Doanh nghiệp Nghệ An và sự "thanh lọc" trước thềm hội nhập TPP

(Baonghean) - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chuẩn bị được ký kết vào ngày 4/2/2016 và sẽ chính thức có hiệu lực trong năm 2018. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Nghệ An nói riêng cần có sự chủ động tìm hiểu và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để có thể tự tin nhập cuộc vào sân chơi mới với những cơ hội và thách thức đan xen.
Nhận thức từ phía doanh nghiệp
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, khi gia nhập TPP, ngành dệt may trong nước sẽ là một trong những ngành đón nhận nhiều cơ hội khi thuế suất sẽ về mức 0% đối với các mặt hàng chứng minh được xuất xứ nội khối. 
Tuy nhiên, đối với Công ty cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan (Halotexco), đóng tại TP. Vinh, gia nhập TPP chưa hẳn đã đem lại nhiều tác động tích cực như mong đợi. Về mặt nguyên tắc, các thị trường lớn của TPP như Mỹ, Nhật Bản, Canada,… sẽ giảm thuế nhập khẩu về 0%, song hiện sản phẩm sợi của Halotexco chưa tiếp cận được nhiều với các thị trường được đánh giá là khó tính này.
Mỗi năm Halotexco cho ra thị trường khoảng 17.000 tấn sợi, trong đó tiêu thụ trong nước 50% và xuất đi các thị trường nước ngoài 50%. Bạn hàng lớn nhất của công ty là Ai Cập, chiếm khoảng 2/3 tổng sản lượng xuất khẩu, tiếp đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Sudan, El Salvador… Các nước trong TPP như Mỹ, Canada, Malaysia, Peru,… chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong số các đối tác của Halotexco, do đó theo nhận định từ phía công ty, vào TPP chưa hẳn đã mang lại lợi thế cho họ, mà thậm chí còn đặt ra những bài toán cạnh tranh khốc liệt. 
Công nhân Công ty Cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan (Halotexco) vận hành máy kéo sợi.
Công nhân Công ty Cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan (Halotexco) vận hành máy kéo sợi.
Ông Nguyễn Tô Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Halotexco cho biết: “Trong thời gian tới, rất có khả năng các nước ngoài TPP như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vào đầu tư lĩnh vực dệt may tại Việt Nam, trong khi công nghệ dệt, nhuộm trong nước còn kém, chưa xử lý được vấn đề nước thải, môi trường,…, ngành dệt may của Nghệ An nói riêng và của cả nước nói chung sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà, nếu không có sự trang bị đầy đủ và kịp thời. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong bối cảnh sắp sửa hội nhập TPP, tìm cách đổi mới nhân sự, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, nâng cao năng lực đàm phán kinh doanh trong thương mại quốc tế và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp hơn, bắt kịp với xu thế chung của thế giới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tìm cách thiết lập và mở rộng quan hệ với các bạn hàng trong TPP, tìm hiểu các thị trường tiềm năng như Mexico - nơi có nhiều nhà máy dệt lớn cần nguồn cung nguyên liệu ổn định”.
Trong khi đó, ngành mía đường lại được xác định là lĩnh vực chịu rủi ro cao nhất. Hiện nay, với mỗi tấn mía nguyên liệu đầu vào để sản xuất đường, chi phí mà Australia bỏ ra chỉ vỏn vẹn 20 USD, chưa bằng 1/3 chi phí của ngành mía đường Việt Nam.
Do đó, rõ ràng nếu không giải được bài toán hạ chi phí nguyên liệu đầu vào và kéo theo đó là giá thành sản phẩm, khi mở cửa thị trường trong TPP, đường nhập khẩu sẽ đè bẹp ngành đường nội địa, gây hệ lụy tiêu cực cho hàng vạn nông dân thu nhập chủ yếu từ việc trồng mía tại Nghệ An. Đó là còn chưa tính đến việc phải cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, cụ thể là Thái Lan.
Với Công ty CP Mía đường Sông Lam, công ty xác định yếu tố quyết định sự sống còn là vùng nguyên liệu mà hiện đang trải đều ở các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương. Ông Đặng Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho hay: “Sản phẩm đường của Công ty từ trước đến nay chủ yếu phục vụ thị trường trong nước, một phần xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước thách thức hội nhập, không chỉ riêng Công ty CP Mía đường Sông Lam mà các công ty khác của ngành mía đường cả nước phải có những hướng đi mới, mạnh dạn nếu không muốn rơi vào cảnh không thể cạnh tranh với các sản phẩm đường nhập khẩu”.
