Di tích và dấu ấn...

(Baonghean) - Về với Nghệ An địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hiến và đấu tranh cách mạng, bè bạn gần xa thường dành thời gian đến tham quan quê hương của các danh nhân, chí sỹ cách mạng để bày tỏ tấm lòng tri ân và hiểu thêm về gia cảnh, tuổi thơ ở nơi “ươm mầm” chí khí của các bậc tiền bối...
Chiếc sập gỗ và những bước đi đầu đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh 
Năm 2012, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Kim Liên được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Góp nên giá trị đặc biệt ấy là những tài liệu, hiện vật, không gian văn hóa, lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình (thân phụ Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu Hoàng Thị Loan, chị gái Nguyễn Thị Thanh, anh trai Nguyễn Sinh Khiêm). Về đây, chúng ta như được về một “cõi thiêng” trong bao ân tình sâu lắng với nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và gắn bó tuổi thơ. Dường như, mỗi hiện vật ở đây đều gợi lên những kỷ niệm thân thương đối với Người, khi được xem hẳn không ai khỏi rưng rưng xúc động.
Chiếc sập gỗ  được trưng bày ở Khu di tích Kim Liên.	 Ảnh: H.P
Chiếc sập gỗ được trưng bày ở Khu di tích Kim Liên. Ảnh: H.P
Ghé thăm quê ngoại Hoàng Trù, du khách thường đứng trầm ngâm trước cái sập (rương) bằng gỗ đã ngả “màu thời gian” đặt trong góc ngôi nhà tranh nhỏ bé. Đó là vật dụng Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ thường đựng lúa gạo và những thứ có giá trị của gia đình. Ngày xưa, lúa gạo không nhiều, nên chiếc sập cũng được làm rất nhỏ nhưng là một tài sản lớn. Đây là của hồi môn cha mẹ cho Hoàng Thị Loan khi về nhà chồng như một lời dặn dò con gái phải biết chắt chiu, dành dụm để cuộc sống gia đình không rơi vào cảnh thiếu thốn.
Chiếc sập đặt cạnh chiếc giường, nơi Bác Hồ được sinh ra và gắn bó với những ngày thơ ấu. Khi vừa chập chững tập đi, cậu bé Nguyễn Sinh Cung thường vịn tay vào thành sập cho khỏi ngã; bước chân vững dần... Như thế, chiếc sập nhỏ đựng thóc lúa đã chứng kiến những bước đi chập chững đầu đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những bước đi đầu đời bên chiếc sập gỗ ấy, Người đã bước ra khắp năm châu, bốn biển để tìm con đường giải phóng cho dân tộc. Vì lẽ đó, chiếc sập trở thành một hiện vật quý, vừa rất đỗi gần gũi, thân thương, vừa có ý nghĩa và giá trị lớn lao.
Trong lần về thăm quê năm 1961, về quê mẹ Hoàng Trù, khi ấy Bác đã 71 tuổi, Người đứng lặng nhìn chiếc sập gỗ, cặp mắt chợt rưng rưng. Người nói với các đồng chí cán bộ, nhân viên Ban quản lý: “Chiếc sập gỗ của mẹ Bác đây rồi! Ngày xưa mẹ Bác thường cất thóc lúa. Các cô, các chú thật là khéo giữ...”. 
Về với Kim Liên quê Bác, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật có giá trị khác, thấy được cuộc sống thanh bần của các thành viên trong gia đình và người thân của Người khi xưa. Đó là những ngôi nhà tranh, chiếc giường cũ, chõng tre, giàn bát đĩa, khung cửi, vườn cây xanh tươi, hồ sen nở thắm... Cùng “Hoàng Trù quê mẹ và Làng Sen quê cha”, về đây, du khách còn được ghé thăm núi Động Tranh nằm trong dãy Đại Huệ, nơi Bà Hoàng Thị Loan yên nghỉ. Rồi lên thăm núi Chung, nơi thuở nhỏ Bác Hồ thường lên chăn trâu, thả diều và đánh trận giả. 
Án thư của Giải nguyên...
Đến thăm Nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở Thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn), du khách sẽ không khỏi bồi hồi, xao xuyến trước không gian yên tĩnh, thanh bình, gợi cảm nhận về cuộc sống bình dị của một chí sỹ cách mạng nổi tiếng.
Chiếc án thư của cụ Phan Bội Châu được trưng bày tại Khu lưu niệm.
Chiếc án thư của cụ Phan Bội Châu được trưng bày tại Khu lưu niệm.
