Nghệ An kỷ luật 11 tổ chức đảng, 307 đảng viên

(Baonghean) - Công tác kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.

Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về vấn đề này.

P.V: Thưa đồng chí, công tác kiểm tra, giám sát có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chất lượng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh được nâng cao, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội... Đồng chí có thể cho biết về tình hình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lê Hồng Vinh: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy rất quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn đảng bộ.

Trong đó, đã tập trung kiểm tra, giám sát các nội dung trọng tâm: việc quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án theo nghị quyết Đại hội; việc quán triệt triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng; các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, đạo đức công vụ; lĩnh vực cấp phép... các vấn đề bức xúc, nổi cộm được nhân dân quan tâm. 

Đoàn công tác của UBKT Tỉnh ủy giám sát xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện bản Mồng tại huyện Quỳ Châu. Ảnh: P.V
Đoàn công tác của UBKT Tỉnh ủy giám sát xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện bản Mồng tại huyện Quỳ Châu. Ảnh: P.V

Trong 6 tháng đầu năm 2017, cấp ủy các cấp kiểm tra 1.178 lượt tổ chức đảng và 1.903 lượt đảng viên; giám sát 704 lượt tổ chức và 1.579 lượt đảng viên; thi hành kỷ luật 11 tổ chức đảng và 307 đảng viên bằng các hình thức.

UBKT các cấp kiểm tra được 162 lượt tổ chức đảng và 346 lượt đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 925 lượt tổ chức đảng; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện việc thi hành kỷ luật đối với 784 lượt tổ chức đảng; giám sát 783 lượt tổ chức và 1.250 lượt đảng viên; thi hành kỷ luật 92 đảng viên bằng các hình thức...

Ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện nghiêm nhiệm vụ giám sát quá trình triển khai kiểm điểm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) tại các đơn vị. Để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cần thực hiện sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã có văn bản chỉ đạo cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp huyện nghiên cứu, bổ sung vào chương trình công tác nội dung kiểm tra, giám sát việc khắc phục, sửa chữa các khuyết điểm được chỉ ra sau kiểm điểm. Kết quả, đã xem xét xử lý kỷ luật một số đảng viên có vi phạm, tạo được sự đồng tình cao trong dư luận nhân dân.

Hoạt động kiểm tra, giám sát đã tác động tích cực đến việc thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; tránh tình trạng các chỉ thị, nghị quyết được xây dựng công phu, kết tinh trí tuệ và tâm huyết của tập thể nhưng kết quả triển khai thực hiện không cao hoặc không thực hiện. 

P.V: Công tác kiểm tra, giám sát gắn liền, tất yếu với công tác lãnh đạo của Đảng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Vậy, xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này?

Đồng chí Lê Hồng Vinh: Chúng tôi xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới là, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nhận thức đầy đủ, đúng đắn vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy phòng ngừa, xây là chính; đề xuất các giải pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm những việc đang làm.

Chú ý kiểm tra đều các khu vực, lĩnh vực, địa phương, tránh tình trạng "trông chờ, nghe ngóng", "nặng trên, nhẹ dưới". Kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu trong cuộc sống; đồng thời, kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Ðảng, đến sự phát triển của địa phương, ngành, đơn vị. 

Cùng với đó, tăng cường công tác giám sát thường xuyên, theo dõi địa bàn lĩnh vực, chủ động phát hiện, tham mưu, đề xuất với cấp ủy việc kiểm tra những vụ việc sai phạm cụ thể; phát huy trách nhiệm của các Ban, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra và Văn phòng Tỉnh ủy trong việc theo dõi địa bàn, lĩnh vực; gắn trách nhiệm của cán bộ khi không phát hiện địa bàn, lĩnh vực mình được phân công theo dõi phát sinh các vụ việc, không tham mưu xử lý kịp thời.

Triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trước hết là tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp và cấp ủy viên cùng cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Mô hình sản xuất ngao giống của ông Thái Bá Khang tại xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu). Ảnh: P.V
Mô hình sản xuất ngao giống của ông Thái Bá Khang tại xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu). Ảnh: P.V

Có hình thức thích hợp để tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật các tổ chức, đảng viên ở các cấp, tránh tình trạng bao che sai phạm của các địa phương, cơ quan, đơn vị; tăng cường phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả thực chất giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp, thanh tra, kiểm toán trong thực hiện nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ xem xét, kiểm tra, giám sát các vụ việc với tinh thần bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với hành vi vi phạm kỷ luật Đảng…

Thực hiện tốt chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm 2017 là chủ động nắm chắc tình hình, lựa chọn đúng vấn đề Đảng và nhân dân đang cần; khách quan trong quá trình thực hiện.

Khi kết luận, cần giúp đối tượng tự giác nhận ra được khuyết điểm. Quá trình kiểm tra, không khoán cho đoàn kiểm tra mà các đồng chí trong lãnh đạo ủy ban kiểm tra các cấp cần phải tham gia đánh giá thường xuyên, trực tiếp chỉ đạo đoàn kiểm tra. Mặt khác, cần chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận kiểm tra.

P.V: Công tác giám sát trong Đảng có vai trò hết sức quan trọng, góp phần cảnh báo vi phạm; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục những khuyết điểm; phát hiện nhân tố tích cực của tổ chức đảng và đảng viên. Ngày 1/6/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 86-QĐ/TW (Quy định 86) về giám sát trong Đảng. Đồng chí có thể cho biết những nội dung mới của Quy định này?

Đồng chí Lê Hồng Vinh: Để bảo đảm thống nhất và đồng bộ trong việc thực hiện Quy định số 30-QĐ/TW về thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, các quy định, quy chế và thực tiễn công tác xây dựng Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 1/6/2017 về giám sát trong Đảng thay thế Quy chế số 68- QĐ/TW, ngày 21/3/2012.

Trong đó về nội dung, Quy định 86 với nhiều điểm mới về đối tượng, việc lãnh đạo công tác giám sát trong Đảng; mở rộng thêm đối tượng giám sát là chi ủy, ban thường vụ đảng ủy cơ sở; mở rộng thêm về phạm vi giám sát; về phương thức tiến hành đó là khi cần thiết thì có thẩm tra, xác minh; nêu rõ nhiệm vụ giám sát của chi bộ cơ bản là giám sát thường xuyên...

Nội dung giám sát được bổ sung nhiều điểm mới so với quy định trước đây, như: Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; việc quản lý, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, đề bạt, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ…

Đây đều là những vấn đề thời sự, đang đặt ra hết sức cấp bách đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

P.V

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới