Trên 40 ha lúa hè thu ở Hoàng Mai bị thối rễ

(Baonghean.vn) - Hiện nay, cùng với hiện tượng sâu cuốn lá nhỏ trên lúa, hơn 40 héc ta lúa hè thu – mùa ở thị xã Hoàng Mai bị bệnh thối rễ.

Chị Văn Thị Thanh ở khối 11 cho biết, vụ này gia đình chị trồng 3 sào lúa TBR 225. Nhưng hiện nay, toàn bộ diện tích lúa của gia đình chị Thanh tại đồng cây Bún đều phát triển chậm, nhổ cây lên thấy hiện tượng rễ bị đen, một số gốc bị thối rễ, cây lúa còi cọt, không phân nhánh. 

Ông Lê Hữu Kiên – Giám đốc HTX Đại Liên, nhận định: Có thể do lịch sản xuất vụ hè thu – mùa gấp gáp, nên quá trình phay đất, gốc rơm, rạ chưa đủ thời gian để phân hủy, sinh ra các độc tố khiến cho lúa bị đen rễ, bó rễ, dẫn đến cây lúa kém phát triển, chưa phân nhánh. Hơn nữa, toàn bộ diện tích trên 40 héc ta bị bệnh thối rễ  là vùng sâu sục, luôn đọng nước như đồng cây Bún, đồng Diệc, rục Cầu, rục Nhót, cồn Vạn. HTX Đại Liên đã khuyến cáo đến bà con nông dân tiến hành làm cỏ sục bùn, bón vôi giải độc cho cây lúa phát triển ổn định, ra rễ, rồi tiếp tục phun hóa chất siêu lân bón lá, cho cây lúa phát triển kịp thời.

1
Chị Thanh tiến hành làm cỏ sục bùn theo khuyến cáo của HTX Đại Liên

Đối với hiện tượng sâu cuốn lá nhỏ, HTX cũng lưu ý tới bà con cần thăm đồng thường xuyên, chủ động đưa nguồn nước vào, tích cực chăm sóc, làm cỏ sục bùn, bón các loại phân theo lứa tuổi lúa phát phát triển. Do cây lúa giai đoạn này phát triển mạnh, sâu cuốn lá nhỏ dưới 50 con/m2 chưa nên phun thuốc phòng trừ, còn nếu khi phát hiện mật độ trên 50 con/m2 cần kịp thời phòng trừ theo khuyến cáo của ngành bảo vệ thực vật. Đặc biệt chú ý theo dõi đợt sâu cuốn lá đợt 2 để có phương án phòng trừ, tránh ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ hè thu - mùa.

Cách khắc phục lúa bị thối rễ:


- Tháo cạn nước trên ruộng để loại bỏ nguồn vi khuẩn và hạn chế lây lan.

- Rắc vôi bột (10-15kg vôi/500m2.

- Sử dụng thuốc trừ vi khuẩn: Kasumin, Kasuran, Starner, Sasa,..), phun làm 2 đợt, đợt 2 sau đợt 1 khoảng 1 tuần và phun đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Dừng ngay việc bón phân đạm, tăng cường bón phân có chứa chất Silic, Canxi, tuyệt đối không kết hợp phun phân bón lá có chứa đạm kết hợp với thuốc trừ bệnh. Chỉ bón phân sau khi đã xử lý tốt bệnh, quan sát thấy vết bệnh đã khô hoàn toàn.

- Cần kiểm tra lại ruộng sau khi phun thuốc 3-5 ngày, quan sát kỹ mặt dưới lá lúa nếu thấy các vết bệnh đã khô trắng hoàn toàn và rễ lúa ra trắng thì bệnh đã được khống chế.

Nguyễn Vân

TIN LIÊN QUAN

Tin mới