Nghệ An: 19 làng nghề 'ngắc ngoải'

(Baonghean.vn) - Nghệ An có 146 làng nghề, trong đó hiện có 19 làng nghề, chiếm 13%, hoạt động yếu kém, hoặc đang 'ngắc ngoải'.

máy làm hương đầu tư gần 20 triệu đồng nhưng bây giờ đã bị gỉ sét do không hoạt động thường xuyên. Ảnh: Quang An
Nhiều chiếc máy làm hương tại Làng nghề hương trầm xã Diễn An, huyện Diễn Châu đầu tư hàng chục triệu đồng nhưng bây giờ đã bị gỉ sét do không hoạt động thường xuyên. Ảnh: Quang An

Làng nghề hương trầm ở xóm 3, xã Diễn An, huyện Diễn Châu đã hình thành từ hơn 20 năm. Tuy nhiên, theo thời gian, nghề làm hương dần bị mai một, hiện cả làng nay chỉ đúng còn 1 hộ dân làm công việc này. Hộ dân đó là anh Cao Văn Hoành. Anh thở dài : “Ngày trước, người trong làng tới sơ sở của tôi làm hương nhộn nhịp, lúc đó hương được giá, bà con còn mặn mà với nghề. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, mỗi ngày chỉ được 3 - 4 người tới làm. Nhiều lúc tôi cũng muốn bỏ nghề vì số tiền lãi chỉ đủ chi trả cho tiền công nhân, mua nguyên liệu và cả tiền điện máy...”.

Ông Cao Đức Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn An cho biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc làng nghề làm hương của địa phương dần mai một là do người nông dân đã chọn cho mình những công việc mới có thu nhập cao hơn như xuất khẩu lao động hoặc làm thợ xây, công nhân trong các công ty, nên không còn muốn gắn bó với nghề.

Bên cạnh đó, làm hương phải đầu tư rất nhiều từ máy móc, nguyên liệu, nhân công… trong khi đầu ra chưa ổn định, giá hương còn thấp nên các chủ cơ sở không đủ kinh phí trang trải lâu dài. 

Do không có người làm nên nơi để vật liệu làm hương tại gia đình anh Hoành, xóm 3, Diễn An đầy tơ nhện và bụi bẩn.
Do không có người làm nhiều bao tải đựng vật liệu làm hương tại gia đình anh Hoành, xóm 3, Diễn An bám đầy tơ nhện và bụi bẩn. Ảnh Quang An

Nghề đan lát Đà Lam, xã Đà Sơn (Đô Lương) được UBND tỉnh công nhận làng nghề từ năm 2005. Sản phẩm chủ yếu là tấm phên được đan bằng thân cây nứa, dùng để thưng nhà, che gạch, ngói... Tuy nhiên, từ năm 2010 Chính phủ cấm sản xuất gạch xây dựng bằng lò thủ công, nên nghề đan lát phên ở đây bị mai một, đến nay coi như ngừng hoạt động.

Ông Trần Đăng Văn - Xóm trưởng xóm Đà Lam cho biết: Nghề đan lát bị mai một, người dân trong xóm tự chuyển đổi bằng các nghề như: mộc, tráng bánh đa. Hiện trong xóm có khoảng 30 hộ làm nghề mộc, chuyên đóng trần nhà và 20 hộ làm nghề tráng bánh đa, giải quyết việc làm cho khoảng 250 lao động.

Làng nghề hương trầm ở Diễn Châu hay làng đan lát Đà Lam chỉ là 2 trong số nhiều làng nghề ở Nghệ An đang "ngắc ngoải".

Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 146 làng nghề, với các nhóm nghề: Mây tre đan, dâu tằm tơ, móc sợi, dệt thổ cẩm; gây trồng cây cảnh, mộc dân dụng, chế chu hương, sản xuất hương, chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí, sản xuất gạch ngói.

Tuy nhiên, do yếu tố khách quan và chủ quan, nên có tới 19 làng nghề hoạt động yếu kém, hoặc ngừng hoạt động, như: nghề móc sợi, ươm tơ tằm, sản xuất chu hương, chế biến nước mắm, mây tre đan, đan lát.

Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành nghề đạt 15%/năm, xuất khẩu đạt 285 triệu USD, chiếm tỷ trọng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh.

X.Hoàng - Q.An

TIN LIÊN QUAN

Tin mới