Lời kêu cứu từ 'làng ung thư' ở Tân Kỳ

(Baonghean.vn) - Gần 20 năm nay, ít nhất 30 người dân ở xóm nhỏ đã mất vì căn bệnh ung thư. Số lượng người mắc căn bệnh này đang ngày càng tăng, và hiện trong xóm đang có 7 người phát hiện mình mang bệnh. Lượng người bị ung thư lớn bất thường khiến người dân Hồng Kỳ đang rất hoang mang.

Khánh kiệt vì ung thư

Vài tháng nay, căn nhà nhỏ dựa lưng vào núi của vợ chồng anh Phạm Văn Linh (43 tuổi), xã Nghĩa Phúc, Tân Kỳ”, vắng hoe. Nhà cửa không ai trông coi, cỏ dại mọc chen kín cả lối vào. Trong nhà cũng chẳng còn tài sản gì đáng giá. Vợ anh Linh, chị Nguyễn Thị Hà (38 tuổi), là một trong 7 bệnh nhân bị ung thư ở xóm Hồng Kỳ vẫn đang trong quá trình điều trị.

Anh Linh kể, hơn một năm trước, vợ anh xuống bệnh viện ở TP Vinh chăm chị gái bị ung thư tuyến giáp. Nhân tiện đi khám sức khỏe, cả gia đình mới tá hỏa khi kết quả cho thấy, chị cũng bị ung thư tuyến giáp đã di căn. “Thậm chí, bác sỹ còn kết luận vợ tôi còn mắc bệnh còn trước cả chị gái”, anh Linh nói.

Kể từ đó, chị Hà liên tục phải đến bệnh viện điều trị. Để có chi phí đi lại và chữa trị, mọi tài sản có giá trị trong nhà cũng lần lượt “đội nón ra đi”.

Căn nhà của vợ chồng anh Linh bỏ không nhiều tháng nay. Ảnh: Tiến Hùng
Căn nhà của vợ chồng anh Linh bỏ không nhiều tháng nay. Ảnh: Tiến Hùng

Ở xóm núi nghèo này, cũng như những hộ dân khác, gia cảnh anh Linh chẳng khấm khá gì. Quanh năm chỉ dựa vào ít sào ruộng trồng ngô, trồng sắn. Những ngày nông nhàn, 2 vợ chồng đi làm “thợ đụng”. Tức đụng gì làm nấy. Nhưng kể từ khi vợ mang bệnh, anh Linh cũng đành phải liên tục đưa vợ vượt hơn 100km xuống Vinh điều trị. Tiền đi lại, tiền thuốc men điều trị khiến gia đình anh khánh kiệt.

Khi chẳng còn mối nào để có thể vay mượn được nữa, ở nhà cũng chẳng biết làm gì ra tiền, nửa năm nay, anh Linh quyết định chuyển cả gia đình xuống TP Vinh, thuê một phòng trọ chật hẹp gần bệnh viện để vợ tiện điều trị.

Để có tiền viện phí và sinh sống qua ngày, anh Linh hiện làm bảo vệ cho một công ty. Còn chị Hà, tranh thủ những ngày không điều trị ở viện cũng xin một chân nấu ăn cho công ty này…

Cách nhà anh Linh không xa là căn nhà xập xệ của chị Thái Thị Lý (48 tuổi), - người cũng đang rất lo lắng vì cái hạch lớn ở cổ vẫn chưa được các bác sỹ kết luận là bệnh gì. Chị Lý kể, cái hạch này xuất hiện cách đây khoảng 3 năm, di chuyển khắp cơ thể khiến chị khó chịu, đau đớn. “Cái hạch này bác sĩ nghi bị di căn do ung thư, từ khi chồng mất, tôi cũng quá lo lắng và mệt mỏi nên cứ mặc cho số phận, không muốn đi khám nữa. Nếu trời bắt chết thì cũng phải chịu, tui chỉ thương 3 đứa con, chỉ mới 1 đứa lập gia đình”, chị Lý nói.

Làng Hồng Kỳ buồn thiu sau những cái chết liên tiếp vì ung thư. Ảnh: Tiến Hùng
Làng Hồng Kỳ buồn thiu sau những cái chết liên tiếp vì ung thư. Ảnh: Tiến Hùng

Năm ngoái, chồng chị Lý, anh Trần Văn Nam đưa vợ đi khám ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Thấy cơ thể mình cũng mệt mỏi, nhân tiện đưa vợ đi khám, anh Nam cũng mua phiếu khám và tá hỏa vì bác sĩ thông báo anh bị ung thư gan giai đoạn cuối. Chỉ ít tháng sau, anh qua đời ở tuổi 46. Thấy con trai mất, mẹ anh Nam mới lo lắng nhờ con cháu đưa xuống TP Vinh khám. Bà sau đó cũng được xác định đã bị ung thư gan. 3 tháng sau cái chết của con trai, bà qua đời với cùng một căn bệnh.

Người dân kêu cứu

Xóm Hồng Kỳ nằm cách trung tâm xã Nghĩa Phúc chừng 2km. Xóm nhỏ nằm lọt thỏm trong một thung lũng rộng lớn, được bao quanh bởi những dãy núi nhỏ. Năm 1974, 25 hộ dân ở xã Hồng Long (huyện Nam Đàn), lên Tân Kỳ làm kinh tế. Họ quyết định chọn vùng đất trù phú này làm nơi lập nghiệp.

