"Muốn dân tin, phải gương mẫu đi đầu"

(Baonghean) - Xóm 5, xã Hoa Sơn (Anh Sơn) nay có nhiều khởi sắc: bà con có cuộc sống ấm no, lương - giáo đoàn kết, xóm được công nhận là làng văn hóa, đi đầu trong mọi phong trào của địa phương. Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của ông Nguyễn Văn Minh, xóm trưởng, trưởng ban mặt trận tổ quốc xóm...

Năm nay ông Minh vừa tròn 60 tuổi, trước đó, ông từng  làm y tá tại Sân bay Dừa, tốt nghiệp trường trung cấp kỹ thuật và vào làm nhân viên của Công ty Cầu đường 5. Năm 1976, khi đang tham gia xây dựng cầu Làng Khay (Lào Cai), vì bị tai nạn lao động nên ông phải về nghỉ mất sức năm 22 tuổi với mức thương tật 34%. Về địa phương, ông được bầu làm xóm trưởng khi mới 30 tuổi. Tuổi trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nên ông chưa lường trước được vất vả của một người làm công việc “vác tù và hàng tổng” ở một xóm có gần 60% dân số là người theo đạo Thiên chúa giáo. Là một giáo dân nên ông đã nhanh chóng vận dụng việc đạo, việc đời và việc của chính quyền, đồng thời làm tốt công tác dân vận nên được bà con hết sức tín nhiệm. Ông được tin tưởng bầu làm đại biểu HĐND xã nhiều nhiệm kỳ. Một thời gian sau, vì sức khỏe không cho phép nên ông xin nhường lại việc xóm cho người khác. Nhưng từ giữa những năm 2000 trở lại đây, vì yêu cầu công việc, cộng với nguyện vọng của đông đảo bà con nên ông đảm nhận vai trò Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc xóm 5. Dù không phải là đảng viên, tuổi không còn trẻ và gánh nặng mưu sinh, nhưng ông chưa bao giờ khiến người dân phải thất vọng; ông là cánh tay đắc lực của ban cán sự và của các cơ quan đoàn thể trong xóm.
Vợ chồng ông Minh  bên vườn gấc của gia đình.
Vợ chồng ông Minh bên vườn gấc của gia đình.
Trong triển khai xây dựng nông thôn mới.  Hoa Sơn là xã miền núi, trước đây vì điều kiện kinh tế khó khăn và do chưa có quy hoạch cụ thể nên đường làng ngõ xóm nhỏ hẹp. Để nâng cấp đường giao thông nông thôn, mở rộng đường làng, riêng địa bàn xóm 5 cần phải tiến hành giải phóng mặt bằng hàng nghìn mét vuông đất. Đón nhận chủ trương này, ngoài việc cùng với đại diện các  đoàn thể , hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi và các đồng chí chủ chốt trong ban cán sự xóm, ông tình nguyện làm gương đi đầu trong hiến đất làm đường, tự tháo dỡ 25 mét hàng rào kiên cố và hiến gần 70m2 đất của gia đình. Sau đó, các thành viên khác trong gia đình như con rể, thông gia, người trong họ tộc đã được ông thuyết phục đồng tình ủng hộ phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Nhờ vậy, chỉ hơn 1 tháng phát động, gần 4.500m chiều dài đường giao thông trong xóm đã được giải tỏa, trong đó có 870m là đường dự án liên xã Tường - Hoa - Hội nhưng nhân dân tự nguyện không nhận tiền đền bù. Nổi bật có 10 hộ đã tự nguyện dỡ bỏ hàng rào xây với tổng diện tích đất hiến từ 50 đến hơn 100m2 như gia đình giáo dân Nguyễn Thị Đại, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Văn Thương, Đinh Viết Quyền… Bà con cũng đã ủng hộ được gần 150 triệu đồng để thực hiện nâng cấp, bê tông hóa đường thôn xóm. 
Trong dồn điền đổi thửa, trước đây do đặc thù địa lý nên mỗi hộ dân trong thôn có từ 4 đến 7 thửa ruộng. Để người dân trong thôn yên tâm chuyển đổi, ông đã cùng các ban cán sự xóm xây dựng kế hoạch hợp lý: nếu hộ nào bắt phải ruộng xấu thì sẽ được cộng thêm 3 thước/sào; hộ may mắn bắt được ruộng tốt thì sẽ bị trừ đi 2 thước/sào. Nhờ cách làm công khai và bàn bạc dân chủ, lại thấu tình đạt lý nên việc chuyển đổi ruộng đất ở xóm 5 được triển khai êm thấm. Hiệu quả rõ rệt nhất là ngay trong vụ chiêm xuân đầu tiên của năm 2014 đã thu được thắng lợi lớn, nâng giá trị sản lượng lúa từ 2 tạ/sào như lên 3 tạ/sào. Bà con phấn khởi bởi lần đầu tiên máy gặt liên hiệp được sử dụng ở ruộng của gia đình, giúp người dân tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian, sức lao động. Mô hình tổ tự quản mà Ban mặt trận thôn đưa ra cũng là một cách làm hay. Toàn xóm có 13 tổ, hàng tháng đều sinh hoạt định kỳ. Nếu trong tháng, hộ nào có người vi phạm thì cả tổ đến gia đình đó họp để chia sẻ, bàn giải pháp giúp đỡ. Qua đó, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết lương giáo. 
Ông Minh còn là người đi đầu trong thực hiện các chủ trương chính sách của Nhà nước và là một lão nông giỏi. Khi huyện bắt đầu có chủ trương trồng vùng nguyên liệu mía thì gia đình ông đã tiên phong và bản thân ông đến từng hộ vận động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Gần đây, khi hiệu quả kinh tế của cây mía không ổn định, ông mạnh dạn chuyển sang cây trồng vụ đông và áp dụng các giống cây mới như gấc, dưa chuột và được nhiều người dân trong xóm làm theo… Hiện gia đình ông có gần 2 ha đất, trong đó có 7 sào lúa, 3 sào gấc, 3 sào ớt cay xuất khẩu, 4 sào bí, một năm thu nhập hàng trăm triệu đồng và là một điển hình về kinh tế làm ăn của vùng. Các con ông đều chăm chỉ làm ăn, có thu nhập ổn định và đều là những công dân, những giáo dân gương mẫu. Con gái ông là đoàn viên nữ đầu tiên là giáo dân của huyện Anh Sơn được kết nạp vào Đảng. 
Ông Nguyễn Đình Đăng - Chủ tịch UBMTTQ huyện Anh Sơn cho rằng, kết quả này có được là nhờ xóm đã làm rất tốt công tác dân vận và vai trò tiên phong của ban công tác Mặt trận và của người trưởng ban. Riêng với ông Nguyễn Văn Minh, điều mà ông vui nhất và để ông gắn bó nhiều năm trong công việc này đó là bà con lương – giáo trong vùng ngày càng gắn bó, hòa hợp và cùng tiến bộ. Ông chia sẻ kinh nghiệm: để người dân tin tưởng thì trước tiên gia đình mình, bản thân mình phải là người đi trước, gương mẫu. Còn cấp ủy, ban cán sự, các đoàn thể phải đoàn kết nội bộ. Là con chiên, muốn giữ đạo thì phải biết cống hiến sức mình cho quê hương,  biết giúp đỡ người khó khăn và phải tích cực tham gia các chủ trương, chính sách của Nhà nước. 
Bài, ảnh: Mỹ Hà

Tin mới