Ngày Thơ Việt Nam: Tôn vinh những giá trị tốt đẹp của thơ ca

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Những năm qua, Ngày Thơ thực sự là ngày hội của văn giới và công chúng yêu thơ, là dịp để tôn vinh những giá trị tốt đẹp của thơ ca và những đóng góp của các nhà thơ đối với sự phát triển văn hóa dân tộc.

Rằm Tháng Giêng năm Quý Mão 2023, đúng vừa tròn 20 năm Hội Nhà văn tổ chức Ngày Thơ Việt Nam. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với 3 nhà thơ Lê Vi Thủy (Gia Lai), Lý Hữu Lương (Hà Nội), Phùng Thị Hương Ly (Bắc Kạn) - những tác giả từng trình diễn thơ trên Sân Thơ trẻ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám về Ngày Thơ Việt Nam.

P.V: Là tác giả gắn bó với thi ca ngay từ khi mới bén duyên văn chương, anh, chị cảm nhận như thế nào về Ngày Thơ Việt Nam?

Nhà thơ Lê Vi Thủy.

Nhà thơ Lê Vi Thủy.

Lê Vi Thủy: Ngày Thơ Việt Nam là ngày tôn vinh những thành tựu thơ ca Việt Nam, trong đó bao gồm tác giả và độc giả, những người yêu thơ. Tôi nghĩ Ngày Thơ Việt Nam đang dần trở thành sân thơ không thể thiếu đối với tác giả và những độc giả yêu thơ, là một dịp để mọi người có thể học hỏi, giao lưu với các tác giả, chia sẻ và cảm nhận thông điệp thông qua những tác phẩm mình yêu thích. Đây cũng là cơ hội đưa thơ gần gũi với công chúng hơn.

Lý Hữu Lương: Chúng ta vẫn tự hào Việt Nam là đất nước của thi ca. Những vần thơ về xứ sở đã chắp cánh bao ước mơ vĩnh hằng, hoàn thiện nhân tâm thẩm mỹ của người Việt. Tưởng rằng, vị thế của thơ như đã ngày càng chìm lấp trong muôn mặt nhốn nháo đời sống hiện đại thì dành một ngày để nhắc nhớ, để tôn vinh, để nghĩ đến thơ là trân quý lắm. Đáng để duy trì và ngày càng nên nhân rộng ra, có nhiều ý nghĩa tích cực với xã hội hơn.

Phùng Thị Hương Ly: Tôi cảm thấy rằng, Ngày Thơ Việt Nam là một ngày hội văn hóa rất quan trọng trong dịp đầu năm, nhằm tôn vinh những giá trị của thơ ca, là sân chơi đầy bổ ích đáp ứng nhu cầu thưởng thức thơ ca, nghệ thuật của công chúng. Hòa vào không khí Ngày Thơ, công chúng được cảm nhận về một không gian thật ấm áp, thật thơ và đầy khí thế, được thưởng thức nghệ thuật bằng việc được đọc, được lắng nghe những tác phẩm thơ đặc sắc qua chính giọng đọc của các nhà thơ và tác giả tiêu biểu. Đồng thời, không khí của ngày hội cũng tạo ra một nguồn năng lượng tích cực, dồi dào khích lệ người viết hứng khởi sáng tạo. Cùng với việc Ban Tổ chức luôn đổi mới cách thức tổ chức, lựa chọn nhiều gương mặt thơ mới và tác phẩm chất lượng, phong phú để đọc, trình diễn giúp Ngày Thơ thành công hơn, cũng vì thế, công chúng yêu háo hức, đón đợi hơn.

P.V: Anh, chị có thể chia sẻ cảm xúc khi được trình diễn thơ trên Sân Thơ trẻ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám?

Lê Vi Thủy: Được Ban Nhà Văn trẻ giới thiệu và mời tham gia đọc thơ tại Sân Thơ trẻ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2014 là một vinh dự, tự hào rất lớn đối với tôi. Háo hức, mong chờ, hồi hộp là cảm xúc của tôi khi được đứng đọc thơ cùng với các anh, chị trên mọi miền đất nước, được gặp nhiều nhà thơ lớn - những người tôi mới chỉ đọc tác phẩm của họ trên sách, báo.

Lần đầu tiên đọc thơ trước rất nhiều người nên sự hồi hộp - lo lắng làm tôi quên cái rét giữa thời tiết 12 độ C để trình diễn thật tốt bài thơ của mình mà không bị nhầm lẫn. Đây thật sự là một dịp đáng nhớ, một cơ hội để giao lưu, gặp gỡ những người viết trong cả nước, một điều tuyệt vời trong sự nghiệp viết của tôi.

Lý Hữu Lương: Tôi vinh dự được 4 lần xuất hiện và trình diễn trên Sân Thơ trẻ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Rất háo hức và qua mỗi lần tham gia đều thấy mình trưởng thành hơn, tự tin hơn trên sân khấu.

Nhà thơ Lý Hữu Lương.

Nhà thơ Lý Hữu Lương.

