Đối tượng, hạn mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng

(Baonghean) - Theo chính sách quy định tại Nghị định 75/2015/NĐ-CP thì đối tượng rừng khoán bảo vệ nào được áp dụng chính sách hỗ trợ? 
- Điều 3, Nghị định 75/CP quy định các đối tượng rừng giao khoán sau được hỗ trợ của Nhà nước gồm: 
a) Diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ;
b) Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên Nhà nước giao cho các công ty lâm nghiệp quản lý;
c) Diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) quản lý.
- Đối tượng và hạn mức nhận khoán bảo vệ rừng được hỗ trợ được quy định ra sao?
- Về nội dung này cũng tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định quy định:
a) Đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng được nhận hỗ trợ gồm:
- Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định, có thực hiện một trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng: bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo vệ rừng;
- Cộng đồng dân cư thôn được giao rừng theo quy định tại Điều 29, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và Điều 54, Luật Đất đai, tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí Thủ tướng Chính phủ quy định, thực hiện bảo vệ rừng được giao hoặc rừng nhận khoán.
b) Hạn mức diện tích rừng nhận khoán được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 3, Điều 3, Nghị định 75/CP tối đa là 30 héc-ta (ha) một hộ gia đình.
- Người nhận khoán được hưởng quyền lợi và có trách nhiệm như thế nào?
Theo quy định của Nghị định 75/CP, người nhận khoán bảo vệ rừng được hưởng các quyền lợi và có trách nhiệm sau:
a) Được hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm;
b) Được hưởng lợi từ rừng và thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước.
- Người giao khoán có trách nhiệm, quyền hạn ra sao?
- Tại Khoản 4, Điều 3 của Nghị định 75/CP quy định người giao khoán, có trách nhiệm và quyền hạn sau:
a) Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, Công ty Lâm nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý đối tượng rừng giao khoán bảo vệ được hưởng chính sách hỗ trợ nêu phần trên thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của chủ rừng theo quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;
b) Lập dự toán, tổ chức kiểm tra, giám sát và thanh toán kịp thời tiền hỗ trợ theo quy định tại Điểm a, Khoản 3 của Điều này cho đối tượng nhận khoán.
Hải Yến (Tổng hợp)
Mọi thông tin về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bạn đọc truy cập tại đây!
TIN LIÊN QUAN

Tin mới