Mái nhà tranh là nơi cụ Phan cất tiếng khóc chào đời và gắn bó suốt thời niên thiếu, cũng là nơi dạy dỗ các lớp học trò, nơi cụ gặp lại vợ con sau hơn 20 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Ngôi nhà hiện đang lưu giữ một số hiện vật có giá trị như án thư, giá sách, bàn thờ tổ tiên, giường gỗ, phản gỗ, tràng kỷ, mâm bát ăn cơm, rương đựng đồ gia dụng, sập đựng gạo, cối xay lúa, lưỡi hái, khung cửi và xe tơ... 
Trong số những hiện vật kể trên, đặc biệt là chiếc án thư, vật gắn bó với sự nghiệp bút nghiên, đèn sách của nhà yêu nước Phan Bội Châu. Tương truyền, bên chiếc án thư này, 6 tuổi Phan Bội Châu đã học thuộc “Tam tự kinh” trong vòng 3 ngày, 7 tuổi viết “Phan tiên sinh luận ngữ”, 17 tuổi viết “Bình Tây thu Bắc”... Những tác phẩm này phản ánh đậm nét tâm tư của một con người ưu thời, mẫn thế, có giá trị thức tỉnh lòng người, khơi gợi tinh thần yêu nước và tìm đường đấu tranh để thoát ra khỏi gông xiềng nô lệ.
Cũng bên chiếc án thư này, cụ Phan từng ngồi giảng bài và chấm bài cho các thế hệ học trò và nơi tụ họp, luận bàn văn chương, thế sự, vận nước với những người cùng chí hướng, trong đó có nhóm “Tứ hổ Nam Đàn” (gồm Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc, Vương Thúc Quý và Trần Văn Lương). Chiếc án thư này cũng đã chứng kiến sự khổ học thành tài, ý chí dùi mài kinh sử để đậu đạt, tìm đường cứu nước, cứu dân đã giúp Phan Bội Châu thi đậu Giải nguyên trường Nghệ (năm 1900). Từ đây, cụ Phan có thêm danh tiếng và địa vị để thức tỉnh và tập hợp lòng dân, mưu cầu việc lớn. 
Khu nhà lưu niệm Phan Bội Châu hiện có diện tích hơn 5.000m2, bao gồm 2 ngôi nhà tranh, tượng cụ Phan, nhà trưng bày và vườn cây xanh. Bên cạnh những hiện vật trong nhà tranh cụ Phan, nhà trưng bày còn lưu giữ nhiều bức ảnh, tư liệu quý và các hiện vật gốc, các tài liệu khoa học giúp chúng ta hình dung được những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của chí sỹ Phan Bội Châu. Vườn cây ăn quả xanh mát quanh năm mang lại cảm giác thư thái, vừa dân dã, vừa thân thương và đậm chất quê xứ Nghệ. 
Tấm phản nhỏ và chuyến đi cuối cùng của Lê Hồng Phong
Xã Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên) cách Thành phố Vinh không xa, là quê hương của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 1942). Vị tiền bối cách mạng đã đi xa, nhưng quê hương vẫn còn lưu giữ biết bao kỷ niệm về tuổi thơ và gia đình. Khu lưu niệm được bao bọc bởi những lũy tre xanh và cánh đồng bát ngát. Tại đây, có một ngôi nhà tranh đang cất giữ những hiện vật một thời gắn bó với gia đình Tổng Bí thư. Đó là những đồ dùng thường ngày như phản gỗ, giường gỗ, trường kỷ, cũi và rương gỗ, mâm cơm, giá đặt bát đĩa... Lê Hồng Phong đã cất tiếng khóc chào đời và lớn lên trong ngôi nhà này. Đây cũng từng là nơi hội họp của các tổ chức cách mạng ở Vinh và Trung kỳ; nơi các vị lãnh đạo Đảng họp bàn kế sách trong thời kỳ cách mạng 1936 - 1939. 
Chiếc phản gỗ - nơi đồng chí Lê Hồng Phong ngồi đọc sách trước khi bị bắt.
Chiếc phản gỗ - nơi đồng chí Lê Hồng Phong ngồi đọc sách trước khi bị bắt.
