Kiên quyết trong xử lý vi phạm nồng độ cồn

(Baonghean) - Người vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông thường bị phạt “hết khung”, có trường hợp không hợp tác hoặc cự cãi với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT)... Đó là thực tế chúng tôi ghi nhận trong một buổi ra quân của Công an thành phố Vinh nhằm xử lý vi phạm nồng độ cồn tại chốt đầu đường Lê Mao kéo dài. 

“Líu lưỡi” vẫn... cãi

Việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông luôn gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, khi uống rượu bia, đặc biệt là những người uống quá nhiều, không làm chủ được hành vi thường gây rối, không hợp tác.

Trước tình hình đó, những người làm nhiệm vụ phải có kinh nghiệm, khéo léo, đồng thời phải cực kỳ bình tĩnh để xử lý. Xác định là vậy, nhưng khi ra thực tế, nhiều cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ vẫn không tránh khỏi bất ngờ với một số trường hợp. 

Chúng tôi theo chân cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ lập chốt tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên đường Lê Mao kéo dài của Công an TP. Vinh trong khung “giờ vàng” (18h - 21h) ngày 11/11. Vì là ngày cuối tuần nên chỉ hơn 30 phút lập chốt, đã có hàng chục trường hợp bị kiểm tra và rất nhiều người trong số đó vi phạm nồng độ cồn, có nhiều trường hợp vượt ngưỡng 0,4mg/l lít khí thở.

Khoảng 19h20, phát hiện một người đàn ông trung niên có biểu hiện uống rượu bia, tổ xử lý đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra.

Kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến đường 46.
Kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến đường 46.

Ban đầu người này tỏ ra rất hợp tác khi xuất trình đầy đủ giấy đăng ký, giấy phép lái xe và bảo hiểm đều mang tên Nguyễn Mạnh H. trú ở phường Hưng Phúc (TP. Vinh). Tuy nhiên, khi CSGT yêu cầu thổi vào máy để đo nồng độ cồn thì H không chấp hành, cãi cự một lúc rồi bỏ xe máy rời đi, buộc lực lượng phải tạm giữ giấy tờ, đưa phương tiện về bãi giữ xe Công an thành phố.

Hay như trường hợp của ông Nguyễn Văn N ở Diễn Châu, điều khiển xe ô tô con biển số 37A 02... Tổ tuần tra phát hiện ông này đi ra từ hướng có nhiều quán nhậu ở khu đô thị mới Vinh Tân, khi tới chốt tuần tra kiểm soát, cảnh sát ra tín hiệu dừng xe và phát hiện hơi thở của ông N nồng nặc mùi rượu.

Thế nhưng khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ông N nhất quyết không thổi vào máy và bảo: “Mới uống với bạn bè dăm bảy chén nên chưa có chi mô các anh ạ, tôi phải vài chai”.

Thiếu tá Trần Đức - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông thành phố Vinh, tổ trưởng tổ tuần tra cho biết: Trước đây, khi chúng tôi mới thực hiện việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, những trường hợp cãi cự, không hợp tác, thậm chí là chống đối diễn ra rất thường xuyên. Đa số viện lý do này nọ như liên hoan, sinh nhật, gặp bạn bè nên có “làm vài chén”.

Nhưng bây giờ, cùng với việc thường xuyên gặp chốt là sự tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nên tình trạng này đã giảm. Thường những trường hợp cãi cự, chống đối thì ở những địa phương khác đến là nhiều.

Tín hiệu tích cực

Sau đợt cao điểm, Đội Cảnh sát giao thông TP. Vinh tiếp tục công khai tổ chức tuần tra xử lý vi phạm về nồng độ cồn theo Kế hoạch 1296 của lãnh đạo Công an TP. Vinh. Bên cạnh đó, các tuyến đường có nhiều quán bia rượu, điểm kinh doanh karaoke trên địa bàn để lập các tổ tuần tra.

Tuy vậy, điều đáng mừng là tình trạng vi phạm giảm hẳn. Trong tháng 11, Đội Cảnh sát giao thông thành phố chỉ phát hiện gần 70 trường hợp vi phạm và có 3 vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia làm bị thương 4 người.

Đó là kết quả rất tích cực, bởi trong tháng 11 có rất nhiều ngày lễ, nên lượng người ăn uống ở các quán rượu, bia rất đông. Và sau khi kết thúc “chầu thứ nhất”, họ thường tiếp tục đến với “chầu thứ 2” là các địa điểm kinh doanh karaoke. Tìm hiểu được biết, hiện nay nhiều người khi uống rượu, bia đã tự giác để xe lại ở các quán khi ra về.

Việc lập chốt thường xuyên ở những “điểm nóng”, nhất là trong những ngày lễ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã làm ý thức của người dân thay đổi ít nhiều.

Cảnh sát giao thông cho người dân biết kết quả đo nồng độ cồn trong khí thở.
Cảnh sát giao thông cho người dân biết kết quả đo nồng độ cồn trong khí thở.

Được biết, để có được kết quả đó, điều quan trọng nhất là cách làm. Thiếu tá Nguyễn Duy Hà - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Vinh cho biết: “Đo nồng độ cồn phải chọn những địa điểm thuận lợi cho quá trình thực thi nhiệm vụ cũng như không làm ảnh hưởng đến hoạt động giao thông. Quá trình làm việc thì cán bộ xử lý phải vừa cương quyết nhưng cũng chú trọng nhắc nhở, tuyên truyền về sự nguy hiểm khi đã sử dụng rượu, bia mà vẫn tham gia giao thông. Từ đó họ còn tuyên truyền lại cho những người khác, có như vậy mới thực sự hiệu quả”.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Công an TP. Vinh tổ chức 5.189 ca với sự tham gia của 15.567 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia phát hiện và lập biên bản 11.558 trường hợp; tạm giữ 4.480 phương tiện; xử phạt 13.931 trường hợp vi phạm, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 7,4 tỷ đồng. Riêng xử lý về nồng độ cồn là 349 trường hợp (trong đó có 10 xe tải, 29 xe con và 310 xe mô tô); tạm giữ 349, tước quyền sử dụng GPLX 298 trường hợp; xử lý nộp Kho bạc Nhà nước 1.125.000.000 đồng. Trong đợt cao điểm vào tháng 9, Công an thành phố đã xử lý và tạm giữ 109 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền nộp Kho bạc Nhà nước 375.500.000 đồng.

Dù đã đạt được kết quả rất tích cực, nhưng theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 210 vụ tai nạn giao thông làm chết 144 người, trong đó có trên 30% số vụ liên quan đến rượu, bia.

Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng Cảnh sát giao thông, những điểm tiêu thụ nhiều bia, rượu mỗi ngày như nhà hàng, điểm kinh doanh karaoke, vũ trường... cũng cần có ý thức trong việc chấp hành các quy định về kiểm soát nồng độ cồn. Khi thấy khách hàng uống quá nhiều rượu bia, đừng vì lợi ích của mình mà làm “hoa tiêu” cảnh báo trước các chốt tuần tra, kiểm soát, bởi như thế là tiếp tay cho tình trạng vi phạm.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức, hợp tác với lực lượng tuần tra kiểm soát, chứ không nên cãi cọ, chống đối rất phản cảm và dễ dẫn đến hiểu nhầm công việc của cảnh sát giao thông. Mọi người nên nhận thức cao việc sử dụng rượu, bia quá nhiều chắc chắn sẽ rất khó, thậm chí là mất kiểm soát được hành vi, phản xạ của mình và nguy cơ gây tai nạn, bị tai nạn giao thông là rất rõ ràng, hậu quả không thể lường trước được.

Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Tin mới