'Luồng gió mới' trong những tiết học trải nghiệm của cô và trò xứ Nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, các tiết học trải nghiệm được xem như một môn học chính khóa và kỳ vọng sẽ tạo hứng thú cho học trò bởi sự mới mẻ, gần gũi và thiết thực. Vượt lên những khó khăn, nhiều nhà trường cũng đã linh hoạt trong quá trình triển khai.

Linh hoạt trong tổ chức

Những tiết chào cờ ở Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh) nay không còn thực hiện theo hình thức cũ, gói gọn trong việc nhận xét, đánh giá hoạt động trong tuần mà được tổ chức linh hoạt và thú vị hơn. Đây còn được xem là một tiết học trải nghiệm với nhiều nội dung, chủ đề khác nhau, nằm trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Lần gần nhất, kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, học sinh toàn trường đã được đại diện đến từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ về vấn đề bình đẳng giới, về hướng nghiệp, chọn nghề phù hợp với đặc điểm, sở trường bản thân, phù hợp giới và nhu cầu xã hội.

Trước đó, một chương trình về “Phòng chống bạo lực gia đình gắn với tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình” cũng nhận được sự quan tâm của rất nhiều học sinh. Nội dung này nằm trong chủ đề “Trách nhiệm với gia đình” của sách giáo khoa hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho học sinh lớp 10. Sau buổi thực tế này, học sinh viết bài thu hoạch và từ đó hiểu hơn về tác hại của bạo lực, có ý thức phòng chống bạo lực và thực hành ứng xử văn hóa trong gia đình.

Hoạt động ngoại khóa với chủ đề bình đẳng giới của Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh: CSCC

Hoạt động ngoại khóa với chủ đề bình đẳng giới của Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh: CSCC

Năm học này là năm đầu tiên hoạt động trải nghiệm ­- hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai cho học sinh lớp 10. Khác với chương trình cũ, hoạt động trải nghiệm là hoạt động ngoài giờ lên lớp thì nay trở thành hoạt động giáo dục bắt buộc do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện với thời lượng 105 tiết/năm (3 tiết/tuần). Mặc dù bước đầu có những bỡ ngỡ, đến thời điểm này, việc tổ chức dạy học ở các nhà trường cơ bản đi vào ổn định và tạo hứng thú cho học trò.

Ông Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập cho biết: Theo thời khóa biểu, hiện nay một tuần học sinh lớp 10 có 3 tiết trải nghiệm hướng nghiệp. Trong đó, có 1 tiết chúng tôi tổ chức lồng ghép vào tiết sinh hoạt cuối tuần, một tiết tổ chức vào các buổi chào cờ và tiết còn lại giáo viên dạy theo chủ đề ở sách giáo khoa. Trong quá trình dạy, giáo viên có thể sáng tạo điều chỉnh nội dung, hình thức các hoạt động để phù hợp với từng chủ đề, với đối tượng học sinh và điều kiện, năng lực, sở trường của từng giáo viên.

Tiết học trải nghiệm của học sinh Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh: CSCC

Tiết học trải nghiệm của học sinh Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh: CSCC

Tại Trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên), sau gần 3 tháng đưa môn trải nghiệm hướng nghiệp vào dạy học, giáo viên, học sinh đã bắt đầu làm quen và hào hứng với môn học mới và cách học mới. Tại chủ đề đầu tiên của môn học là “Xây dựng nhà trường”, thay vì chỉ học lý thuyết, từng lớp học sẽ dựng một clip giới thiệu về trường. Các clip được chia sẻ trên fanpage và giáo viên sẽ đánh giá kết quả từ những lượt xem, chia sẻ.

Một tiết học khác của cô giáo Hoàng Thị Lan Oanh vừa được triển khai về chủ đề “Trách nhiệm với gia đình” cũng đã được học sinh lớp 10A7 đón nhận một cách thích thú. Ở tiết học này, học sinh được nghe các bài hát về gia đình, được cô giáo bàn luận về vấn đề đạo làm con và một phần của tiết học các em được tranh luận, phản biện về vấn đề trách nhiệm của con cái với ông bà, bố mẹ. Điều bất ngờ ở tiết học này, đó là thay vì né tránh, các em đã dám nói lên suy nghĩ của mình, những sai lầm, tiếc nuối và cả việc thực hiện những lời hứa với bố mẹ, với gia đình.

