Nga thề đáp trả việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/10 tuyên bố nước này phải phản ứng trước mối đe dọa bắt nguồn từ vũ khí hạt nhân của Mỹ triển khai ở châu Âu, đồng thời cáo buộc phương Tây công khai tiến hành một "cuộc chiến thực sự" chống lại Moskva.

anh 1.jpg
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Sputnik

Phát biểu tại một diễn đàn dành riêng cho an ninh Á-Âu ở thủ đô Minsk của Belarus, ông Lavrov nhắc lại lập trường chỉ trích của Nga đối với kế hoạch chia sẻ hạt nhân của NATO. Theo kế hoạch, một phần kho vũ khí hạt nhân của Mỹ được bố trí ở nước ngoài và Washington cung cấp khóa đào tạo cho các đồng minh về cách triển khai vũ khí. Theo Ngoại trưởng Lavrov, kế hoạch trên tạo ra "nguy cơ chiến lược ngày càng gia tăng", "buộc chúng ta phải sử dụng các biện pháp đáp trả trong bối cảnh các mối đe dọa chung do NATO đặt ra ngày càng gia tăng".

Hàng chục quả bom hạt nhân của Mỹ được cho là đang được cất giữ ở Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Một số quốc gia không được Mỹ bố trí vũ khí, chẳng hạn như Ba Lan, đã tiếp nhận các khóa đào tạo về sử dụng vũ khí, động thái mà Moskva xem là một hình thức phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ngoại trưởng Lavrov còn cáo buộc các quốc gia phương Tây đang tiến hành "một cuộc chiến tranh hỗn hợp, công khai, nhưng dù bạn mô tả như thế nào thì đó vẫn là một cuộc chiến thực sự". Ông còn cho rằng Ukraine là công cụ chính trong tay Washington và các đồng minh. Ngoại trưởng Lavrov khẳng định: "Hành vi xâm lược của phương Tây chống lại Nga chỉ là một phần của chiến dịch… chống lại bất kỳ thành viên nào trong cộng đồng quốc tế thể hiện sự độc lập và bảo vệ lợi ích quốc gia". Tuy nhiên, theo ông Lavrov, cán cân quyền lực đang chuyển dịch theo hướng chống lại phương Tây, qua đó mang lại hy vọng về một cấu trúc an ninh bình đẳng và hiệu quả hơn ở Á-Âu.

Ông nói thêm rằng Moskva đang tìm cách quay trở lại ý tưởng về việc thiết lập một không gian an ninh không thể chia cắt "từ Lisbon đến Vladivostok" và sẵn sàng thảo luận vấn đề này với tất cả các quốc gia trong khu vực. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Nhưng lần này phải là một cuộc đối thoại trung thực nhằm đạt được những kết quả thực chất, thay vì hô khẩu hiệu che đậy mong muốn theo đuổi các chính sách ích kỷ". Ông Lavrov nêu rõ, tất cả các quốc gia nên cam kết không cho phép lãnh thổ của mình được sử dụng để "tạo ra mối đe dọa cho bất kỳ ai", đồng thời cần loại bỏ bất kỳ cơ hội nào "áp đặt quyền lực của những nhân tố bên ngoài khu vực và lục địa".

Ngoại trưởng Nga chỉ trích các chuyên gia địa chính trị phương Tây, vốn "dường như đã mất mọi mối liên hệ với thực tế và coi mình là những phó vương của Chúa trên trái đất này", không hề cảm thấy xấu hổ trước thực tế các hành động của họ đã chà đạp lên các cam kết ở mức cao nhất, bao gồm Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đối với việc tuân thủ nguyên tắc an ninh bình đẳng và không thể phân chia.

Ngoại trưởng Lavrov chỉ ra rằng nguyên tắc đó nghĩa là không tăng cường an ninh của chính mình bằng cái giá phải trả của quốc gia khác, và không cho phép bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào thống trị ở châu Âu. Theo Ngoại trưởng Lavrov, NATO đang làm điều ngược lại, trong khi bản thân OSCE, vốn dĩ ban đầu được hình thành như một nền tảng đối thoại bình đẳng và hợp tác rộng rãi toàn châu Âu, cũng đang bị NATO và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) biến thành một cấu trúc bên lề không có ảnh hưởng đến tình hình an ninh ở bất kỳ mức độ nào.

Nhà ngoại giao Nga ca ngợi người đồng cấp Hungary, Peter Szijjarto, người cũng tham dự sự kiện kéo dài hai ngày ở thủ đô Belarus, vì đại diện cho một quốc gia nắm bắt giá trị của chủ quyền quốc gia. Ông Lavrov nêu rõ, hầu hết các quốc gia khác ở phía Tây nước Nga đã phục tùng sự cai trị của Washington, và Moskva hiện thấy không có ích gì khi thảo luận về tầm nhìn an ninh trên toàn lục địa với các nước trên.

Ngoại trưởng Nga tuyên bố điều đó sẽ thay đổi "nếu họ tìm thấy sức mạnh để trở nên độc lập (và) giành được ‘quyền tự chủ chiến lược’", như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo châu Âu khác mô tả./.

Tin mới