Băng tải dây chuyền ép mía nguyên liệu của Công ty Cổ phần mía đường Sông Lam.
Băng tải dây chuyền ép mía nguyên liệu của Công ty Cổ phần mía đường Sông Lam.
Cũng theo ông Hùng, bên cạnh hướng xử lý đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, hình thành các cánh đồng mẫu lớn làm điều kiện tiên quyết để áp dụng máy móc và công nghệ hiện đại, thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp để tăng năng suất và hạ chi phí sản xuất cùng giá thành sản phẩm, Công ty CP Mía đường Sông Lam đang nghiên cứu triển khai các phương án nhằm giảm sức ép cạnh tranh, đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, chẳng hạn đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất phân vi sinh, sản xuất cồn y tế, các sản phẩm sau đường,… Tuy nhiên, bên cạnh sự “tự thân vận động”, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng vào sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, mong muốn được Nhà nước dành nhiều sự quan tâm hơn nữa để đẩy nhanh công tác dồn điền, đổi thửa, hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng đường giao thông tại các vùng nguyên liệu,…
Cần thêm nhiều sự hỗ trợ
Thời gian qua, một số sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tổ chức các hội thảo, các chương trình tập huấn để phổ biến kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp, mời đại diện các cơ quan Trung ương về giảng dạy và truyền đạt nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, tiêu biểu như Hội nghị Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Cơ hội và thách thức do Sở Công Thương tổ chức cuối tháng 9 vừa qua với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp nắm rõ, hiểu sâu về những thách thức cũng như cơ hội, cần phải tổ chức nhiều hơn nữa các hội nghị, hội thảo… Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự chủ động nhằm trang bị đầy đủ hơn, hiểu rõ hơn năng lực sản xuất, kinh doanh của mình trước khi bước ra biển lớn để có thể vững vàng trước những con sóng hội nhập.
“Nhiều doanh nghiệp còn tương đối thờ ơ với TPP, cho rằng với quy mô vừa và nhỏ thì sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng mà không hiểu rằng doanh nghiệp càng nhỏ càng đối mặt với nhiều nguy hiểm, và càng cần chuẩn bị sâu hơn, kỹ lưỡng hơn. Rõ ràng khi vào TPP, thương mại hàng hóa thuận lợi sẽ tăng thêm cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng, nhưng song song với đó là nguy cơ bị cạnh tranh và thách thức đối với các doanh nghiệp nội địa, nhất là các lĩnh vực như dược phẩm, mía đường,…
Do đó, các doanh nghiệp rất cần sự vào cuộc hơn nữa từ phía tỉnh nhà trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho họ và cảnh tỉnh họ trước những rủi ro khó lường khi bước vào sân chơi TPP” -  ông Trần Anh Sơn - Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh khẳng định.
Như vậy, có thể nhận thấy yếu tố quyết định vấn đề “tồn tại hay không tồn tại” vẫn nằm ngay chính nội lực của mỗi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong nước nói chung cũng như Nghệ An nói riêng cần từ bỏ thái độ trông chờ, ỷ lại vào sự “bao bọc, nâng đỡ” của Nhà nước mà phải tự lực cánh sinh, tìm ra những giải pháp hữu hiệu, tự thay đổi và thích nghi thông qua những hướng đi mới, những ngành nghề có lợi thế tương đối so với các nước bạn, mở rộng vòng tròn hợp tác, liên doanh với các doanh nghiệp ngoài nước. Một khi làm được điều đó, TPP mới thực sự đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế của chúng ta.
Theo nhận định của ông Trần Anh Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công thương tỉnh, thực trạng hiện nay tại Nghệ An có nhiều doanh nghiệp chưa nhìn nhận đúng những cơ hội và thách thức của TPP, và nếu tiếp diễn tình trạng bị động này, chỉ 5 - 10 năm sau khi TPP có hiệu lực, số doanh nghiệp có thể đứng vững sau cuộc “thanh lọc gắt gao” sẽ không nhiều. 
Cảnh Nam - Thu Giang

Tin mới