Phùng Thị Hương Ly: Được đọc thơ trên Sân Thơ trẻ tại Văn Miếu là niềm vinh dự và cũng là “sự kiện” không nhỏ trong hành trình sáng tác của tôi, cho tôi được trải nghiệm với cung bậc cảm xúc đầy thú vị và sâu sắc. Trước đây tôi cảm thấy rằng viết thơ đã khó nhưng khi thực sự đứng trên một sân khấu sang trọng, có đông đảo khán giả, công chúng yêu thơ và trình bày thơ bằng biểu cảm, giọng đọc của mình mới thấy đây cũng một là thử thách không nhỏ. Làm thế nào để những ngôn từ ấy, âm thanh ấy chạm đến người nghe, người xem sự ấn tượng nào đó quả thật là một áp lực, song khi hòa vào cảm xúc thơ và bắt gặp những ánh mắt chăm chú của người xem tôi đã vượt qua được trở ngại tâm lý.

P.V: Và việc trình diễn thơ trong Ngày Thơ Việt Nam hẳn là ít nhiều có ý nghĩa đối với hành trình sáng tạo của anh, chị?

Lê Vi Thủy: Tôi nghĩ, việc trình diễn thơ trong Ngày Thơ Việt Nam là một nguồn động lực cho người viết, bởi đây không chỉ đơn giản là một buổi đọc thơ giao lưu với nhau, mà còn là sự được công nhận, sự khẳng định bản thân.

Là một tác giả thơ viết theo thể thơ tự do, cách tân về cách viết cũng như ngôn ngữ. Thơ của tôi khá kén đối tượng độc giả, nhưng từ lúc bén duyên với văn chương đến nay, Ngày Thơ Việt Nam năm nào tôi cũng vinh dự được chọn đọc thơ trước công chúng và độc giả yêu thơ ở tỉnh nhà. Đây là một sự công nhận và động viên của những người đi trước đối với những cống hiến nhỏ bé của một người viết trẻ như tôi với nền văn học nước nhà.

Lý Hữu Lương: Sáng tạo là một hành trình có đích đến nhưng không hạn định. Nếu nói rằng, Ngày Thơ là một đích đến là không thật thà. Nhưng mà, được trình diễn trong Ngày Thơ cũng là cơ hội để xuất hiện, để đem tiếng thơ của mình ra đông đảo người yêu thơ thì cũng rất thú vị và đáng đầu tư.

Phùng Thị Hương Ly: Nhờ được trình diễn thơ trên Sân Văn Miếu mà tôi có cơ hội được giới thiệu tác phẩm thơ đến đông đảo công chúng, được gặp gỡ và lắng nghe trực tiếp những chia sẻ, cảm nhận của người yêu thơ về tác phẩm của mình. Cùng với niềm vui và tự hào, tôi luôn biết ơn Ban Văn trẻ đã lựa chọn tôi là một trong những tác giả trẻ đọc thơ tại sân Văn Miếu nhân Ngày Thơ Việt Nam (Sân thơ năm 2011). Điều này không chỉ là sự ghi nhận của Ban Tổ chức về quá trình sáng tác thơ của tôi mà còn là món quà động viên khích lệ tinh thần sáng tạo dành cho một tác giả trẻ như tôi để đủ đam mê, nhiệt huyết đồng hành cùng dòng chảy thi ca đất nước.

Nhà thơ Phùng Thị Hương Ly.

Nhà thơ Phùng Thị Hương Ly.

P.V: Theo anh, chị, để Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và ở các địa phương hấp dẫn hơn, có sức lan tỏa hơn trong đời sống, Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương cần làm gì?

Lê Vi Thủy: Theo tôi, để Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và ở các địa phương hấp dẫn hơn, có sức lan tỏa hơn trong đời sống, Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương cần đổi mới tư duy làm chương trình thơ với các nội dung thay đổi khác nhau, không nên gói gọn trong khuôn khổ sân khấu, người trình diễn đọc tác phẩm thơ và công chúng ngồi dưới nghe tác phẩm, mà đôi khi mình cần xóa nhòa ranh giới đó, đưa người nghe trở thành người tham gia của tác phẩm thơ sẽ thú vị hơn.

Ngoài ra, thời đại công nghệ hiện nay, việc làm các chương trình thơ giao lưu trực tuyến cũng sẽ góp phần lan tỏa lớn hơn trong cộng đồng những người yêu văn chương.

Lý Hữu Lương: Theo tôi, cần chú trọng hơn đến phần lễ, phần lễ có trọng vọng, có tính thiêng thì mới đọng được vào tâm thức các thế hệ. Ta chỉ mải mê phần hội, làm sân khấu cho các vị lên đọc hằng hà bài thơ không hay chẳng dở cũng nguy lắm, mất dần không khí, nhạt dần tính thiêng của Ngày Thơ. Ngày Thơ cũng không chỉ là không gian để nghe, đọc thơ, mà phải có sự kết hợp cả các trò chơi dân gian, các “lều thơ” để nhân dân trình diễn.

Phùng Thị Hương Ly: Theo tôi, để Ngày Thơ hấp dẫn và có sức lan tỏa trong đời sống thì cần rất nhiều yếu tố như liên tục đổi mới cách tổ chức, địa điểm tổ chức, chất lượng tác phẩm giới thiệu, trình diễn và hơn hết đó là một bầu không khí đậm chất văn chương, đậm chất thơ với sự tham gia của đông đảo công chúng.

P.V: Xin cảm ơn các anh, chị!

Tin mới