Lời hứa: Trách nhiệm, danh dự và niềm tin

(Baonghean.vn) - Lời hứa là một sự xác tín của mình với người khác khi được đề nghị một việc nào đó, hoặc có khi tự mình khơi ra và hứa là sẽ làm một điều gì đó cho người khác. Trong cuộc sống, chắc ai cũng từng hứa hẹn, thậm chí có khi là thề thốt sẽ thực hiện đúng lời hứa.

Có những sự hứa hẹn đơn giản: Làm một việc gì đó, dự một cuộc giao lưu, gặp gỡ bạn bè,... Nhưng cũng có lời hứa rất linh thiêng, trang trọng khi nhận một trọng trách, một sứ mệnh được một cộng đồng hoặc quốc dân tin tưởng trao gửi. Có những lời hứa với những đấng linh thiêng mà mọi người cùng ngưỡng mộ, kính trọng.

Người có trách nhiệm, có lòng tự trọng cao, có nhân cách tốt, trước khi đưa ra lời hứa thường cân nhắc rất kỹ: Lời hứa quan trọng như thế nào? Vì sao phải đưa ra lời hứa? Các điều kiện để thực hiện lời hứa? Làm gì để thực hiện lời hứa?,... Họ nhận thức lời hứa là danh dự, là trách nhiệm của mình. Khi đưa ra một lời hứa đồng nghĩa với việc họ nhận lại một niềm tin, hy vọng. Niềm tin ấy sẽ được nhân lên nếu nó được thực hiện trọn vẹn với lời hứa của chính mình. Ngược lại, một khi niềm tin đã mất thì rất khó tạo dựng lại. Từ nhận thức đó mà họ “nằm lòng”, quyết tâm thực hiện điều mình đã hứa, coi đó là danh dự và trách nhiệm của mình.

Khi ở Pác Bó - Cao Bằng, Bác Hồ sống rất chan hòa với mọi người. Một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác, chạy đến bên Bác thưa:

- Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé!

Bác cúi xuống xoa đầu, nhìn em bé âu yếm và khẽ nói:

- Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn. Khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu.

Hơn 2 năm sau, Bác quay trở về. Ai cũng vui mừng, xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi, lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh, trao tận tay em bé. Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt.

Bác nói:

- Cháu nó dặn mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là "chữ tín". Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người.

Có lẽ trong cuộc đời không phải lúc nào, và ai hứa cũng thực hiện được lời hứa của mình với người khác. Để thực hiện lời hứa, có rất nhiều yếu tố khách quan, chủ quan tác động. Mặt khác, nhịp sống quá nhanh có khi làm cho ta đôi khi quên đi giá trị đích thực của lời hứa. Cho dù đó là lỗi vô tình hay cố ý, thì điều đó cũng dẫn tới nỗi buồn, sự thất vọng cho người khác.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong hệ thống chính trị của ta có những kẻ quyền cao, chức trọng nhưng ngay khi đưa ra lời hứa đã thể hiện chỉ là một thủ tục. Họ không ý thức được rằng lời hứa đối với họ chỉ là lời nói, nhưng đối với người khác là cả một niềm tin, là sự hy vọng. Họ đưa ra những lời nói suông, hình thức. Họ thản nhiên xem lời hứa như một câu cửa miệng, hứa rồi chưa thực hiện, rồi lại hứa, đến mức người ta gán cho là “người họ Hứa”! Cứ hứa mãi, ai cũng nhàm chán. Đến một lúc nào đó sẽ không ai tin lời hứa của họ nữa.

Cũng có những kẻ hứa rồi quên ngay, “đánh trống bỏ dùi”. Hoặc khi được hỏi đến lời đã hứa thì họ đưa ra những “lý do, lý trấu”, đùn đẩy, “thanh minh thanh nga”,... Thực tế là che đậy sự vô cảm, vô trách nhiệm, thiếu tự trọng, thậm chí là sự dối trá!

Giữ chữ tín là phẩm chất cao quý trong đời sống xã hội. Việc bội tín không chỉ làm xấu bản thân mà còn gây tác hại đối với người khác. Nhớ và thực hiện tốt lời mình đã hứa cũng là để hoàn thiện nhân cách của mình. Chữ tín trở thành phạm trù đạo đức trong quan hệ ứng xử. Điều này càng cực kỳ quan trọng đối với những người nắm cương vị lãnh đạo các cấp.

Cha ông ta từng dạy: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, “Mười lần từ chối còn hơn một lần lỗi hẹn”, hoặc có câu ca dao rất hình ảnh: “Nói lời phải giữ lấy lời/ Đừng như con bướm, đậu rồi lại bay”. Còn người phương Tây thì nói thẳng thắn, sòng phẳng: “Tôi không buồn khi bạn lừa dối tôi. Tôi buồn vì từ bây giờ tôi không thể tin bạn được nữa”.

Tin mới