Xóm Hồng Kỳ ra đời từ đó. Sau 46 năm, đến nay Hồng Kỳ đã có 155 hộ, tuy nhiên đó chỉ là số liệu trên giấy tờ. Còn thực tế, những năm gần đây, đã có không ít hộ vì quá lo sợ bởi “cơn lốc” ung thư càn quét, đã phải chuyển đi nơi khác sinh sống. Một số trường hợp thì sau khi chồng mất, cũng phải gửi con cho ông bà, bỏ lên thành phố làm ăn. Chính vì thế, dạo quanh xóm một vòng, không khó bắt gặp những căn nhà bỏ hoang.

Gần đây, xóm Hồng Kỳ được sáp nhập với 2 xóm khác, đổi tên thành Hồng Phúc. Nhưng cái tên tốt đẹp đấy cũng chẳng thay đổi được số phận của những cư dân trong xóm. Khi mà cứ “dăm bữa nửa tháng”, lại có một người trong xóm bị phát hiện mắc bệnh ung thư. “Cả xóm hầu như nhà nào cũng có người thân bị căn bệnh này. Ngay cả mẹ vợ tôi cũng vừa phát hiện bị ung thư, hiện vẫn đang phải chống chọi với nó”, ông Nguyễn Văn Minh - Bí thư chi bộ xóm Hồng Kỳ nói và cho hay, có một số gia đình, thậm chí trong nhà có đến 3 - 4 người cùng bị ung thư. Gia đình anh Nguyễn Cảnh Lợi là một trong số đó.

Một căn nhà khác cũng bỏ hoang do ung thư. Ảnh: Tiến Hùng
Một căn nhà khác cũng bỏ hoang do ung thư. Ảnh: Tiến Hùng

Anh Lợi bị ung thư và đã mất 3 năm khi mới 34 tuổi. Sau đó ít tháng, bố mẹ anh cũng lần lượt ra đi vì ung thư phổi. Chồng mất, cuộc sống khó khăn, vợ anh Lợi gửi con cho người anh trai chồng chăm sóc rồi ra Bắc làm công nhân mưu sinh. Thậm chí, ở cuối xóm Hồng Kỳ, có một cụm dân cư chỉ vỏn vẹn 9 căn nhà liền kề nhau. Nhưng trong vòng ít năm nay, đã có 8 người chết vì ung thư, một người đang điều trị.

Phần lớn những bệnh nhân ung thư ở Hồng Kỳ đều qua đời ở tuổi còn rất trẻ. Chủ yếu là ung thư gan và phổi. “3 năm trước, một nam thanh niên trong xóm rất cường tráng, nhưng tình cờ đi khám thì phát hiện bị ung thư và qua đời sau đó vài tháng. Cậu ta mất khi chưa tròn 25 tuổi, là con trai một, rất đáng thương. Rồi không lâu sau, một thiếu phụ không chồng sống cạnh đó chỉ mới 28 tuổi cũng mắc ung thư qua đời, để lại đứa con nhỏ bơ vơ”, ông Minh kể.

Người dân cho rằng, nguồn nước chính là nguyên nhân gây ra ung thư hàng loạt. Ảnh: Tiến Hùng
Người dân cho rằng, nguồn nước chính là nguyên nhân gây ra ung thư hàng loạt. Ảnh: Tiến Hùng

Nhiều năm liền làm xóm trưởng Hồng Kỳ, ông Minh đã gần như dự tất cả đám tang trong xóm. Chính vì thế, ông Minh nói rằng, chẳng ai thống kê người bị ung thư chính xác bằng ông. Theo ông Minh, trong gần 20 năm qua, có hơn 30 người dân xóm Hồng Kỳ đã mất vì ung thư. Và còn 7 người trong xóm đang chống chọi với căn bệnh này.

“Đó chỉ là mới thống kê theo kết luận của bác sỹ. Còn theo tôi nghi ngờ thì con số đó có thể hơn nhiều. Vì có một số người vì nhiều lý do, mất mà không biết mình bị ung thư”, ông Minh nói.

Xóm Hồng Kỳ sống quây quần dọc một con suối nhỏ chảy từ huyện Quỳ Hợp xuống. Trong khi đó, nguồn nước người dân sử dụng đều là giếng đào dọc con suối này. Người dân nghi ngờ con suối bị ô nhiễm do tình trạng khai thác quặng từ thượng nguồn ở huyện Quỳ Hợp. Ngoài ra, người dân còn một nhận định khác đó là vùng đất này bị ảnh hưởng do có mỏ thiếc hoặc mỏ chì ở dưới lòng đất.

“Gần 30 năm trước, có một đoàn địa chất về khoan thăm dò. Họ khoan một lỗ rất sâu ở ngay cụm dân cư đầu xóm, nơi khu dân cư sau này có nhiều người bị ung thư. Đoàn này sau đó kể ở dưới có thiếc hay chì gì đó, nhưng đang còn non quá chưa khai thác được. Sau đó không thấy họ quay trở lại nữa”, ông Minh nói và cho hay người dân trong xóm rất buồn vì đến nay vẫn chưa có một đoàn cán bộ hay nhà khoa học nào về Hồng Kỳ để tìm hiểu nguyên nhân khiến người dân trong xóm đồng loạt bị ung thư như vậy.

Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo xã Nghĩa Phúc thừa nhận thiếu sót khi chưa báo cáo lên các cấp về tình trạng xảy ra ở xóm Hồng Kỳ. “Số người mắc bệnh ung thư ở xóm Hồng Kỳ quá bất thường khiến người dân rất hoang mang, lo lắng. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh về kiểm tra, xác định nguyên nhân gây bệnh vì người dân thực sự đang rất lo lắng”, vị này nói.

Tin mới