Lan tỏa vai trò gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Chiều 15/8, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội thảo về vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức hội thảo; Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành ủy, các ban, sở, ngành cấp tỉnh cùng đại diện các dòng họ tiêu biểu trong cả nước. Hội thảo được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước; một số địa phương kết nối đến tận xã, phường. Đồng chí Võ Văn Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu Nghệ An; tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, đại diện các ban, sở, ngành, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Hội Khuyến học tỉnh.

xa-hoi-hoc-tap-3-8739_20230815190516.png
Quang cảnh tại điểm cầu Hà Nội.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức hội thảo đề nghị các đại biểu tập trung tham luận về vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, giáo dục truyền thống quý báu của dân tộc thông qua công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập suốt đời trong thời kỳ hiện nay.

Thứ hai, mối quan hệ giữa gia đình học tập với gia đình văn hóa, tổ văn hóa, cộng đồng học tập trong bình xét các danh hiệu thi đua hiện nay. Thứ ba, mối quan hệ giữa phát triển văn hóa gia đình với phát triển văn hóa dân tộc trong thời điểm hiện nay. Thứ tư, các đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo các cấp trong việc quan tâm đến văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ, văn hóa giáo dục trong quá trình phát triển văn hóa dân tộc.

Hội thảo nhận được 72 báo cáo tham luận từ các ban, bộ, ngành Trung ương, từ các tỉnh, các dòng họ, gia đình tiêu biểu về học tập trên cả nước. Các tham luận thấm nhuần các quan điểm chỉ đạo của các chủ trương, các giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tại địa phương, đơn vị.

Nhiều tham luận của các dòng họ như: Họ Dương, họ Vũ, họ Nguyễn... với những cách làm hay về khuyến học, khuyến tài, xây dựng dòng họ học tập và những đóng góp của các dòng họ đối với sự phát triển của địa phương, đất nước. Nhiều tham luận của các gia đình về công tác khuyến học, giáo dục con cháu theo gương cha ông. Có những tham luận về xây dựng gia đình học tập bắt đầu từ xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa là điểm cốt lõi. Các hội khuyến học địa phương đề cao truyền thống hiếu học, nhân rộng mô hình các gia đình, dòng họ tiêu biểu về khuyến học…

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định vai trò, vị trí của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng chí đề nghị hội thảo cần nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn vai trò của gia đình, dòng họ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, cung cấp nguồn lực con người và giữ gìn ổn định xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của đất nước.

Phát triển một xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia. Do đó, cần tăng cường xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, tạo môi trường học tập đa dạng, tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng, khuyến khích tinh thần học tập trong cộng đồng.

Cùng đó, phát triển nền giáo dục có chất lượng, gắn kết mật thiết với thực tiễn, thúc đẩy xã hội học tập cần có sự đóng góp từ mọi tầng lớp trong xã hội, là trách nhiệm của mỗi gia đình, dòng họ, mỗi chúng ta. Mỗi gia đình có trách nhiệm tạo cơ hội học tập cho mọi thành viên trong gia đình để có tri thức, có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường phát triển toàn diện của con người Việt Nam trong tương lai, góp phần phát triển một xã hội hiếu học.

bna_.jpg
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang Minh

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, các địa phương phát huy giá trị văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ, gắn kết hơn nữa giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đó là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người phát triển toàn diện, là mạch nguồn vun đắp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; là nơi kết nối, giao lưu, trao truyền tạo dựng nên hệ giá trị văn hóa dân tộc.

Mọi công dân phải có trách nhiệm với gia đình, xã hội và có quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc trong thời kỳ mới.

Tin mới