Nâng cao chất lượng TCCS đảng và đảng viên: Cần giải pháp đồng bộ

(Baonghean) - Cả lý luận và trong thực tiễn về xây dựng Đảng, chi bộ và đảng viên là vấn đề quan trọng hàng đầu. Tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) vững mạnh về chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu là yếu tố quyết định sức mạnh của toàn Đảng, quyết định thắng lợi trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đảng bộ…
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ Thái Sơn 2, xã Môn Sơn. Ảnh: Văn Hải
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ Thái Sơn 2, xã Môn Sơn. Ảnh: Văn Hải
Sau khi có Nghị quyết 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên”, đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09 ngày 13/3/2012 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011 - 2015”. Đến nay hệ thống TCCSĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực trên tất các loại hình và các vùng, miền. Năm 2001, toàn tỉnh có 1.437 TCCSĐ nhưng đến cuối năm 2013 tăng thêm 135 TCCSĐ, xóa bỏ điểm "trắng" TCCSĐ ở xã, phường, thị trấn. Không chỉ tăng số lượng mà chất lượng cũng được nâng lên, năm 2001 có 63,04% TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh thì đến năm 2013 đã tăng lên 68,6%. Đa số TCCSĐ đã phát huy được thế mạnh, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo nên đã tạo sự chuyển biến tốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. 
Năm 2001 toàn tỉnh có 2,64% TCCSĐ yếu kém, 269 xóm, bản không có chi bộ, 147 xóm, bản chưa có đảng viên; đến năm 2013 tỷ lệ TCCSĐ yếu kém chỉ còn 0,13%, chỉ có 93 xóm, bản không có chi bộ và 73 xóm bản chưa có đảng viên. Trong việc củng cố TCCSĐ, các cấp ủy coi trọng nâng cao chất lượng đảng viên, ban hành cơ chế giám sát đảng viên và quy định nội dung, phương pháp phân loại đảng viên, làm tốt việc giới thiệu đảng viên về sinh hoạt nơi cư trú, đưa số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên năm 2013 đạt tỷ lệ 85,5%, đảng viên vi phạm kỷ luật năm 2011 là 1,06%, năm 2013 chỉ còn 0,27%. Để giúp cơ sở vùng đặc thù củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng, Nghệ An đã chỉ đạo đẩy mạnh luân chuyển cán bộ về cơ sở. Cụ thể, đưa 25 sỹ quan biên phòng về giữ chức danh Phó bí thư Đảng ủy xã biên giới và 77 cán bộ biên phòng về sinh hoạt đảng tại các xóm, bản vùng xung yếu, tổ chức các đội công tác của quân đội bám địa bàn, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Thực hiện đề án "Đưa sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp về xã", từ năm 2003 đến nay Nghệ An đã tiếp nhận 3.390 người (trong đó có 1.117 đại học, 277 cao đẳng, 1.996 trung cấp) về đảm nhiệm các chức danh chuyên môn cấp xã; đưa 199 trí thức trẻ về các xã nghèo miền núi khó khăn công tác và tuyển chọn 26 sinh viên tốt nghiệp đại học về làm Phó chủ tịch UBND các xã nghèo vùng cao thuộc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong. 
Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh chú trọng việc ban hành, triển khai thực hiện các giải pháp tập trung nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm và năng lực công tác của cán bộ đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng trong  thực hiện cải cách hành chính của cơ quan. Đảng ủy Khối doanh nghiệp quan tâm việc lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt các quy chế phối hợp, các mối quan hệ tại doanh nghiệp như quan hệ giữa cấp ủy với HĐQT, với giám đốc công ty, giữa đảng ủy với ban chấp hành công đoàn, đoàn thanh niên; quy định rõ mối quan hệ phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; phát huy tính tiên phong gương mẫu, ý thức trách nhiệm của những cán bộ, đảng viên đang đảm nhận các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại doanh nghiệp. 
Nhờ tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, nên chất lượng đội ngũ cán bộ xã, thị trấn ở Tân Kỳ được nâng cao. Ban chấp hành Đảng bộ huyện trình độ đại học chuyên môn đạt 97%, trình độ chính trị trung cấp trở lên đạt 100% (trong đó 83% cao cấp, cử nhân chính trị); cán bộ, công chức cấp huyện 92% có trình độ đại học; ở cấp xã , thị trấn 78% cán bộ chủ chốt có trình độ từ trung cấp chuyên môn trở lên (trong đó đại học chiếm 35%); trình độ từ trung cấp chính trị trở lên chiếm 84%. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện nghiêm túc, đã gắn quy hoạch với bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác đánh giá cán bộ được quan tâm. Năm 2013 Tân  Kỳ có 61% TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh, không có TCCSĐ yếu kém, 77% số chi bộ đạt trong sạch vững mạnh (trong đó 25% đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu)...
Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề cụ thể: Tăng cường chăm lo chất lượng cấp ủy, nâng cao trách nhiệm đứng đầu là đồng chí bí thư; tích cực và quyết tâm hơn trong việc chuẩn hóa, nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ cấp ủy cơ sở; tiếp tục chấn chỉnh, đổi mới, nâng cao chất lượng, hình thức sinh hoạt đảng, bao gồm cả sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt đảng bộ cơ sở và sinh hoạt chi bộ; gắn xây dựng và củng cố TCCSĐ với việc hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các loại hình TCCSĐ, nâng cao chất lượng chi bộ và chất lượng đảng viên; hoàn thiện quy chế hoạt động của TCCSĐ để phân định chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm giữa tổ chức Đảng với các tổ chức trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng; nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng cấp trên cơ sở đối với TCCSĐ; tiếp tục hoàn thiện những chủ trương, chính sách, chế độ bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới ở cơ sở.
Vũ Hồng Hào
Ban Tổ chức Tỉnh ủy

Tin mới