Mang hương vị núi rừng xuống phố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tại Hội chợ Công Thương vùng Bắc Trung Bộ có rất nhiều sản phẩm mang đậm bản sắc của miền núi Nghệ An. Những người mang nông sản nuôi trồng ở núi rừng xuống phố không chỉ để tiêu thụ, mà còn nỗ lực quảng bá sản phẩm  OCOP của quê hương.

Gian hàng giới thiệu nông sản đặc trưng của các huyện miền núi Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương tuy nằm khá xa cổng chính của hội chợ, song lúc nào cũng khá đông khách đến tham quan, mua sắm, tìm hiểu thông tin.

bna_Gian hàng giới thiệu đặc sản Kỳ Sơn tại Hội chợ thương mại vùng Bắc Trung bộ tháng 12.2023 tại TP Vinh.JPG
Gian hàng giới thiệu đặc sản của huyện Kỳ Sơn tại Hội chợ Thương mại vùng Bắc Trung Bộ tháng 12/2023 tại thành phố Vinh. Ảnh: Hoài Thu

Chị Lê Thị Vân - thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống, huyện Kỳ Sơn cho biết, được tham gia hội chợ này, hợp tác xã đã lựa chọn những nông sản đặc sắc và chất lượng nhất của vùng đất Mường Lống và các xã của huyện Kỳ Sơn để giới thiệu đến người tiêu dùng.

Những nông sản này hoàn toàn được nuôi trồng tự nhiên theo hướng hữu cơ, xanh, sạch ở các vùng sản xuất trên núi có độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển như: thịt gà đen, thịt bò giàng chế biến từ bò địa phương, lạp xưởng chế biến từ thịt lợn nít, rau cải, khoai sọ, gừng, bí… và nhiều sản phẩm được người dân các bản thu hái từ núi rừng hoàn toàn tự nhiên như hạt mắc khén, hạt dổi, măng, sâu măng,…

bna_nông sản Mường Lống.JPG
Nông sản của người dân xã Mường Lống (Kỳ Sơn) sản xuất, thu hái từ rừng. Ảnh: Hoài Thu

Đây đều là những sản phẩm được người dân xã Mường Lống và các xã, bản trên địa bàn huyện Kỳ Sơn tự tay nuôi trồng, đảm bảo an toàn thực phẩm và xanh, sạch, giữ được hương vị truyền thống và độ thơm ngon của các sản phẩm.

Cũng giới thiệu những nông sản của địa phương Tương Dương, chị Trần Thị Thảo - thành viên Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh bò giàng Thảo Hảo tham gia hội chợ với gian hàng chủ yếu là các mặt hàng đã sơ chế, chế biến như thịt bò giàng, thịt lợn giàng, ba chỉ lợn xông khói, ớt cay rừng muối, măng rừng muối, gạo nếp nương…

bna_ớt cay mắc khén rừng.JPG
Các sản phẩm ớt cay rừng muối hoặc phơi khô, xay thành bột và hạt mắc khén rừng của người dân huyện Tương Dương. Ảnh: Hoài Thu

“Nguyên liệu để chế biến những sản phẩm này đều được chúng tôi đặt hàng bà con dân bản, những hộ chăn nuôi, trồng trọt các giống cây, con bản địa, với cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ” - chị Trần Thị Thảo cho biết.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao như cà ngọt, măng khô Tam Hợp (Tương Dương). Huyện Con Cuông có sản phẩm cá mát sông Giăng, rượu men lá, rượu cần, thổ cẩm, thịt chua, dưa ống nứa, đồ thủ công mỹ nghệ mây, tre đan. Huyện Anh Sơn có sản phẩm cam bù Kim Nhan, chè gay Cao Sơn, trà xanh Hùng Sơn, thịt gà thảo dược và trứng gà thảo dược Lĩnh Sơn, tinh dầu bưởi Đồng Quê…

bna_Khách mua gà đen Mường Lống.JPG
Chị Trần Thị Thảo giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Hoài Thu

Nhiều sản phẩm đại diện cho vùng cao Nghệ An đến với hội chợ đều đã đạt chuẩn OCOP 3 sao, trong đó, có sản phẩm gừng Kỳ Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý. Từ loại nông sản được trồng trên núi cao, chủ yếu bán sản phẩm thô, hiện nay, gừng Kỳ Sơn đạt OCOP 3 sao với nhiều sản phẩm chế biến sâu như bột gừng, tinh dầu gừng.

Các sản phẩm chế biến từ thịt lợn đen và bò vàng bản địa, loài vật nuôi phổ biến của đồng bào vùng cao như lạp xưởng, thịt bò giàng, thịt lợn giàng cũng là các sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

bna_Các sản phẩm chế biến từ gừng Kỳ sơn.jpg
Các sản phẩm chế biến từ gừng Kỳ Sơn. Ảnh: Hoài Thu

Đến với hội chợ, các cá nhân, cơ sở kinh doanh nông sản không chỉ nỗ lực quảng bá sản phẩm tại các gian hàng. “Tranh thủ thời gian các giờ nghỉ, hoặc thay ca, tôi lại đến các nhà hàng, khách sạn, quán ăn để liên hệ, giới thiệu tiếp thị sản phẩm đặc sản của đồng bào miền Tây. Mỗi lần đến với thành phố là một cơ hội để các sản phẩm bà con làm ra có thể vươn đến các thị trường xa, tiềm năng hơn” - chị Trần Thị Thảo cho biết.

Ông Nguyễn Văn Luân - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn, đóng tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cũng bày tỏ, để có được những sản phẩm giới thiệu đến thị trường, người nông dân vùng cao đã chịu thương, chịu khó dãi nắng, dầm mưa để trồng trọt, chăn nuôi. Vì vậy, các thành viên hợp tác xã đến với hội chợ, đại diện cho “thương hiệu” nông sản của huyện Kỳ Sơn, của vùng cao xứ Nghệ, luôn nỗ lực để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

bna_cơm lam.jpg
Đặc sản cơm lam của người dân xã Mường Lống (Kỳ Sơn) làm từ nếp nương và ống cây giang, có pha thêm màu gấc, màu tím lá cẩm được bày bán tại hội chợ. Ảnh: Hoài Thu

Hội chợ Công Thương vùng Bắc Trung Bộ - Nghệ An năm 2023 có quy mô cấp quốc gia, diễn ra từ ngày 5 - 11/12. Tỉnh Nghệ An có 150 gian hàng trong tổng số 250 gian hàng trưng bày tại đây. Trong đó, số lượng các gian hàng đến từ các huyện miền núi chiếm đa số với nhiều sản vật đặc sắc và chất lượng cao.

Tin mới