Mỹ và Đức hy vọng thúc đẩy Ukraine đàm phán với Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tờ Bild (Đức) dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, Mỹ và Đức có ý định âm thầm thúc đẩy Ukraine bắt đầu đàm phán với Nga, mà không cần thảo luận trực tiếp với Tổng thống Volodymyr Zelensky.

zelensky, AP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP

Ria Novosti dẫn lời tờ Bild cho biết: "Kế hoạch của Mỹ và Đức như sau: cung cấp cho Ukraine chính xác những loại vũ khí đó, và với số lượng đủ để quân đội Ukraine có thể giữ vững mặt trận hiện tại. Nhưng không có khả năng quân sự để tái kiểm soát các vùng lãnh thổ từ Nga".

Do đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ phải tự đi đến kết luận rằng, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ không thể cải thiện vị thế của họ trên tiền tuyến. Vì vậy việc tiếp tục xung đột không còn ý nghĩa gì đối với Ukraine.

Theo Bild, trong trường hợp thất bại, Mỹ và Đức có một số Kế hoạch B. Điều này cũng sẽ dẫn đến kết quả tương tự như Thỏa thuận Minsk - đóng băng xung đột với một khu vực ở biên giới đã được thiết lập, mà không có bất kỳ thỏa thuận hòa bình chính thức nào giữa Moskva và Kiev.

Bild cho rằng, nhìn chung, Đức có ý định khuyến khích Ukraine giữ thế đàm phán có lợi về mặt chiến lược, có tính đến tình hình hiện tại ở mặt trận. Hiện Berlin và Washington đang trong quá trình thảo luận về các kế hoạch.

Cũng liên quan đến việc kết thúc xung đột ở Ukraine, trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình 1+1, David Arakhamia, người đứng đầu đảng Đầy tớ của Nhân dân, và là thành viên Ủy ban An ninh, Quốc phòng và tình báo quốc gia Ukraine, cho biết sự thù địch ở nước này lẽ ra đã kết thúc vào mùa xuân năm 2022

"Người Nga sẵn sàng kết thúc xung đột, nếu chúng tôi giữ thái độ trung lập, giống như Phần Lan và đưa ra cam kết rằng, sẽ không gia nhập NATO. Đây là điểm mấu chốt. Ngoài ra, khi chúng tôi trở về từ Istanbul, ông Boris John đã đến tới Kiev, và nói: “Sẽ không ký bất cứ điều gì với họ, và hãy chiến đấu thôi”" - ông David Arakhamia cho hay.

Đồng thời, theo David Arakhamia, Ukraine cũng không đồng ý ngừng bắn, vì “điều này trái với hiến pháp".

Vào cuối tháng 2/2022, các cuộc tham vấn Nga-Ukraine đã bắt đầu. Các phái đoàn đã tổ chức hai cuộc gặp mặt trực tiếp tại Belarus. Sau đó quyết định tiếp tục tiến hành tham vấn hàng ngày thông qua hình thức trực tuyến.

Vào cuối tháng 3/2022, các bên đã tổ chức một vòng đàm phán khác ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Kết quả, Trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Medinsky cho biết Ukraine đã đề xuất bằng văn bản cho một thỏa thuận trong tương lai. Moskva khi đó coi đây là một bước tiến, và nhìn chung chính quyền Kiev thể hiện mong muốn đàm phán lần đầu tiên sau nhiều năm.

Đáp lại những mong muốn đó từ Kiev, Nga thực hiện hai bước: đầu tiên, giảm đáng kể các hoạt động quân sự theo hướng Kiev và Chernigov. Thứ hai, Moskva đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky.

Tuy nhiên, sau đó Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, Ukraine từ chối các đề xuất của chính mình, và tạo ra nhiều hành động khiêu khích làm chậm quá trình đàm phán. Đặc biệt, theo ông Lavrov, Kiev đã trình bày một dự thảo thỏa thuận với Moskva, và nó có sự khác biệt lớn so với các điều khoản được ghi lại tại cuộc đàm phán ở Istanbul, nhất là liên quan đến Crimea./.

Tin mới