có ngân sách để chi trả.

Để bù đắp vào chỗ thiếu hụt cho học sinh, mỗi tuần/1 buổi, nhà trường vận động giáo viên phụ đạo thêm cho học sinh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, đây thực chất là dạy học tự nguyện và không tính vào số tiết thực dạy của giáo viên. Vì thế, việc tính tăng tiết cho giáo viên là khó thực hiện.

Trên toàn huyện Kỳ Sơn, thực tế này xảy ra ở nhiều trường khác, nhất là khi năm học này, toàn huyện có thêm 16 trường tiểu học được công nhận là trường bán trú. Điều đó đồng nghĩa, số tiết dạy của giáo viên tiểu học toàn huyện sẽ giảm (vì các giáo viên được trừ số tiết kiêm nhiệm tổ chức bán trú) và nhu cầu giáo viên của các trường lại càng tăng.

Trong khi huyện chưa kịp bổ sung thêm biên chế thì tình trạng thiếu giáo viên tiểu học sẽ càng trầm trọng, không đủ giáo viên để bố trí đủ 32 tiết/tuần cho các nhà trường.

Ban giám hiệu Trường PT DTBT TH và THCS Nậm Càn kiểm tra việc học ở các điểm trường lẻ.JPG
Ban Giám hiệu Trường PT DTBT TH và THCS Nậm Càn kiểm tra việc học ở các điểm trường lẻ. Ảnh: Mỹ Hà

So với chương trình cũ, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với bậc tiểu học được thiết kế để dạy học 2 buổi/ngày, do đó, số tiết học trong một năm học đều tăng lên. Ngoài các tiết bắt buộc theo quy định, theo hướng dẫn của bộ, học sinh sẽ học thêm các tiết học ngoài chương trình bắt buộc như các tiết hướng dẫn tự học, phát triển tăng cường. Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa, đón con khi các trường sẽ tổ chức bán trú.

Tuy nhiên, tại Nghệ An, dù Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã bước sang năm thứ 4, nhưng số trường tiểu học dạy theo chương trình từ 32 tiết/tuần trở lên chủ yếu chỉ triển khai được các một số huyện, thành, thị vùng đồng bằng như: Đô Lương, Diễn Châu, Nam Đàn, Nghi Lộc, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa, Quỳ Châu, Thanh Chương, Tương Dương…

Một số địa phương còn lại, do thiếu giáo viên, không thực hiện xã hội hóa nên có nhiều trường tổ chức thực hiện chương trình dưới 32 tiết/tuần như: Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn.

Việc không tổ chức được đủ số tiết cho học sinh tiểu học sẽ dẫn đến những thiệt thòi cho học sinh. Nhưng trong bối cảnh toàn tỉnh đang thiếu gần 2.000 giáo viên tiểu học, nếu không thực hiện xã hội hóa hoặc không có ngân sách chi bù cho các nhà trường thì việc thực hiện sẽ không khả thi.

ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo

Câu chuyện thiếu giáo viên cũng không phải diễn ra trong ngày một, ngày hai mà đã dai dẳng nhiều năm nay. Nhưng một khi đã triển khai chương trình mới mà học sinh không được học theo đúng như chương trình đã đề ra sẽ là một trở ngại rất lớn cho các em trong quá trình phát triển toàn diện và dẫn đến bất bình đẳng trong học tập ở các nhà trường, các vùng miền.

Tin mới