Tất cả các hiện vật được trưng bày trong ngôi nhà tranh đều gợi lên cảnh sống thanh bần của những gia đình nhà Nho xưa, giản dị mà nền nếp. Đặc biệt chiếc phản gỗ lỗ chỗ vì mối mọt, vì thời gian. Ngày 29/9/1939, sau khi ra khỏi nhà tù đế quốc và đang trong thời gian quản thúc tại quê hương, đồng chí Lê Hồng Phong bị địch bắt lần thứ 2 khi đang ngồi đọc sách trên chiếc phản này. Khi mấy tên mật thám ập vào, Lê Hồng Phong chỉ kịp đề nghị vào buồng trong lấy chiếc mũ rồi ra đi. Đó cũng là chuyến ra đi cuối cùng, bởi gần 3 năm sau (ngày 6/9/1942), đồng chí đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo...
Chiếc phản gỗ Lê Hồng Phong ngồi trước khi bị bắt được ghép lại từ những tấm gỗ nhỏ, có chiều dài 1,6m và chiều rộng 1,4m. Chiếc phản được gia đình, người thân và họ hàng lưu giữ nguyên bản, quyết không để thất lạc, cho dù qua 2 cuộc chiến tranh ác liệt để hôm nay chúng ta có cơ hội tận mắt chứng kiến. Qua đó, hiểu thêm về khí phách và ý chí của một bậc tiền bối cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh di tích ngôi nhà tranh là khu lưu niệm và khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với những loài cây dân dã như bưởi, ổi, xoài... Khu lưu niệm vừa được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế và đang lưu giữ những tư liệu, tranh ảnh có giá trị. Vào tham quan, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng những bức ảnh tái hiện lại hành trình cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, bắt đầu từ thời niên thiếu đến khi xuất dương sang Thái Lan, Trung Quốc hoạt động cách mạng, rồi học viên Trường Sỹ quan quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc), Trường Không quân Liên Xô, Đại học Phương Đông, tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 (1935) tại Liên Xô và kết thúc là khu biệt giam Chuồng Cọp tại nhà tù Côn Đảo. 
Chiếc rương đựng sách của Phan Đăng Lưu
Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu trước đây thuộc thôn Đông, làng Tràng Thành, nay thuộc xóm Phan Đăng Lưu, xã Hoa Thành (Nam Thành). Toàn bộ khuôn viên của khu di tích là một không gian đẹp bao gồm ngôi nhà cổ nằm trong khu vườn có nhiều hoa trái, có vườn cây, ao cá rộng mát. Đây là mảnh đất chôn rau cắt rốn, nơi đồng chí cất tiếng khóc chào đời và sống những ngày niên thiếu.
Các cụ thân sinh của Phan Đăng Lưu là những người giàu lòng yêu nước, ham lao động. Tuổi thiếu niên của Phan Đăng Lưu là những ngày tháng đẹp đẽ. Lớn lên, rời trường làng, trường huyện, Phan Đăng Lưu vào học ở Vinh rồi vào Huế. Với tấm lòng gắn bó đồng đất và con người quê hương, Phan Đăng Lưu thi vào trường canh nông Tuyên Quang mong học tập những kiến thức nông học để sau này ra giúp dân mở mang tri thức nông nghiệp. Tốt nghiệp ra trường, Phan Đăng Lưu xin về làm ở Sở Canh nông Nghệ An, rồi lại trở về trại tằm Đông Câu (Diễn Kim), trại tằm Linh Cảm ( Hà Tĩnh), trại tằm Lâm Đồng, nên bà con thường gọi ngôi nhà và mảnh vườn lưu niệm là nhà của cụ Phan Tằm (có con làm công chức ở các trại tằm lớn). Nhà của cụ Phan Tằm được xây cất từ năm 1929, lợp ngói âm dương, có 3 gian 2 gác; gác trên dùng làm nơi thờ phụng tổ tiên.
Bước chân vào ngôi nhà, bạn gặp ngay chiếc rương dựng sách - hiện vật còn lại lưu giữ dấu tích thời niên thiếu của Phan Đăng Lưu. Đây là nơi cất giữ những tài liệu chuyên môn có giá trị và tài liệu, sách báo tuyên truyền về đường lối cách mạng. Có thể xem chiếc rương gỗ tại nhà lưu niệm là ký ức, nơi lưu giữ những ước mơ, khát vọng và hoài bão tuổi trẻ của một chiến sỹ cách mạng kiên trung, bất khuất. 
Thời gian làm việc tại Nghệ An, Phan Đăng Lưu gia nhập Đảng Tân Việt và chính ông đã về Yên Thành xây dựng tổ Tân Việt Tràng Thành, nhen nhóm những hạt giống cách mạng đầu tiên ở nơi này. Trong những năm tháng thoát ly tham gia hoạt động cách mạng và đến ngày đồng chí hy sinh (26/8/1941), Phan Đăng Lưu đã hai lần về thăm quê, thăm cha mẹ. Mỗi lần về thăm nhà, đồng chí đều lần mở chiếc rương đựng sách như để tìm về ký ức tuổi thơ, những tháng ngày bình yên để từ đó mài sắc thêm tinh thần và ý chí của người chiến sỹ cách mạng.