Khi mới bắt đầu triển khai, giáo viên khá lúng túng vì đây là một môn học mới, cách dạy mở và gắn nhiều với thực tiễn. Bộ môn cũng được dạy kiêm nhiệm, phương pháp dạy như thế nào cho hiệu quả cũng gặp những khó khăn nhất định. Vì thế, trước khi đi vào giảng dạy chính khóa, chúng tôi họp tổ chuyên môn, bàn bạc thảo luận từng chủ điểm, tổ chức các tiết dạy mẫu để giáo viên rút kinh nghiệm. Qua những tiết học đầu tiên, cả giáo viên và học sinh đều hào hứng vì mỗi một tiết học thực sự là một trải nghiệm khác nhau và đem đến nhiều cảm xúc.

Chúng tôi cũng xác định để có một tiết học thành công, giáo viên cần có sự chuẩn bị kỹ trước khi tổ chức hoạt động, luôn linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức và phải lấy học sinh làm trung tâm. Các chủ đề mà chương trình đưa ra cũng rất thiết thực, gần gũi với tuổi học trò.

Cô giáo Lưu Thị Thanh Trà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Lão nói về quá trình tổ chức các tiết học trải nghiệm.

Cần sự đầu tư đồng bộ

Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông) là hoạt động giáo dục bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, nhằm hình thành, phát triển ở học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; đồng thời góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung quy định trong chương trình tổng thể.

Trước đó, khi Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được triển khai, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đã được tổ chức ở các nhà trường. Tuy nhiên, đây chỉ là hoạt động ngoài giờ lên lớp và thường là lồng ghép trong các hoạt động. Tuy nhiên, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm được xem như một hoạt động đặc thù, bắt buộc và có sách giáo khoa hướng dẫn. Qua quá trình thực hiện, dù là một môn học khá mới mẻ nhưng hầu hết các nhà trường đều đón nhận với sự hào hứng và lý thú.

Phiên tòa giả định về tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng chống bạo lực học đường ở Trường THPT Thái Lão. Ảnh: CSCC

Phiên tòa giả định về tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng chống bạo lực học đường ở Trường THPT Thái Lão. Ảnh: CSCC

Gần đây nhất, tại cuộc thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, rất nhiều giáo viên xây dựng các tiết học gắn với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với nhiều chủ đề, nhiều nội dung khác nhau. Các biện pháp tham gia thể hiện sự trăn trở, tâm huyết của giáo viên xuất phát từ chính thực tiễn giảng dạy của các thầy, cô và những vấn đề mang tính chất thời sự; trong đó, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, khuyến khích học sinh chủ động tích cực trong học tập và rèn luyện, phát triển phẩm chất năng lực, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện từng nhà trường và địa phương.

Cô giáo Trần Thị Thủy – giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai (TP. Vinh) cho biết: Chúng tôi phải thiết kế những tiết học này sao cho vui tươi, ý nghĩa và truyền tải được nhiều nội dung thiết thực. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động phục vụ cộng đồng và từng bước hướng nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, phải giúp học sinh phát triển được các phẩm chất và năng lực, giúp các em mạnh dạn, tự tin.

Với sự thay đổi trên, việc đưa các tiết học trải nghiệm - hướng nghiệp vào các nhà trường rõ ràng đã đem đến một không khí mới trong dạy và học. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn có những khó khăn, bất cập. Chia sẻ điều này, cô giáo Lưu Thị Thanh Trà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên) nói thêm: Điều chúng tôi băn khoăn, đó là nếu triển khai hiệu quả và lâu dài thì cần phải có kinh phí để tổ chức các hoạt động sân khấu hóa, phải có cơ sở vật chất đảm bảo để hỗ trợ quá trình dạy học (như ti vi, mạng Internet) và quan trọng hơn là giáo viên được đào tạo chính quy như các bộ môn khác. Thực tế hiện nay chúng tôi đang khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng, tự xây dựng kế hoạch dạy học theo modul của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.

Buổi sinh hoạt lớp với chủ đề Kính yêu thầy cô của cô và trò Trường PT DTBT Tiểu Học Nhôn Mai (Tương Dương). Ảnh: CSCC

Buổi sinh hoạt lớp với chủ đề Kính yêu thầy cô của cô và trò Trường PT DTBT Tiểu Học Nhôn Mai (Tương Dương). Ảnh: CSCC

Để các hoạt động trải nghiệm thú vị, nhiều nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch cho những chuyến học tập thực tế, những chuyến trải nghiệm ngoài nhà trường. Tuy vậy, trong điều kiện hiện nay, không phải nhà trường nào cũng thực hiện được nếu không có sự phối hợp tổ chức chặt chẽ, bài bản, không có sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh. Thực tế này càng khó khăn hơn ở những trường ở vùng sâu, vùng xa và nếu không có nguồn lực, vật lực, không có sự sáng tạo, trách nhiệm của giáo viên thì về lâu dài ý nghĩa thiết thực của môn học sẽ không đạt được mục tiêu đề ra./.

Tin mới