Mong muốn của giáo viên Nghệ An gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Ngày hôm nay (15/8), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và cán bộ, giảng viên đại học trên toàn quốc.

Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các Sở Giáo dục và Đào tạo.

bna_Điểm cầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Điểm cầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Chương trình là dịp để Bộ trưởng thông tin về tình hình của ngành, chia sẻ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trong cả nước chuẩn bị cho năm học mới. Đồng thời, qua chương trình, Bộ trưởng lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay; giúp việc định hướng chính sách phù hợp để phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo và thực hiện thành công đổi mới giáo dục và đào tạo.

Tại hội nghị này, cô giáo Nguyễn Thị Thiều Hoa - giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai cũng đã đại diện cho gần 5.000 giáo viên trong toàn tỉnh gửi ý kiến của mình. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thiều Hoa, những năm qua, trong quá trình công tác, đội ngũ giáo viên ở Nghệ An nhận được sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo tỉnh, ngành Giáo dục, sự đồng thuận, đồng lòng của các bậc phụ huynh. Qua đó, giáo viên có nhiều thuận lợi, phát huy được năng lực, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp giáo dục trong tỉnh.

bna_Cô giáo Nguyễn Thị Thiều Hoa - giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai phát biểu tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Cô giáo Nguyễn Thị Thiều Hoa - giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai phát biểu tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, toàn ngành đang triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có nhiều đổi mới nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc và băn khoăn. Trước những khó khăn hiện nay, đại diện cho các thầy giáo, cô giáo tỉnh Nghệ An, cô Thiều Hoa gửi tới Bộ trưởng 3 kiến nghị:

Thứ nhất, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS yêu cầu dạy tích hợp các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, do đó, các giáo viên được đào tạo đơn môn phải tham gia bồi dưỡng chương trình này để dạy được tất cả các môn. Việc bồi dưỡng theo khung chương trình ban hành theo Thông tư số 2454 và 2455 của Bộ cơ bản giúp giáo viên có thể dạy được cả môn tích hợp. Tuy nhiên, để giáo viên tự tin hơn, dạy học hiệu quả hơn, đề nghị Bộ có chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn để tiếp tục có các giải pháp giúp giáo viên ngày càng hoàn thiện hơn, tự tin hơn và dạy học hiệu quả hơn.

Thứ hai, việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới đối với cấp THPT theo lộ trình đến nay đã triển khai tới lớp 11. Tuy nhiên, hiện nay cả giáo viên và học sinh đều chưa rõ phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sẽ như thế nào. Vì vậy, cô Thiều Hoa bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có văn bản hướng dẫn, định hướng về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 và tuyển sinh đại học để giáo viên được biết.

bna_Giáo viên tại điểm cầu Trường PT DTBT Tiểu học và THCS Tân Kỳ theo dõi buổi đối thoại qua hình thức trực tuyến. Ảnh - NTCC.jpg
Giáo viên tại điểm cầu Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tân Kỳ theo dõi buổi đối thoại qua hình thức trực tuyến. Ảnh: NTCC

Thứ ba, theo quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng, đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục và quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Trong khi đó, ngành lại không thể quyết định về tuyển dụng để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cũng như quyết định về tiền lương và phụ cấp để đảm bảo cho giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề và thu hút được người giỏi trở thành giáo viên. Đại diện cho giáo viên Nghệ An mong Bộ trưởng cho biết, sắp tới ngành Giáo dục có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này.

Về ý kiến của của cô giáo Nguyễn Thị Thiều Hoa và nhiều ý kiến khác tại cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những khó khăn mà giáo viên, cơ sở giáo dục đang gặp phải khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó có dạy học tích hợp, liên môn ở cấp THCS.

Theo Bộ trưởng, đây là điểm mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong quá trình thực hiện, có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng.

Bộ trưởng thông tin, trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS theo hướng tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng mong muốn giáo viên cần điều chỉnh cả thói quen trong chuyên môn, nhất là khi với chương trình mới, thầy cô được giao nhiều quyền hơn, chủ động hơn. Nhưng cũng đòi hỏi giáo viên phải có năng lực, kĩ năng mới có thể phát huy được tốt nhất quyền, sự chủ động này.

Trao đổi về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng cho hay, dự kiến quý 4/2023, phương án thi sẽ được công bố.

bna_Điểm cầu tại Trường Đại học Vinh. Ảnh - NTCC.jpg
Điểm cầu tại Trường Đại học Vinh. Ảnh: NTCC

Chiều nay, tại Trường Đại học Vinh, Tiến sĩ Đinh Ngọc Thắng - giảng viên Trường Sư phạm , Trường Đại học Vinh cũng đã nêu ý kiến đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó chú trọng đến nội dung đào tạo và bồi dưỡng giảng viên.

Theo Tiến sĩ Đinh Ngọc Thắng, trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần lồng ghép đào tạo bồi dưỡng truyền thống của dân tộc Việt Nam, trong đó có truyền thống "tôn sư trọng đạo". Việc bồi dưỡng giúp lan tỏa giá trị truyền thống của cha ông trong môi trường sư phạm.

Thứ hai, các chủ trương, quyết sách lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần gắn liền với sứ mệnh của những người đã lựa chọn nghề giáo. Hiện nay, những người lựa chọn nghề giáo đang gặp khó khăn, trở ngại, trong đó, có áp lực nghề nghiệp, áp lực thu nhập. Tuy nhiên, nếu xem sứ mệnh đó là lựa chọn của mình thì các thầy, cô giáo đều có thể vượt qua khó khăn này.

Thứ ba, vấn đề nêu gương nhà giáo cũng hết sức quan trọng. Việc nêu gương phải kịp thời chính xác.

Giảng viên này đề nghị ngành Giáo dục cần tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt cần phát huy truyền thống "tôn sư trọng đạo".

Tin mới