Đến với nơi nhà cách mạng Phan Đăng Lưu cất tiếng khóc chào đời và sống những tháng ngày đẹp đẽ nhất của cuộc đời cách mạng, bạn sẽ lưu giữ được những kỷ niệm đẹp về một con người, một trí tuệ, một nhân cách đã góp phần làm vẻ vang cho quê hương Nghệ An.
Văn miếu bên dòng Lam
Từ cầu Rộ (xã Võ Liệt - Thanh Chương), nhìn xuôi về phía hữu ngạn dòng sông Lam, du khách sẽ thấy một ngôi đình cổ kính và bề thế nằm giữa cánh đồng lúa xanh mượt. Ngôi đình ấy mang tên cả một vùng quê - Võ Liệt, là nơi thờ Thành hoàng Phan Đà - một vị tướng của Lê Lợi, cũng là nơi đàm đạo của Hội Văn Tổng Võ Liệt xưa. Đình còn được xem là Văn miếu của đất Thanh Chương, đem lại niềm tự hào cho bao thế hệ sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. 
Đình Võ Liệt (xã Võ Liệt - Thanh Chương).
Đình Võ Liệt (xã Võ Liệt - Thanh Chương).
Nói đình Võ Liệt được xem là Văn miếu của Thanh Chương, ngoài nguyên do là chốn đàm đạo của Hội Văn, những bậc tao nhân mặc khách, còn bởi có 2 dãy nhà bia với 6 tấm bia đá ghi lại tên tuổi, quê quán của 455 vị khoa bảng, đỗ từ Tú tài đến Cử nhân và Tiến sỹ của Tổng Võ Liệt từ triều Hậu Lê đến triều Nguyễn. Có lẽ, vì thế Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết trong thư gửi Đảng bộ và nhân dân xã Võ Liệt: “Ở một xã, một huyện ít nơi có di tích lịch sử như ở đây. Tôi đã nói: Đây là “văn miếu huyện” rất đáng tự hào ở quê ta, các thế hệ con, cháu phải tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học đó của ông cha ta”. 
Theo tư liệu lịch sử, Đình Võ Liệt do ông Hoàng Chính Trực thiết kế và xây dựng. Thân phụ của ông làm quan ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa và nhiều lần dẫn con trai ra ngắm cảnh Thăng Long, trong đó có Văn Miếu Quốc Tử Giám. Năm 28 tuổi, Hoàng Chính Trực đỗ Cử nhân, đã xây một công trình giống như Văn Miếu ở quê hương nhằm mục đích đề cao sự học. Hội Văn huyện Thanh Chương đã chấp nhận ý tưởng này và giao cho ông chủ công trong việc thực hiện vào năm 1859. Tương truyền, các sỹ phu yêu nước trong vùng như Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc, Đặng Nguyên Cẩn... thường đến đây đàm đạo văn chương và luận bàn thế sự.
Bia đá trước đình Võ Liệt ghi danh những người đỗ đạt.
Bia đá trước đình Võ Liệt ghi danh những người đỗ đạt.
Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), đình Võ Liệt là nơi tập hợp hàng vạn quần chúng thuộc Tổng Võ Liệt và các Tổng Bích Hào, Xuân Lâm, Đại Đồng để lên huyện đường đấu tranh với thực dân - phong kiến. Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi, lập nên chính quyền Xô Viết, đem lại niềm tin và hy vọng cho các tầng lớp nhân dân. Những năm sau đó, Đình Võ Liệt lại chứng kiến sự khôi phục lại Chi bộ Đảng Võ Liệt (1940) và Đại hội đại biểu Khu 4 do các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu và Thiếu tướng Nguyễn Sơn chủ trì.
Về thăm Đình Võ Liệt, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự tinh xảo của lối kiến trúc cổ, làm nên sự độc đáo ít nơi nào có được. Cảnh vật xung quanh đình hài hòa và hữu tình, có sông, núi và cánh đồng mênh mông càng tôn thêm vẻ cổ kính, linh thiêng mà khoáng đạt. Đồng thời, cảm nhận phần nào không khí đấu tranh cách mạng buổi đầu dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Công Kiên - Đức Tiến

Tin mới