Một kiểu vô trách nhiệm

(Baonghean) - Một số người là trí thức, là cán bộ, thậm chí là cán bộ có phụ cấp lãnh đạo hẳn hoi, nhưng hễ cứ lên Facebook là ca thán, giọng điệu giễu nhại, chê bai... Cứ trông cho có thông tin tiêu cực nào xuất hiện là lập tức bình bàn và cuối cùng thường chửi không chừa một ai...

- Ơ, ông nói đúng đấy. Tôi cũng chơi Facebook, cũng kết bạn với không ít người có vị trí, chức vụ, có người còn có ít nhiều tiếng tăm về năng lực chuyên môn nữa. Ấy thế mà trong số đó có không ít cụ chửi người, chửi đời cứ như hát hay...

- Vấn đề đáng nói ở đây là không dừng lại ở ca thán, hay chê bai, chửi bới... cái xấu, cái ác, cái tiêu cực. Mà hễ có thông tin xấu trên mạng, nhất là thông tin phản ánh về hoạt động của công chức, viên chức, bộ máy..., cho dù thông tin đó không được kiểm chứng, không phải là nguồn đáng tin cậy, có khi chỉ là tin đồn ác ý, có ý đồ “bẩn” của kẻ xấu, nhưng họ vẫn cứ vào bình bàn, tỏ thái độ. Điều này chẳng khác gì chính bản thân họ làm tăng độ tin cậy cho các tin đồn, làm cho tin đồn cứ như là sự thật vậy. Vô cùng tai hại!

-  Đương nhiên, chúng ta cần lên án cái xấu, cái ác, cái tiêu cực. Nhưng bên cạnh đó, cái tốt, cái hay, cái tiến bộ chúng ta cũng phải ghi nhận, phải tạo dư luận tốt cho những điều tốt đẹp được nhân lên. Đã là người cán bộ, đảng viên, lại có chức vụ, thì lại càng phải ý thức rõ hơn về trách nhiệm phát ngôn, về sức ảnh hưởng của lời nói. Vì thế, khen hay chê đều nên khách quan. Cho dù là tài khoản cá nhân trên mạng nhưng nói về mặt tích cực hay tiêu cực đều nên hài hòa.

- Về cái sự chửi, đôi khi tôi thấy rất hài.

- Là sao?

- Nếu họ là người có trách nhiệm thật sự, thì họ nên vào cuộc. Cần có sự nhìn nhận, phân tích thấu đáo. Sẽ là tuyệt vời hơn nếu họ đưa ra được các ý kiến, các giải pháp, các đề xuất kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, để ngăn chặn tiêu cực hoặc để rút kinh nghiệm cho lượt khác, người khác.

- Đúng vậy! Hình như họ tưởng cứ chửi là có trách nhiệm. Ừ thì chửi cái dở, cái tiêu cực, thì là có trách nhiệm thật. Nhưng chỉ “ăn rồi ngồi chửi”, rồi lâu dần thành phản ứng cực đoan đối với mọi sự việc, mọi hiện tượng... thì lại là một biểu hiện vô trách nhiệm. Bởi, nếu thật sự là người có trách nhiệm thì anh phải ý thức về sự ảnh hưởng của mỗi phát ngôn đối với cộng đồng. Bản thân anh đã không ra tay ngăn ngặn được tiêu cực, thì đừng thêm một tiếng nói tiêu cực, giọng điệu tiêu cực...

- Thế thì họ chẳng những vô trách nhiệm với xã hội, mà vô trách nhiệm với chính bản thân mình. Bởi họ đã phủ nhận vai trò của chính mình, phủ nhận chính những trách nhiệm, chức vụ mà mình được giao phó. 

- Nếu không nhầm thì đó cũng là một biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chứ nhỉ?

- Chứ còn sao nữa. Tôi nhớ, trong nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, có nhận diện một biểu hiện là: “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

- Do đó, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, theo tôi trong sinh hoạt tư tưởng của các tổ chức cơ sở đảng nên đưa vấn đề trách nhiệm phát ngôn của mỗi cán bộ, đảng viên để trao đổi, phân tích, định hướng rõ.

- Tôi cũng đồng tình với ý kiến của ông.

Chí Linh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới