Không riêng gì Việt Nam, Pháp 'thủng' quỹ Bảo hiểm từ 20 năm nay

(Baonghean) - Pháp được đánh giá là một trong số những nước có chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tương đối tốt. Tốt ở đây được hiểu theo nghĩa là mức hưởng của người dân cao, chi trả kịp thời và thủ tục nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu đánh giá mức độ cân đối của quỹ BHXH Pháp thì nhiều người sẽ ngạc nhiên: “lỗ thủng” quỹ bảo hiểm của nước này tồn tại trên dưới 20 năm nay và đã dồn lên đến con số 156 tỷ euro. 
» Bội chi Bảo hiểm y tế: Bệnh viện đầu tư khủng, xin 'xuống hạng'
» Bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế: 'Vỡ trận' rồi mới 'chữa cháy'

» Cầm thẻ bảo hiểm y tế đi viện dễ như ... đi chợ

Kỷ lục “bội chi” của BHXH Pháp là 28 tỷ euro (khoảng 700.000 tỷ đồng) vào năm 2010. Con số này được “ghi dấu” như “lỗ thủng lịch sử” của BHXH Pháp và cũng là tiếng chuông gióng lên báo hiệu nguy cơ mất cân đối thu - chi nghiêm trọng, đe dọa tính ổn định của một cơ chế phúc lợi xã hội quan trọng.
Nếu như ở Việt Nam, bảo hiểm y tế là loại hình được nhắc đến nhiều nhất, phổ cập nhất thì ở Pháp, có tới 4 loại hình bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong duy trì chất lượng sống của người dân. Đó là: Bảo hiểm gia đình, bảo hiểm tuổi già, bảo hiểm y tế và Bảo hiểm lao động. 4 loại hình bảo hiểm này “phủ khắp” các đối tượng, lĩnh vực của đời sống.
Nếu quỹ BHXH bị “vỡ”, đồng nghĩa với việc các chính sách phúc lợi xã hội quan trọng nhất sẽ bị tê liệt. Trên thực tế, từ 20 năm trở lại đây, năm nào quỹ BHXH Pháp cũng “vỡ” và Chính phủ Pháp vẫn phải đều đặn “chi bù” để duy trì hệ thống này. 
Biểu đồ so sánh mức vượt quỹ bảo hiểm xã hội Pháp dự kiến và thực tế từ năm 2009  đến năm 2014. 	Nguồn: Le monde
Biểu đồ so sánh mức vượt quỹ bảo hiểm xã hội Pháp dự kiến và thực tế từ năm 2009 đến năm 2014. Nguồn: Le monde
Bộ trưởng Bộ Y tế và các vấn đề xã hội Pháp Marisol Touraine khi nhậm chức đã tuyên bố: Triệt tiêu “lỗ thủng” quỹ BHXH sẽ là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Qua mỗi năm, chỉ tiêu giảm bội chi quỹ lại được đặt ra với hàng loạt các biện pháp kiểm soát, thắt chặt chi tiêu.
Từ sau năm 2010, tình trạng bội chi quỹ BHXH Pháp có dấu hiệu giảm dần. Năm 2016, dự kiến con số vượt quỹ sẽ xuống dưới 10 tỷ euro - cho thấy những nỗ lực cân đối của các cơ quan chức năng đã có hiệu quả rõ rệt. Đó là những biện pháp gì?
Dưới thời Tổng thống Sarkozy, Chính phủ Pháp giảm chi quỹ bằng cách giảm bớt quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Các loại thuốc và dịch vụ y tế được đánh giá là có hiệu năng thấp (dựa trên một bộ tiêu chí của Pháp) sẽ chỉ được hưởng mức thanh toán BHYT hỗ trợ là 15%. Chính phủ của Tổng thống Hollande lại có một biện pháp gây nhiều tranh cãi và được nhận xét là “củ chuối” khi duyệt nâng trần chi tiêu của BHYT thêm 700 triệu euro, góp phần giảm bội chi “trên lý thuyết”.
Liên quan đến việc cân đối các nguồn thu chi cho phúc lợi xã hội, đánh thuế thuốc lá cũng được Pháp tích cực vận dụng. Giá thuốc lá ở Pháp đã nhiều lần tăng trong những năm qua và dự kiến sắp tới đây, Chính phủ nước này sẽ tiếp tục đánh thuế cả thuốc lá cuốn - lựa chọn của những người nghiện thuốc với hầu bao hạn hẹp. Thậm chí năm 2012, Pháp còn có ý định đánh thuế một số sản phẩm bánh kẹo nhưng đã thất bại dưới áp lực của các doanh nghiệp.
Một tấm thẻ bảo hiểm có chip từ được sử dụng ở Pháo. Ảnh: AFP
Một tấm thẻ bảo hiểm có chip từ được sử dụng ở Pháo. Ảnh: AFP
Mặc dù những con số cho thấy xu hướng giảm bội chi quỹ BHXH Pháp khá ấn tượng, song vẫn chưa đủ để làm hài lòng công luận nước này. Bởi theo ước tính của một số cơ quan, số tiền gian lận, trục lợi từ quỹ BHXH mỗi năm trên thực tế vào khoảng 20 tỷ euro, còn cao hơn cả con số bội chi được báo cáo. Thế nhưng qua thẩm định, BHXH Pháp chỉ phát hiện được số tiền vi phạm chưa đầy 1 tỷ euro.
Cơ quan này giải thích rằng số lượng hồ sơ cần thẩm định quá lớn nên khó có thể kiểm tra cụ thể từng trường hợp, chỉ có thể kiểm tra theo xác suất ngẫu nhiên hoặc khi phát hiện dấu hiệu bất thường. Các hình thức gian lận, trục lợi quỹ BHXH ở Pháp cũng rất đa dạng và “tinh vi”: bác sỹ giả mạo chữ ký bệnh nhân vào giấy mời đến khám tại gia, các cơ sở y tế khai khống các dịch vụ kỹ thuật sử dụng hay thậm chí là số km hành trình của xe cứu thương, người tham gia bảo hiểm khai bớt mức thu nhập để được nhận quyền lợi cao mà chỉ đóng mức phí thấp, người lao động xin nghỉ bệnh giả để nhận tiền bảo hiểm,… 
Trong vòng 10 năm qua, các cơ quan chức năng Pháp đã xử lý hàng loạt trường hợp gian lận, trục lợi quỹ song vẫn chỉ như “muối bỏ bể”. Đến nỗi nhiều công ty, tổ chức quyết định bỏ tiền túi thuê các hãng “thám tử” điều tra, bóc mẽ nhiều nhân viên gian lận tiền phúc lợi xã hội. Khoảng 2.600 đối tượng đã bị kết án tù, 2.900 nhân viên trong ngành Y tế phải chịu hình phạt mất quyền chỉ định các dịch vụ khám, chữa bệnh được BHXH chi trả. Thế nhưng bao nhiêu đó vẫn là chưa đủ và theo ước tính thì sớm nhất cũng phải đến năm 2020, quỹ BHXH Pháp mới cân đối trở lại. Tất nhiên, đó mới chỉ là kịch bản khả quan nhất. 
Hải Triều
(Theo báo Pháp)
TIN LIÊN QUAN

Tin mới