Nghệ An chưa xử phạt lỗi thiếu bình cứu hỏa trên xe ô tô

(Baonghean) - Nghệ An có khoảng 7 vạn xe ô tô đang lưu hành. Sau 2 tuần thông tư chính thức có hiệu lực, đến nay, ở Nghệ An, cơ quan chức năng vẫn chưa áp dụng xử phạt mà chỉ mới kiểm tra, nhắc nhở các chủ phương tiện.

Theo Thông tư 57/2015/TT - BCA của Bộ Công an, từ ngày 6/1/2016, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 đến 9 chỗ ngồi phải có 1 bình chữa cháy dưới 4 kg (bình bột) hoặc dưới 5 lít (bình bọt, nước)... và sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng nếu không trang bị phương tiện PCCC. 

Những ngày đầu quy định có hiệu lực, người dân đổ xô đi mua bình chữa cháy. Theo ghi nhận của phóng viên tại một số cửa hàng bán phương tiện PCCC, mặt hàng này bán rất chạy. Nhân viên bán hàng của Công ty TNHH Thiết bị an toàn Biển Bạc (đường Cao Xuân Huy, TP. Vinh), cho biết, những ngày đầu thực hiện quy định, khách hàng tìm mua các loại bình chữa cháy từ 0,5 - 1 lít tăng đột biến. Có ngày cửa hàng bán được số lượng gấp gần 10 lần so với ngày thường; loại bình chữa cháy cho xe ô tô 4 chỗ “cháy” hàng do thiếu nguồn cung.

Nhiều cửa hàng đã bán kèm thêm bình chữa cháy (ảnh chụp trên đường Phan Bội Châu, TP. Vinh).
Nhiều cửa hàng đã bán kèm thêm bình chữa cháy (ảnh chụp trên đường Phan Bội Châu, TP. Vinh).

Ngoài ra, nhiều cửa hàng sửa chữa ô tô, cửa hàng bán thiết bị bảo hộ lao động trên một số tuyến đường Phan Bội Châu, Mai Hắc Đế… những ngày gần đây cũng treo biển bán kèm thêm các loại bình chữa cháy.

Chủ cửa hàng tạp hóa Hòa Dung (đường Phan Bội Châu, TP. Vinh) cho biết: “Thấy nhu cầu người dân “rộ” lên mua bình chữa cháy do có quy định mới nên cửa hàng chúng tôi cũng lấy về bán. Cách đây khoảng 1 tuần, loại nhỏ 1 lít dùng cho xe con hết hàng không có để bán. Nhưng đến nay thì rất ít người hỏi mua”.

Tìm hiểu tại một số cửa hàng bán bình chữa cháy loại 0,5 -1 lít, chủ yếu là bình chữa cháy xuất xứ từ Trung Quốc. Giá cả loại bình chữa cháy này cũng rất khác nhau, giao động từ 75.000 - 100.000 đồng/bình.

Thực tế, đa phần người dân có tâm lý băn khoăn với việc trang bị bình chữa cháy, chủ yếu trước mắt là để đối phó với lực lượng chức năng. Anh Nguyễn Thanh Thịnh (phường Vinh Tân, TP. Vinh) bày tỏ: “Có quy định thì cứ mua để sẵn trên xe đề phòng thôi, còn tôi chưa biết cách sử dụng loại bình cứu hỏa này nên lỡ không may có xảy ra cháy nổ cũng không biết sẽ xử lý thế nào”.

Riêng các hãng taxi, hiện tại mới chỉ có hãng Mai Linh có lắp loại bình chữa cháy 500ml. Bình chữa cháy được đặt ngay cạnh chỗ ngồi của lái xe nhờ một giá đỡ gắn thêm vào cánh cửa xe. Còn hầu hết  người dân sử dụng xe cá nhân thì tự đặt bình chữa cháy theo ý thích; bên cánh cửa xe, dưới gầm ghế… Ông Phùng Bá Ngọc - Phó Giám đốc Công ty CP Toyota Vinh khẳng định: “Hiện chưa có hãng xe nào thiết kế riêng vị trí để lắp đặt bình chữa cháy”.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an, trong 2 năm gần đây đã xảy ra 235 vụ cháy phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo số liệu điều tra, hầu hết các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi xảy ra cháy nổ đều không được trang bị các phương tiện chữa cháy cần thiết.

Đại tá Lê Quốc Báo - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Nghệ An cho biết: “Quy định của Thông tư 57 hết sức cần thiết bởi thực tế, thống kê trên cả nước hiện có 2,6 triệu xe ô tô (riêng tỉnh Nghệ An có trên 70.000 xe ô tô đang lưu hành), con số này có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Bởi thế việc trang bị phương tiện PCCC trên các phương tiện vận tải là cấp thiết và phù hợp với xu thế”.

Những ngày đầu thực hiện Thông tư 57, CSGT TP Vinh chỉ tiến hành nhắc nhở chứ chưa xử phạt.
Những ngày đầu thực hiện Thông tư 57,  CSGT thành phố Vinh triển khai tuyên truyền, nhắc nhở các người sử dụng phương tiện giao thông về quy định mới và tư vấn cách sử dụng bình chữa cháy.

Về việc nhiều người dân vẫn còn lo lắng về độ an toàn của phương tiện PCCC. Đại tá Lê Quốc Báo lý giải, bình chữa cháy có cơ chế hoạt động riêng, rất khó có thể xảy ra nổ. Tuy nhiên, khuyến cáo người dân, khi mua bình chữa cháy cần tìm mua sản phẩm chính hãng, có tem kiểm định của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, không mua bình trôi nổi trên thị trường.

Về kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư 57 trên địa bàn Nghệ An, Đại tá Cao Minh Phượng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: “Những ngày đầu kể từ khi thông tư có hiệu lực, lực lượng CSGT phối hợp với Cảnh sát PCCC, tổ chức kiểm tra kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở các chủ phương tiện để phổ biến quy định rộng rãi tới người dân chứ chưa có hình thức xử phạt đối với các chủ phương tiện chưa kịp trang bị thiết bị PCCC. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Cục CSGT, lực lượng CSGT trong lúc làm nhiệm vụ, tuyệt đối không được dừng phương tiện chỉ để kiểm tra thiết bị PCCC của phương tiện giao thông”.

Khuyến cáo của các chuyên gia về cách PCCC cho ô tô: Không lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện, tránh quá tải về điện. Thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ  thuật của xe.Tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa ở những nơi có uy tín, bảo đảm chất lượng. Chủ động kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hỏng hóc khi có dấu hiệu khác thường, nhất là hệ thống tiếp nhiên liệu. Sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) đúng chủng loại, chất lượng quy định. Không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, trong khoang động cơ. Trang bị bình chữa cháy phù hợp theo quy định bình chữa cháy đã có tem kiểm định để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong sử dụng. Hơn hết là người dân cũng cần tự nâng cao kiến thức, hiểu biết về an toàn cháy nổ, để có kỹ năng cơ bản xử lý cháy nổ, sử dụng các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy. 

Nguyệt Minh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới